Cao Thanh Thà: 'Biển đảo với tôi như một chữ Duyên trời định'
Cao Thanh Thà từng tâm sự: 'Biển đảo với tôi như một chữ duyên trời định, khi ngắm biển - ngắm những tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho con người, tôi từng băn khoăn tự hỏi, tại sao chúng ta không biết gìn giữ bảo vệ nó. Mà để ngày càng nhiều rác thải nhựa, phao xốp, túi nilon… hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản? để rồi phải chứng kiến những vùng biển chết? những sinh vật biển chết vì nuốt phải hàng yến túi nilon, vỏ chai nhựa'…
Một ngày đầu xuân, các họa sĩ Ngô Xuân Khôi, Phạm Sinh trở lại đất Tổ để chỉnh trang pho tượng Quốc Tổ Hùng Vương của Phạm Sinh, là một trong ba tác phẩm lọt vào chung kết cuộc thi đang trưng bày lấy ý kiến nhân dân tại Khu di tích Đền Hùng trước mùa lễ hội.
Cùng đi với hai nghệ sĩ và kiêm lái xe, tôi ấn tượng với cô gái mảnh dẻ có nước da trắng, đôi mắt sáng dịu hiền và mái tóc màu hung rất nghệ. Qua giới thiệu của Phạm Sinh, được biết cô tên Cao Thanh Thà - nhà điêu khắc trẻ, từng là học trò của Phạm Sinh ở Trường Mỹ thuật, hiện là Giám đốc một công ty mỹ thuật, từng thực hiện nhiều công trình, dự án lớn, đặc biệt các dự án về bảo vệ môi trường và đã là khách mời của VTV mỗi khi nói về chủ đề môi trường biển…

Nhà điêu khắc Cao Thanh Thà.
Cao Thanh Thà sinh năm 1983, tại xóm Đạo, Nỗ Lực, Thụy Vân, thành phố Việt Trì. Ngôi nhà cô nằm ngay ven sông Hồng, tuổi thơ cô gắn bó với sông nước, những trò chơi mô hình trên cát, đã sớm bộc lộ năng khiếu tạo hình. Học xong phổ thông, Thà thi đỗ vào trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, học chuyên ngành Điêu khắc và nhận bằng Thạc sĩ năm 2007. Ra trường cô may mắn được làm việc tại Hà Nội, đúng lĩnh vực đào tạo, đó là điêu khắc trang trí không gian mở các khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí…
Điều thú vị là các công trình mà Cao Thanh Thà thực hiện đều gắn với biển đảo, vì thế tình yêu với biển đảo đã ngấm vào cô lúc nào không hay. Cao Thanh Thà từng tâm sự: “Biển đảo với tôi như một chữ duyên trời định, khi ngắm biển - ngắm những tuyệt tác thiên nhiên ban tặng cho con người, tôi từng băn khoăn tự hỏi, tại sao chúng ta không biết gìn giữ bảo vệ nó. Mà để ngày càng nhiều rác thải nhựa, phao xốp, túi nilon… hủy hoại môi trường sống của các loài thủy sản? để rồi phải chứng kiến những vùng biển chết? những sinh vật biển chết vì nuốt phải hàng yến túi nilon, vỏ chai nhựa”…
Trải nghiệm với chất liệu xốp
Từ năm 2014, tình cờ một đồng nghiệp giới thiệu điêu khắc trên xốp đang thịnh hành ở nước ngoài. Máu nghề nghiệp khiến Cao Thanh Thà tìm hiểu ngay về các loại xốp và cách thể hiện chất liệu này. Cơ duyên ấy đã giúp Thà làm chủ và gắn bó với chất liệu này từ đó đến nay. Thà cho biết: “Trong điêu khắc xốp là chất liệu hiện đại, có ưu điểm về thời gian thi công nhanh, nhẹ, bền, giá thành rẻ hơn các vật liệu khác, nguồn cung vật liệu và vận chuyển dễ dàng. Lợi thế đó khiến xốp còn được dùng cho những công trình nghệ thuật lên đến hàng chục nghìn mét khối”.
Chính vì vậy, Thà và các đồng nghiệp từng thực hiện nhiều công trình, sử dụng chất liệu xốp thành công. Trong đó phải kể đến công trình điêu khắc tạo hình vỏ ngoài của thủy cung hình rùa lớn nhất thế giới tại đảo Phú Quốc. Từ mô hình chuẩn ở tỷ lệ 1/50, công đoạn phun foam (bọt xốp) lên bề mặt phác thảo tỉ lệ 1/1. Khi bề mặt đạt tiêu chuẩn, sẽ phun một lớp phủ để bảo vệ. Cuối cùng là công đoạn sơn các lớp màu trang trí. Với chất liệu này tuổi thọ của chúng cũng hàng chục năm, thậm chí hơn rất nhiều. Những công trình sử dụng ngắn ngày sẽ được tái chế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Từ chất liệu này, nghệ sĩ Cao Thanh Thà đã có nhiều hoạt động cộng đồng, biến những phao xốp, túi nilon, rác thải nhựa… thành các tác phẩm nghệ thuật như những thông điệp về bảo vệ môi trường biển. Nhiều tác phẩm trong số này đang hiện diện ở đảo Minh Châu (huyện Vân Đồn), Khu bảo tồn Hòn Cau (Bình Thuận), Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo)...
