Cao Huy Thuần đã ra đi!

Tôi quen anh Cao Huy Thuần lần đầu tiên trên đất Đức. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là năm 67 hay 68 khi tôi vừa từ Việt Nam qua, anh em có tổ chức trại hè Bad Liebenzell, một thị trấn rất đẹp nằm trên Rừng Đen của nước Đức. Không, có lẽ một trại hè sau đó, do anh em Stuttgart tổ chức.

Từ Paris anh đến dự trại, trẻ trung, tự tin, và cùng xuất hiện với anh là chị Thái Kim Lan. Anh Thuần lúc đó xem như là người đại diện của nhóm Gió Nội và có tờ báo cùng tên. Các thành viên của nhóm là những người trí thức Phật tử Việt Nam ở Paris tập trung xung quanh thầy Thích Thiện Châu và sư cô Mandala. Họ bàn về thời sự Việt Nam, thế giới và về vai trò của người trí thức. Đọc tờ báo, tôi rất ngưỡng mộ. Họ là những trí thức thức thời, hiểu biết và dấn thân. Gió Nội là tờ báo Khai sáng. Lúc gặp anh ở Đức, anh Thuần đã có một quá khứ đấu tranh ở Huế.

Vài năm sau đó tôi có qua Paris vài lần gặp các anh nhóm Phật tử cũng như nhóm Liên Hiệp, và được quen với anh Giao, anh Phương cùng các anh lãnh đạo khác.

Cuộc đấu tranh của anh em sinh viên bên Tây Đức đã manh nha từ cuối 68 và 69 khi hơi nóng của cuộc chiến phả vào thế giới. Chúng ta khó trốn thoát khỏi lịch sử. Chúng tôi hoạt động hoàn toàn tự phát, độc lập và tự thân vận động. Khoảng năm cuối thập niên 1960 nhờ sự có mặt của hai anh Bùi Văn Nam Sơn và Trương Văn Hùng trong nước vừa qua, chúng tôi đã ra được tờ báo Hòn Kẽm ở Tây Đức tạo được tiếng vang nhất định, với mục đích đánh thức tập thể sinh viên mới qua về tình hình đất nước và trách nhiệm của người sinh viên. Vừa ra báo, vừa đi vận động. Trung tâm của tờ báo được đặt tại thành phố đại học Heidelberg, nơi tôi đang theo học.

Chúng ta, những người trí thức ở bốn phương, gắn bó với nhau, vượt không gian và thời gian, trên hết còn vì tình cảm chung đối với quê hương đất nước. Bởi vậy, tôi xin được xem vinh dự này không phải chỉ là vinh dự cá nhân mà là vinh dự chung. Vinh dự được là người trí thức trước sóng gió của thời cuộc”.

-----------------

Cao Huy Thuần (2021)

Sau một thời gian, chúng tôi không còn gặp gỡ nhau nữa, “đường ai nấy đi”, mạnh ai nấy lo cho “tồn tại và trở thành” (Sein und Werden) của mình. Tiếp đến, cuộc đấu tranh sau 1975 khi không còn tiếng súng nữa mới khó khăn làm sao, vì đó là cuộc chiến đấu âm thầm của mỗi cá nhân với chính mình, tự mò mẫm, “trial and error”, để trở thành cái gì, và mình sẽ làm cái gì cho mảnh đất thân yêu đang rách nát kia. Phong trào đi xuống, nhưng cá nhân không được phép đi theo. Mỗi người phải tự lột xác như con bướm để bay lên. Giờ là thời điểm để trở thành cái gì thiên phú trong ta. Mỗi người có lựa chọn tự do cho chính mình trong giờ phút critical của lịch sử, nói như Viktor Frankl.

