Canh tác sầu riêng hữu cơ, hướng đi cho nông nghiệp bền vững
Sầu riêng là loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cả về mặt tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Ở nước ta, cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và một số tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; với tổng diện tích khoảng 151.000ha. Tại Phú Yên, diện tích sầu riêng khoảng 800ha, tập trung ở huyện Sông Hinh, phân bố trong 6 khu vực gồm các xã Ea Ly, Ea Bar, Ea Trol, Đức Bình Đông, Sông Hinh và thị trấn Hai Riêng, với thu nhập bình quân khoảng 1,3 tỉ đồng/ha.
Để duy trì thu nhập cao cho nông dân, giữ chân, mở rộng thị trường tiêu thụ sầu riêng và mang nguồn tài chính từ thị trường đích về địa phương, hoạt động canh tác sầu riêng bắt buộc phải được thực hiện theo hướng bền vững.
Canh tác dựa trên tiêu chuẩn hữu cơ
Canh tác sầu riêng hữu cơ nên bắt đầu từ sự am hiểu và chuẩn bị kỹ trước khi thực thi. Người canh tác sầu riêng nên tìm hiểu và đưa ra quyết định về tiêu chuẩn hữu cơ mong muốn thực hiện. Hiện nay có hai tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế thông dụng là tiêu chuẩn hữu cơ của Hoa Kỳ (NOP - National Organic Program) và tiêu chuẩn hữu cơ của EU (EU organic).
Các tiêu chuẩn này đều có thông tin được công khai trên website để mọi người có thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện theo. Sau khi lựa chọn được tiêu chuẩn cần tuân thủ, người canh tác sầu riêng cần chuẩn bị đất trồng phù hợp với các điều kiện tiên quyết để canh tác hữu cơ như sau: vùng đất canh tác phải trải qua thời gian chuyển đổi từ canh tác thông thường sang canh tác hữu cơ tối thiểu 3 năm; thiết lập vùng đệm để phân cách và phòng ngừa rủi ro từ vùng đất bên ngoài; xây dựng một kế hoạch sản xuất cụ thể và hướng đến bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên; tuân thủ quy định không sử dụng các nguồn nguyên vật liệu có nguồn gốc biến đổi gen (GMO). Đặc biệt không sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc tổng hợp.
Hiện tại, trên thị trường Việt Nam chưa có cây giống sầu riêng hữu cơ. Do đó, quy định này sẽ không thể thực hiện được, tuy nhiên, đối với cây ăn trái lâu năm như sầu riêng, tiêu chuẩn cho phép nông dân được sử dụng cây giống có nguồn gốc không hữu cơ để canh tác với điều kiện cây giống này phải được trồng và chăm sóc trong điều kiện hữu cơ trong thời gian ít nhất 1 năm. Vì sầu riêng chỉ cho thu hoạch từ năm tuổi thứ tư trở đi nên có thể kết hợp giai đoạn chuyển đổi đất canh tác và trồng cây giống sầu riêng để phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn. Đây chính là một điểm thuận lợi đối với cây trồng là cây lâu năm như sầu riêng.
Đối với nông nghiệp hữu cơ thì đất chính là “linh hồn” của hoạt động canh tác. Do đó, bên cạnh việc sử dụng đất để trồng trọt thì hoạt động bảo tồn và nâng cao chất lượng đất là yếu tố tiên quyết để duy trì hoạt động canh tác được lâu bền và liên tục.
Nâng cao chất lượng đất
Để bảo tồn và nâng cao chất lượng đất, nông dân cần phải chọn biện pháp làm đất và canh tác không làm thay đổi tính chất vật lý, hóa học và sinh học của đất và tránh xói mòn đất; thực hiện phương pháp luân canh, trồng cây che phủ đất; có thể sử dụng các nguyên vật liệu từ động thực vật như phân chuồng, rơm rạ, cành lá cây... không qua xử lý hóa chất để làm tăng sự màu mỡ cho đất.
Quy định này của tiêu chuẩn rất phù hợp vì cây trồng chỉ khỏe mạnh, phát triển nhanh, cho năng suất cao khi cây có thể lấy được dinh dưỡng một cách đầy đủ và kịp thời từ đất. Việc chăm sóc sức khỏe đất tốt chính là gián tiếp làm cho cây phát triển tốt và tăng cao năng suất. Đồng thời kiểm soát cỏ dại, côn trùng và bệnh hại côn trùng vì bệnh hại là vấn đề phức tạp, gặp phải thường xuyên đối với người dân trồng sầu riêng.
