Cao Bằng - Nơi ra đời đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam
Sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) là một mốc son lịch sử, đáp ứng yêu cầu của cách mạng và nguyện vọng của toàn dân tộc; đồng thời là một trong những sự kiện nổi bật trong lịch sử của dân tộc Việt Nam thế kỷ XX. Với tầm nhìn chiến lược, nhãn quan chính trị sâu sắc và nhạy bén, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã lựa chọn Cao Bằng là nơi thành lập đội quân chủ lực đầu tiên. Quê hương Cao Bằng vô cùng vinh dự, tự hào trở thành sự lựa chọn của lịch sử, trở thành điểm xuất phát để Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định xây dựng căn cứ địa, thành lập đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, để từ đó lan tỏa ra cả nước, làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Với lòng yêu nước thiết tha, thấu hiểu nỗi đọa đày đau khổ của nhân dân ta dưới ách nô dịch của thực dân Pháp, từ rất sớm, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đảng ta và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định mục tiêu phấn đấu của lực lượng vũ trang ngay từ đầu là đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, mang lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Chỉ hai tháng sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (ngày 3/2/1930), ngày 1/4/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh được thành lập tại Nặm Lìn, xã Hoàng Tung, châu Hòa An (nay là xã Hoàng Tung, huyện Hòa An). Những người cộng sản Cao Bằng nhận thức sâu sắc và triệt để thực hiện quan điểm của Đảng về vai trò to lớn của lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang, đó là phải “tổ chức ra quân đội công nông”. Tháng 3/1931, Chi bộ Nặm Lìn cử 4 đồng chí đi học sửa chữa và chế tạo vũ khí tại Trung Quốc, sau đó thành lập binh công xưởng tại vùng núi Lam Sơn (xã Hồng Việt, Hòa An) để sửa chữa, chế tạo vũ khí trang bị cho cán bộ, hội viên hoạt động bí mật, vừa để tự vệ, vừa để tiêu diệt những tên tay sai gian ác và bọn mật thám chỉ điểm lùng bắt cán bộ cách mạng. Từ đó, phong trào cách mạng Cao Bằng ngày càng phát triển mạnh.
Đầu những năm 1940 của thế kỷ XX, tình hình thế giới và trong nước có những biến chuyển nhanh chóng. Với tầm nhìn xa trông rộng của một nhà chiến lược cách mạng thiên tài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc xác định Cao Bằng là nơi hội tụ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước.
Từ khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chọn Cao Bằng làm đại bản doanh đầu tiên của cách mạng nước ta, mảnh đất biên cương này đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng gắn liền với tên tuổi và hình ảnh của Người, gắn liền với lịch sử vẻ vang của đất nước Việt Nam liên quan tới vận mệnh quốc gia, dân tộc. Nhân dân Cao Bằng vốn giàu truyền thống yêu nước, từ ngày Bác về, truyền thống ấy được khơi dậy mạnh mẽ. Nhân dân theo lời dạy của Già Thu, Ông Ké làm cách mạng để giải phóng mình và góp phần giải phóng Tổ quốc.
Từ ngày 10 - 19/5/1941, tại Pác Bó, Người triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam. Hội nghị khẳng định: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa võ trang”. Để có “một lực lượng vũ trang toàn quốc”, cần “phải có những tổ chức tiểu tổ du kích, du kích chính thức và tổ chức binh lính đế quốc”; chiến lược cách mạng của nước ta được xác định là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xác định khởi nghĩa là vấn đề then chốt. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương, những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn “để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”.
Công tác đào tạo cán bộ quân sự được Người đặc biệt chú trọng. Người phân công đồng chí Cao Hồng Lĩnh lập trạm liên lạc ở Trung Quốc để đưa đón cán bộ sang học tập chính trị. Từ năm 1941 - 1944, theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có khoảng 200 thanh niên Cao Bằng sang học các lớp quân sự ở Điền Đông, Liễu Châu (Trung Quốc). Cuối năm 1941, Người giao nhiệm vụ cho các đồng chí Lê Quảng Ba, Lê Thiết Hùng, Hoàng Sâm mở một lớp quân sự tập trung đầu tiên tại Pác Bó (Hà Quảng). Công tác huấn luyện được Người rất quan tâm; trực tiếp đề ra kế hoạch huấn luyện.
