Cao Bằng: Bị lừa tiền qua mạng, nhờ dịch vụ online lại tiếp tục bị lừa

Công an tỉnh Cao Bằng nhận được đơn tố giác về 2 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với thủ đoạn giả danh luật sư để đòi lại tiền bị mất.

Công an tỉnh Cao Bằng thông tin, trong tháng 07/2024 vừa qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh đã tiếp nhận đơn tố giác về tội phạm của công dân về 2 vụ việc giả danh luật sư, văn phòng luật hỗ trợ thu hồi tiền bị treo trên các sàn đầu tư.

Đáng chú ý, các đối tượng trên đã lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất của nạn nhân để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.

Một trang Facebook mạo danh luật sư với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Nguồn ảnh: Công an tỉnh Cao Bằng)

Một trang Facebook mạo danh luật sư với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. (Nguồn ảnh: Công an tỉnh Cao Bằng)

Cụ thể, bà N.T.M (trú tại phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng) sau khi tham gia trang nhóm “Tham gia đầu tư tài chính cùng Shark” trên Facebook đã bị các đối tượng kết bạn, sau đó nhắn tin dụ dỗ tham gia vào các sàn giao dịch ảo với cam kết lợi nhuận cao. Do thấy lợi nhuận hấp dẫn, bà đã nghe theo lời mời gọi của các đối tượng, chuyển tiền đầu tư theo hướng dẫn của chúng.

Kết quả, bà M bị mất số tiền hơn 600 triệu đồng, nhưng do xấu hổ nên bà không trình báo với cơ quan công an mà tiếp tục lên mạng xã hội tìm kiếm cách lấy lại tiền bị treo. Quá trình tìm kiếm, bà được một tài khoản tự xưng là luật sư, có khả năng thu hồi tài sản bị treo trên các sàn giao dịch. Đối tượng còn gửi cho bà hình ảnh tiền của bà đã về đến tài khoản của công ty luật, qua đó yêu cầu bà nộp nhiều khoản phí để nhận lại tài sản. Kết quả, bà M bị các đối tượng giả danh lừa thêm số tiền hơn 500 triệu đồng.

Tương tự, bà N.H.Đ (trú tại xã Ngọc Côn, huyện Trùng Khánh) đã bị các đối tượng chủ động nhắn tin mời gọi đầu tư chứng khoán trên trang houbicc108.com. Các đối tượng này tự giới thiệu làm trong các tập đoàn tài chính lớn nên có khả năng biết trước mã chứng khoán nào sẽ tăng, giảm, từ đó có thể kiếm tiền một cách đơn giản. Do tin tưởng nên bà đã tham gia và bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 1,2 tỷ đồng.

Tuy vậy, bà Đ cũng đã không trình báo Cơ quan công an, mà liên lạc với một số tài khoản trên Facebook tự xưng là nạn nhân lừa đảo nhưng đã được hỗ trợ lấy lại tiền. Qua sự giới thiệu của các tài khoản trên, bà Đ được hướng dẫn kết nối đến 02 “văn phòng luật” khác nhau trên Facebook. Cũng với thủ đoạn đóng tiền phí khi đã thu hồi được tài sản, bà Đ đã bị lừa thêm tổng số tiền 200 triệu đồng.

Theo Công an tỉnh Cao Bằng, gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng tâm lý của người dân, một số đối tượng đã lập ra các tài khoản, fanpage, website mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, Văn phòng luật sư, quảng cáo về các dịch vụ như: "Tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo", "thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử", "thu hồi tiền treo không cần cọc"...

Thậm chí, để tăng tính thuyết phục, các đối tượng trên đã đăng tải trái phép những nội dung, bài viết, video của một số luật sư và cán bộ công an, cũng như chạy quảng cáo để thu hút người theo dõi, tương tác. Táo tợn hơn, các đối tượng trên còn sử dụng nhiều tài khoản giả mạo để tăng tương tác và tạo sự tin tưởng cho trang cá nhân, và thậm chí còn dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tạo ra các tài liệu giả, nhằm lợi dụng lòng tin của người dân.

Qua đó, Công an tỉnh Cao Bằng khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tuyệt đối không nghe theo, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ "tiếp nhận hồ sơ", "hỗ trợ lấy lại tiền bị treo", "thu hồi tiền lừa đảo"... trên không gian mạng. Người dân được khuyến cáo không nên chuyển tiền cho các đối tượng trên để được hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ.

Hiện nay, Bộ Công an, Công an tỉnh Cao Bằng và các đơn vị liên quan cũng không phối hợp, ủy quyền cho bất cứ đơn vị nào để hướng dẫn, nhận hồ sơ của người dân về các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua các mạng xã hội. Do đó, người dân cần trực tiếp đến các cơ quan công an để trình báo hoặc gửi đơn, thư theo đường bưu chính về các vụ việc lừa đảo để được tiếp nhận, giải quyết.

Phú Quý

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cao-bang-bi-lua-tien-qua-mang-nho-dich-vu-online-lai-tiep-tuc-bi-lua-337469.html
Zalo