Cho tới những năm 2010 khi làm các số kỷ yếu khoa học giáo dục tôi mới liên lạc được lại với anh Cao Huy Thuần. Anh Thuần đã tham gia với chúng tôi trong nhiều số kỷ yếu, đặc biệt trong đó có số 150 năm Thuyết tiến hóa và Darwin, và 200 năm Đại học Humboldt. Thật ra lúc đầu tôi chỉ muốn lập một network của bạn bè để chat. Nhưng rồi các lễ kỷ niệm lớn của thế giới đến với các số kỷ yếu ra đời.

Tôi đọc được những bài viết của anh Thuần trên báo mạng của anh Trần Hữu Dũng. “Gừng càng già càng cay”, đúng như thế. Các bài của anh đều là những masterpieces, rất sovereign, và rất đáng khâm phục. Đó là một tấm gương học thuật, dày công nghiên cứu và đầy tính nhân văn. Những “khúc quanh nhận thức biện chứng” của anh thường gây ngạc nhiên cho tôi một cách thú vị. Văn phong của anh có nét rất đặc trưng, và vẻ đẹp không thể nhầm lẫn được. Đọc một bài mà gặp văn phong đó thì nhắm mắt nói là của anh Thuần cũng không sai.

Tập các bài viết cuối cùng của anh là “Im lặng như một lời chia tay”, báo hiệu một sự rút lui hoàn toàn vào nội tâm của anh. Nhưng làm sao có thể rút lui được khi anh là một phần máu thịt của phong trào? Cũng không phải im lặng để chia tay. Nếu cùng im lặng và “thiền định” thì chúng ta sẽ gặp lại anh Cao Huy Thuần, trong một không gian trong trẻo, thánh thiện hơn. Anh là người có tâm Phật.

Đây loài bướm “painted lady”, anh Thuần.

Nó cũng giống loài bướm monarch, chỉ khác vân, là loài mà anh đã yêu thích trong bài tiểu luận Bướm bay. Chúng nặng chỉ vài gram thôi nhưng có thể vượt cả đại dương, điều làm anh ngưỡng mộ. Loài én, cũng chỉ 10-20 gram nhưng cũng có thể bay từ Nam Phi lên tận Bắc Âu. Càng nhẹ, càng dễ bay xa. Chẳng phải Einstein cũng từng đưa ra ẩn dụ, nếu muốn đi xa thì bạn đừng để vật chất ràng buộc dưới chân hay sao? Anh giờ đã trở thành không có khối lượng, không còn bị vướng bận bởi cái thân xác nặng nề nữa, nhẹ như hạt photon của Einstein, chắc có thể bay với vận tốc ánh sáng được. Có gặp Einstein, xin anh cho gửi lời thăm nhé.

Anh ra đi là nhẹ lòng. Trần thế đang có lắm chuyện không hay. Rồi đây tất cả mọi người đều phải giải trình với Thượng đế về hành động của mình ở thế gian đầy mê muội. Có thể anh sẽ được mời ngồi ghế công tố viên, hay bồi thẩm viên.

Xin anh an nghỉ. Chuyện thế giới sẽ tiếp tục tiến hóa. Thế nào rồi lý tính lành mạnh cùng đạo đức của con người cũng sẽ lại chiến thắng. Anh yên tâm, dù có thể còn rất vất vả. Con bướm monarch mong manh vẫn bay qua được đại dương kia mà.

Thương tiếc Anh.

Nguyễn Xuân Xanh

GS.Nguyễn Xuân Xanh, cựu sinh viên khoa toán tại Đại học Khoa học Sài Gòn, sau đó du học với học bổng quốc gia và tốt nghiệp tiến sĩ Habil toán tại CHLB Đức. Ông là cây bút viết tiểu luận, và xuất bản sách về lịch sử khoa học, công nghệ, giáo dục đại học, giáo dục khai phóng, văn hóa, và kinh nghiệm công nghiệp hóa các quốc gia đi sau, đặc biệt của hai quốc gia Đức và Nhật Bản.

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/cao-huy-thuan-da-ra-di-post72344.html
Zalo