“Phiêu” cùng Cao Thanh Thà và 1.001 con rùa biển
Trở về sau 12 ngày đêm trực tiếp tham gia công tác cứu hộ, bảo tồn rùa biển tại Côn Đảo, nhà điêu khắc Cao Thanh Thà đã ấp ủ một dự án nghệ thuật với sự bảo trợ chuyên môn của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Nhằm chung tay truyền thông bảo tồn rùa biển và môi trường biển.
Hưởng ứng Ngày rùa biển thế giới (16/6) và truyền thông kêu gọi hành động bảo vệ các loài rùa biển, môi trường biển… Vừa qua, tại Trung tâm Triển lãm (93 Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội), Cao Thanh Thà đã khai mạc triển lãm sắp đặt với tiêu đề "Phiêu" trưng bày 1.001 rùa biển bằng gốm. Đây là con số kỷ lục mà trước đó ở Việt Nam chưa từng có. Tuy nhiên, với Thà con số này không phải để tạo ra kỷ lục, mà sâu xa hơn nó bắt nguồn từ tỷ lệ sống rất thấp 1/1000 của rùa biển, cũng như nguy cơ tuyệt chủng đáng báo động của loài động vật nằm trong Sách đỏ IUCN.

Đông đảo công chúng có mặt tại triển lãm sắp đặt có một không hai về rùa biển.
“Phiêu” nhằm gửi đến công chúng câu chuyện phiêu lưu của những chú rùa biển, từ khi sinh ra đến lúc được hòa mình vào đại dương, bắt đầu cuộc sống lênh đênh trên biển cả. Cao Thanh Thà cho biết: “Trong 1.000 trứng, con non rùa biển thường chỉ có 1 con trưởng thành trở về nơi được sinh ra để đẻ trứng, sau khi đã vượt qua bao mối nguy hiểm nơi đại dương mênh mông để tiếp tục một sự sống mới”.
Với 6 cụm nghệ thuật sắp đặt gồm: “Đại dương tươi đẹp - Không gian thực tại - Tương lai”, “Dòng hải lưu”, “Xoáy ngầm”, “Bình minh - Hoàng hôn - Bóng đêm”, “Trở về” cùng những hoạt động trải nghiệm, tương tác, Triển lãm không chỉ là sự kiện nghệ thuật đặc biệt, mà còn là lời kêu gọi hành động, khuyến khích mỗi cá nhân chung tay, góp sức việc bảo vệ môi trường biển.
“Phiêu” với rùa biển là hành trình dài dằng dặc những hiểm họa, rủi ro đến từ các loài thiên địch, những biến đổi môi trường và cả sự đe dọa của chính con người. “Phiêu” với Cao Thanh Thà chính là cuộc dấn thân vào điêu khắc nghệ thuật gốm sứ. Bởi từ trước đến nay nghệ sĩ chủ yếu làm điêu khắc ứng dụng và thi công các công trình trang trí công viên, mà chưa từng thử sức với gốm sứ - loại chất liệu không phải dễ chiều.
Được biết, với tình yêu mãnh liệt dành cho biển cả, Cao Thanh Thà - cô gái chỉ sống bằng một quả thận đã dồn toàn bộ thời gian, tâm sức hơn 2 tháng, nhiều khi quên ăn, quên ngủ để tạo ra 1.001 chú rùa biển bằng gốm, cũng với ngần ấy dáng vẻ khác nhau sống động của những chú rùa biển. Có thể nói, mỗi tác phẩm như một sợi dây kết nối tình cảm giữa con người với sinh vật sống, là lời nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm đối với hành tinh, cùng sinh vật sống trong hành tinh ấy… Tại không gian 1.001 rùa biển, tác giả còn đặt một quả trứng rùa khổng lồ, là nơi “lưu dấu” của mỗi khách thăm quan ký tên lên quả trứng, như một sự cam kết, thể hiện trách nhiệm của mỗi người với môi trường sống nói chung và môi trường biển nói riêng.
Cao Thanh Thà là người rất có duyên với các dự án nghệ thuật cộng đồng, hướng tới bảo vệ môi trường biển, trên khắp các vùng biển của Việt Nam như: Dự án Trại sáng tác nghệ thuật từ rác thải và phao xốp tại Vịnh Bái Tử Long, Quảng Ninh năm 2018; Dự án “Đại dương nổi trên cạn” Khu bảo tồn đảo Hòn Cau, Bình Thuận năm 2019; Dự án trang trí phố đi bộ tại bến du thuyền Ana Marina Nha Trang với chủ đề “Đại dương”, năm 2020; Dự án bảo tồn rùa biển và sáng tác nghệ thuật tại Côn Đảo năm 2021; Dự án bảo tồn rùa biển tại đảo Hòn Cau năm 2022; và Dự án nghệ thuật 1.001 rùa biển bằng gốm với triển lãm “Phiêu” năm 2024.
Cao Thanh Thà chia sẻ: “Tôi muốn các tác phẩm nghệ thuật của mình như một thông điệp gửi đến mỗi cá nhân rằng: Xung quanh chúng ta đang bị “bao vây” bởi rác và rác. Tuy có thể cải tạo và nghệ thuật hóa thành một số tác phẩm, nhưng đây chỉ là những giải pháp tình thế mang tính tuyên truyền. Tôi muốn ở mọi người một sự thay đổi lớn trong tư duy, trong ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường biển, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân và du khách trong việc sử dụng rác thải nhựa, có trách nhiệm hơn giữ gìn môi trường sống. Để những thế hệ sau không phải “gánh nặng” hệ quả, từ sự vô tâm và thiếu trách nhiệm của thế hệ trước”.