Cao Giang - Nữ phát thanh viên với dự án 'Hương sắc xứ trà', lan tỏa giá trị văn hóa trà Việt
Giữa làn sương sớm trên đồi chè Tân Cương (Thái Nguyên), hình ảnh một cô gái trẻ trong trang phục dân tộc, tay nâng giỏ chè xanh, miệng nở nụ cười tươi, trở thành điểm nhấn giữa không gian ngập tràn hương trà. Đó là Cao Giang – phát thanh viên Gen Z được yêu mến trên các nền tảng truyền thông. Tham gia dự án 'Hương sắc xứ trà', Giang không chỉ trải nghiệm và ghi lại vẻ đẹp nghề làm trà truyền thống, mà còn lan tỏa tình yêu, sự trân quý với văn hóa trà Việt tới đông đảo người trẻ hôm nay.
Cao Giang (sinh năm 2002), là cựu sinh viên tốt nghiệp khoa Báo chí Truyền thông của Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên. Với tình yêu sâu sắc dành cho văn hóa dân tộc và những ký ức tuổi thơ, Giang đã bắt đầu dự án “Hương sắc xứ trà” – một hành trình không chỉ lưu giữ hình ảnh mà còn đánh thức những giá trị tinh thần gắn liền với bản sắc văn hóa Việt. “Có lẽ, chính tình yêu dành cho văn hóa dân tộc cùng với những ký ức tuổi thơ đã thôi thúc mình bắt đầu dự án này”, Giang chia sẻ.

Cao Giang trong trang phục dân tộc xuất hiện giữa sương sớm Tân Cương Thái Nguyên với nụ cười rạng rỡ và giỏ chè xanh.
Ngày nhỏ sống cùng bà ngoại, ký ức của Giang gắn với những buổi chiều yên ả bên chén trà nghi ngút khói và những câu chuyện quê hương được bà kể bằng giọng nói ấm áp. “Hồi đó, mình chưa từng nghĩ sẽ có ngày cầm máy quay đi giữa đồi chè, nhưng có lẽ chính tiềm thức đã nuôi dưỡng niềm yêu mến ấy trong mình từ rất sớm”, Giang chia sẻ.
Chọn chè Thái Nguyên làm trung tâm cho dự án đầu tay mang hướng bảo tồn văn hóa, Giang gọi đó là một “sự thôi thúc từ bên trong”. Với cô, chè không chỉ là sản vật, mà là linh hồn của vùng đất – một nghề truyền thống chất chứa niềm tự hào xen lẫn nhiều trăn trở. “Hương sắc xứ trà” ra đời như một thước phim đậm dấu ấn Gen Z, kết hợp giữa hình ảnh truyền thống và phong cách kể chuyện hiện đại, gần gũi. Qua ống kính của Giang, người xem không chỉ thấy màu xanh bát ngát của nương chè, mà còn cảm nhận được hơi ấm từ bếp lửa, từ nụ cười và những đôi bàn tay thấm mồ hôi của người làm trà.

Cao Giang hái chè non giữa đồi chè Tân Cương trong sương sớm ghi lại vẻ đẹp lao động truyền thống với tất cả sự trân trọng.
Trong hành trình khám phá, giữa những cái tên quen thuộc như trà móc câu, trà sen hay trà tôm nõn, Giang dừng lại trước một hương vị dịu dàng mà đầy cuốn hút: trà ướp hoa sói. Không rầm rộ, không hào nhoáng, nhưng trà hoa sói lại có một vẻ đẹp riêng, nền nã, âm thầm, mà đủ sâu để giữ chân những ai từng chạm vào.
Với Cao Giang, mỗi lần đến vùng chè Thái Nguyên là một lần trở về với những giá trị sâu xa của văn hóa Việt. Không chỉ khám phá, ghi hình, hay kể lại, Giang chọn sống cùng từng công đoạn làm trà, để hiểu rằng: làm trà không đơn thuần là một nghề – mà là một nghệ thuật.

Hành trình làm dự án như một lời nhắn gửi chân thành từ người trẻ đến những giá trị văn hóa Việt cần được gìn giữ.