Ngoài ra, các biện pháp có thể thay thế bao gồm thực hiện hoạt động luân canh cây trồng để thay đổi ký chủ của sâu bệnh hại; vệ sinh vườn để loại bỏ véc tơ truyền bệnh, loại bỏ môi trường sống của sinh vật có hại; lựa chọn giống trồng phù hợp điều kiện canh tác, có tính đề kháng với sâu bệnh và cỏ dại; sử dụng các loài thiên địch, có thể dùng bẫy để kiểm soát động vật gây hại. Mặt khác, hiện nay có nhiều chế phẩm sinh học từ các loài vi sinh vật và động thực vật hiệu quả nhanh và kéo dài có thể áp dụng để kiểm soát sâu bệnh hại cho sầu riêng.
Đây cũng là một giải pháp kiểm soát sâu bệnh có thể được lựa chọn để triển khai khi canh tác hữu cơ. Về cỏ dại, có thể kiểm soát thông qua việc sử dụng màng che phủ bằng vật liệu sinh học, hoặc cắt cỏ. Việc cắt và giữ phần sinh khối của cỏ bị cắt trên vườn sẽ giúp trả lại một lượng dinh dưỡng không nhỏ cho đất; góp phần tăng độ màu mỡ cho đất và cải tạo cấu trúc đất cũng như tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật có lợi trong đất.
Nông nghiệp bền vững được xem là một hệ thống sản xuất nên cần có sự quản lý nghiêm ngặt và kỹ lưỡng. Một trong những biện pháp quản lý và duy trì là tạo hồ sơ, tài liệu canh tác để giám sát việc tuân thủ theo tiêu chuẩn hữu cơ cũng như đánh giá hiệu quả hoạt động canh tác để kịp thời điều chỉnh và cải tiến.
Các loại hồ sơ, tài liệu có liên quan hoạt động canh tác tùy thuộc vào từng vườn cụ thể nhưng phải bao gồm tối thiểu các loại tài liệu sau: nhật ký canh tác (có đầy đủ các thông tin như: số lượng cây, loại phân bón, số lượng phân bón, chế phẩm sinh học, ngày giờ sử dụng…); sổ tay canh tác hữu cơ (bao gồm đầy đủ thông tin về hướng dẫn hoạt động canh tác và quy định canh tác hữu cơ); các loại giấy tờ giao dịch mua bán vật tư, nguyên vật liệu đầu vào (hóa đơn, hợp đồng…); hồ sơ vệ sinh dụng cụ canh tác, kho lưu trữ, phương tiện vận chuyển; quy trình kiểm soát chất lượng hoạt động sản xuất (bao gồm cả quy trình tiếp nhận và xử lý khiếu nại của khách hàng).
Các hồ sơ và tài liệu này sẽ giúp quá trình canh tác được kiểm soát đảm bảo duy trì và cải tiến chất lượng hoạt động; đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách rõ ràng; nâng cao tính minh bạch và độ tin cậy đối với hoạt động canh tác của nhà vườn.
Việc đảm bảo thực hiện đầy đủ và nghiêm ngặt các nội dung từ khâu chuẩn bị đến khâu quản lý và công khai minh bạch thông tin của hoạt động canh tác nêu trên sẽ là bước tiến để đạt được sự bền vững cho hoạt động canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ. Bởi canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ là hướng đi đúng đắn và mang lại giá trị cao cho nền kinh tế và cho người dân trực tiếp thực hiện. Để thành công trong việc xây dựng mô hình canh tác sầu riêng bền vững cho địa phương, cần có sự khuyến khích, thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi từ các cơ quan chính quyền và các cơ quan chuyên môn của địa phương cho sự chuyển hướng từ canh tác truyền thống sang canh tác hữu cơ.
Nông nghiệp bền vững không chỉ từ hành động mà còn xuất phát từ việc nhận thức về vai trò của hoạt động canh tác bền vững sẽ mang lại giá trị lâu bền cho sinh kế của người thực hiện và cho chính hoạt động nông nghiệp đó; cho sức khỏe người tiêu dùng và cho môi trường sống.
TS LÊ TRỌNG LƯ