Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng - Bài 1
LTS: Trải qua 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng; làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ quốc tế, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Bài 1: Khởi đầu cho tiền đồ vẻ vang…
Ngày 22-12-1944, thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tại khu rừng Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (ĐVNTTGPQ) với 34 chiến sĩ, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam, do đồng chí Võ Nguyên Giáp lãnh đạo, được thành lập, đánh dấu bước ngoặt trong chiến lược xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng của Đảng ta. Ngày 22-12 đã đi vào lịch sử vẻ vang dân tộc, trở thành Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bức phù điêu 34 chiến sĩ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi “phát tích” của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: CAO SƠN
Đội quân chủ lực đầu tiên
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã quán triệt sâu sắc học thuyết Mác - Lênin về bạo lực cách mạng của giai cấp vô sản. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã khẳng định con đường đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc là dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và yêu cầu phải tổ chức lực lượng vũ trang để làm nòng cốt cho toàn dân tiến hành đấu tranh cách mạng. Trong Chính cương vắn tắt của Đảng (tháng 2-1930) do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo đã đề cập đến việc “Tổ chức ra quân đội công nông”. Luận cương chính trị của Đảng (tháng 10-1930) cũng chỉ rõ nhiệm vụ: “Vũ trang cho công nông”, “Lập quân đội công nông” và “Tổ chức ra đội tự vệ công nông”…
Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, cứu dân, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam; xây dựng Cao Bằng trở thành căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước và tích cực chuẩn bị mọi mặt cho Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại đây, từ ngày 10 đến 19-5-1941, Người đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8. Hội nghị đã hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược đối với cách mạng Việt Nam: Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu; thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh; chỉ đạo thành lập các tổ chức quần chúng đều lấy tên là các hội cứu quốc. Hội nghị cũng khẳng định: Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết thúc bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang… Sau hội nghị, việc xây dựng lực lượng vũ trang được xúc tiến khẩn trương, những đồng chí cốt cán tốt nhất trong các đoàn thể cứu quốc được lựa chọn “để tổ chức các đội tự vệ và tự vệ chiến đấu, phải xây dựng được một lực lượng vũ trang sẵn sàng”...
Cuối năm 1944, nhân dân vùng Cao - Bắc - Lạng sẵn sàng hưởng ứng khởi nghĩa. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ở thời điểm này, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới... Phải tìm ra một hình thức thích hợp thì mới có thể đẩy phong trào tiến lên”. “Hình thức thích hợp” lúc bấy giờ, theo Người là thành lập đội quân giải phóng - đội quân chủ lực đầu tiên: ĐVNTTGPQ.
“Người trước, súng sau”
Trong chỉ thị thành lập ĐVNTTGPQ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ: “Tên ĐVNTTGPQ, nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”. “Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh khứ vô tung. ĐVNTTGPQ là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”…
Từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, có thể khẳng định rằng giá trị những nội dung mang tính lịch sử của bản Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ có vị trí, vai trò vô cùng quan trọng, quyết định đến việc hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Đặc biệt, nổi bật lên trong chỉ thị là nguyên tắc xây dựng đội quân chủ lực: “Tên VNTTGPQ nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một đội tuyên truyền”. Điều này thể hiện rõ một vấn đề có tính nguyên tắc trong tư tưởng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về xây dựng đội quân chủ lực, đó là “chính trị làm gốc”, là nền tảng cho các hoạt động quân sự. Chính trị theo tư tưởng của Người là phương hướng giai cấp, thể hiện ở đường lối chính trị của Đảng. Điều này cũng có nghĩa là việc xây dựng quân chủ lực phải xuất phát từ mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng; phải luôn lấy mục tiêu, đường lối chính trị của Đảng làm căn cứ để xây dựng; phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc...
Bản Chỉ thị thành lập ĐVNTTGPQ là sự kế thừa, phát triển những di sản, tư tưởng quân sự phong phú của dân tộc, tiếp thu những giá trị tinh hoa tư tưởng của nhân loại. Mặc dù chỉ có 318 từ nhưng nội dung của chỉ thị rất súc tích, mang tính chất như một cương lĩnh quân sự của Đảng; trong đó đã vạch rõ nguyên tắc, phương châm xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng…
Từ đội quân với 34 chiến sĩ thuở ban đầu ấy, trải qua biết bao nhiêu cuộc chiến đấu anh dũng giành độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Phát huy bản chất cách mạng, truyền thống bộ đội Cụ Hồ, Quân đội Nhân dân Việt Nam hôm nay là đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất; thực hiện tốt vai trò nòng cốt bảo vệ Đảng và Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ để phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ cuộc sống bìnhan cho nhân dân. (còn tiếp)
ĐÀM THANH (thực hiện)