Tháng 11/1941, tại Pác Bó, theo chỉ thị của Người, Tỉnh ủy Cao Bằng thành lập Đội du kích tập trung đầu tiên (Đội du kích Pác Bó), gồm 12 người, do đồng chí Lê Quảng Ba làm đội trưởng. Đội được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan, bảo vệ cán bộ, xây dựng cơ sở cho lực lượng tự vệ thường, tự vệ chiến đấu, tuyên truyền thực hiện công tác đặc biệt… sau đó được phân tán về các địa phương làm nhiệm vụ.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tháng 2/1942, Đảng bộ Cao Bằng mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cấp tỉnh để đào tạo cán bộ quân sự cho phong trào cách mạng. Sau các khóa học, học viên trở về địa phương, huấn luyện tổ chức lực lượng vũ trang các cấp. Bên cạnh việc phát triển lực lượng vũ trang khu vực Cao - Bắc - Lạng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị mở phong trào Nam tiến để phát triển các con đường quần chúng nối liên lạc ra các địa phương và về với Trung ương ở miền xuôi.
Xác định vai trò, vị trí của vũ khí trang bị trong khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng, khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh hết sức quan tâm giải quyết vấn đề trang bị vũ khí và có những giải pháp cụ thể. Tháng 3/1944, Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chọn căn cứ Lam Sơn (Hòa An) để thành lập binh công xưởng do đồng chí Hoàng Đức Thạc (tức Lã), Bí thư Liên Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo.
Giữa năm 1944, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng. Tháng 8/1944, Trung ương Ðảng kêu gọi nhân dân “cầm vũ khí, đuổi thù chung”, không khí khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Cuối năm 1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó sau hơn 2 năm bị chính quyền Quốc dân Đảng Trung Quốc giam giữ. Sau khi nghe báo cáo tình hình và chủ trương chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang của Liên Tỉnh ủy, Người phân tích và nhận định: “Cuộc đấu tranh bây giờ phải là từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự. Song hiện nay chính trị còn trọng hơn quân sự. Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”. “Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Người là thành lập “đội quân giải phóng” - đội quân chủ lực đầu tiên - ĐVNTTGPQ.
Để thực hiện phương châm hoạt động mới, lãnh tụ Hồ Chí Minh chỉ thị cho đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí Vũ Anh, Lê Quảng Ba nghiên cứu thành lập ĐVNTTGPQ. Với tính chất quan trọng của đội quân này, việc lựa chọn đội viên được tiến hành hết sức cẩn trọng. Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng nói chung, Cao Bằng nói riêng là một trong những cơ sở quan trọng để “chọn trong hàng ngũ du kích Cao - Bắc - Lạng, số cán bộ và đội viên kiên quyết nhất, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội quân chủ lực”.
Chấp hành chỉ thị của Người và sự chỉ đạo của Trung ương, với sự chuẩn bị khẩn trương, chặt chẽ, chu đáo về mọi mặt của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng, ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, châu Nguyên Bình, ĐVNTTGPQ được thành lập. Nơi đây có địa thế hiểm yếu “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” và là vùng đất có cơ sở chính trị tốt, nhân dân các dân tộc một lòng, một dạ thủy chung son sắt với cách mạng. Đội gồm 34 chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc tỉnh Cao Bằng (đồng chí Xích Thắng tức Dương Mạc Thạch làm chính trị viên). Sự kiện ĐVNTTGPQ - Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập trên mảnh đất quê hương cội nguồn cách mạng Cao Bằng cũng như sự có mặt của 25 con em các dân tộc của tỉnh trong đội ngũ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội đã phần nào nói lên cống hiến to lớn của mảnh đất và con người Cao Bằng đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Chỉ hai ngày sau khi thành lập, dưới sự chỉ huy của đồng chí Võ Nguyên Giáp, ĐVNTTGPQ lập được chiến công vang dội. Trong 2 ngày 25, 26/12/1944, Đội tiến công tiêu diệt gọn 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và hạ quyết tâm “trận đầu nhất định phải thắng lợi”, mở đầu truyền thống “quyết chiến quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Sự ra đời của ĐVNTTGPQ là một bước ngoặt lịch sử trên con đường đấu tranh cách mạng giải phóng của dân tộc ta. Từ đây, cách mạng Việt Nam xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: ĐVNTTGPQ là đội quân chủ lực, các đội vũ trang ở các châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã. Lần đầu tiên trong lịch sử, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục, rèn luyện và lãnh đạo; một quân đội mang bản chất giai cấp công nhân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, anh hùng, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Cùng với sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ huy của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, sự giúp đỡ, đùm bọc của nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng cùng với nhân dân cả nước, ĐVNTTGPQ - Đội quân chủ lực đầu tiên đã không ngừng phát triển, trở thành đội quân vững vàng về chính trị, tài giỏi về quân sự, chiến đấu và chiến thắng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và là nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay. Đúng như tiên đoán của Bác Hồ: ĐVNTTGPQ “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước chúng ta”. Đó là đội quân anh hùng của dân tộc anh hùng.