Giang chia sẻ, tình yêu dành cho văn hóa dân tộc và ký ức tuổi thơ là nguồn cảm hứng cho dự án.
Hoa sói – loài hoa nhỏ, trắng tinh khôi, tỏa hương vào mỗi sớm tinh mơ, là linh hồn của loại trà đặc biệt mà Giang vô cùng ấn tượng. Những nghệ nhân nơi đây vẫn thức dậy từ tinh mơ để hái hoa khi vừa hé nở, giữ nguyên vẹn hương thơm trời đất, rồi tỉ mỉ ướp cùng những mẻ trà đã sao khô. “Mỗi mẻ trà có thể phải ướp đến bảy, chín lần, như một bản hòa tấu của hương và thời gian”, Giang chia sẻ.
Cánh trà hút lấy hương hoa, giữ lại tinh túy thiên nhiên, tạo nên vị trà thanh tao, hậu ngọt kéo dài, dễ khiến người thưởng trà rung động. Giang nhớ mãi cảm giác khi được tận tay hái những búp chè non trong làn sương sớm, chứng kiến quy trình sao trà, tách hoa, ướp hương… để rồi nhận ra: đôi bàn tay con người chính là chiếc cầu nối giữa đất trời và vị giác.

Mỗi mẻ trà được ướp hoa từ bảy đến chín lần người làm trà phải canh đúng thời điểm để hương hoa thấm sâu vào từng sợi chè.
“Có những người lớn lên cùng cây chè, cả tuổi thơ gắn với những mùa vào vụ, những đêm trắng canh mẻ ướp hoa”, Giang kể: “Có người chọn ở lại, gắn đời mình với nghề – không chỉ để mưu sinh, mà để giữ lại phần hồn cốt của văn hóa”.
Và cũng có những người trẻ như Giang – không sinh ra từ làng chè, nhưng đến đó với một tình cảm chân thành, lắng nghe, cảm nhận và kể lại. Phát huy nghề truyền thống không còn là câu chuyện của riêng những người lớn lên từ đất chè. Người trẻ hôm nay, bằng góc nhìn hiện đại và phương tiện truyền thông, có thể lan tỏa những giá trị xưa cũ theo một cách mới, dung dị mà sâu sắc, sáng tạo mà chân thành.

Hoa sói – loài hoa nhỏ, trắng tinh khôi.

Mỗi búp chè, mỗi cánh hoa là kết tinh của đất trời và bàn tay con người.
Giữa nhịp sống hiện đại luôn hối hả, đâu đó vẫn còn những khoảng lặng dịu dàng giữ gìn nét đẹp của truyền thống như một chén trà hoa sói được pha bằng tất cả sự nâng niu. Với Cao Giang, đó không chỉ là một thức uống, mà là biểu tượng cho sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa làng nghề và trái tim công chúng.
Trong hành trình tìm hiểu về trà ướp hoa sói, Giang không đơn thuần đến với tâm thế của một người khám phá, mà mang theo niềm tin rằng: mỗi câu chuyện, mỗi trải nghiệm đều có thể trở thành chiếc cầu nối văn hóa. “Mình tin rằng, khi đến gần truyền thống bằng sự lắng nghe và cảm nhận thật lòng, thì chính mình – người kể chuyện cũng trở thành một phần trong mạch chảy văn hóa ấy”, Giang chia sẻ.

Từ hái chè đến ướp hoa mỗi bước đều được thực hiện bằng tay.

Giang ví trà hoa sói như một bản nhạc dịu dàng của hương và thời gian hòa quyện trong từng tách trà.
Mỗi búp chè, mỗi cánh hoa là kết tinh của đất trời và bàn tay con người – những đôi tay khéo léo, kiên nhẫn, gắn bó với nghề bằng cả ký ức và tình yêu truyền đời. Giữa làn hương dịu nhẹ, Giang thấy rõ sự bền bỉ trong từng công đoạn tỉ mỉ: từ hái hoa khi còn sương đọng, đến những lần ướp đi ướp lại để hương hoa thấm vào từng sợi trà.

Giang tự hào được là người trẻ kể chuyện về trà bằng lăng kính hiện đại để văn hóa truyền thống lan tỏa đến thế hệ hôm nay.
Với Giang, “Hương sắc xứ trà” không đơn thuần là một sản phẩm truyền thông. Đó là nơi cô gửi gắm tình yêu dành cho văn hóa truyền thống, là cách một người trẻ chọn kể chuyện bằng cảm xúc và sống cùng di sản dân tộc. Trong nhịp sống hiện đại, dự án là một lời nhắn gửi nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: vẫn có những giá trị xưa cũ cần được gìn giữ bằng tất cả sự trân trọng từ trái tim.