Cảnh khó tin ở khu mộ đá của đại gia Sài Gòn xưa
Khu mộ cổ được nhiều người cho là nơi an nghỉ của đại phú hào giàu có thứ tư Sài Gòn xưa bằng đá xanh, chạm khắc hoa văn tinh xảo, đẹp mắt trở thành nơi trồng rau, hoa cảnh, nuôi gia cầm…

Ngôi mộ bằng đá bề thế được cho là nơi an nghỉ của người giàu có thứ tư đất Sài Gòn xưa. Ảnh: Hà Nguyễn
Mộ cổ
Lọt thỏm trong 4 bề nhà cửa ở quận Tân Bình (TPHCM) là khu mộ bằng đá được chạm khắc tinh xảo với những hoa văn đẹp mắt. Những ngôi mộ đều có 2 bia lớn bằng đá, ghi nhiều chữ Hán đặt ở phía trước và phía sau.
Mộ phần bằng đá, bên trên trang trí hình đồng tiền xu kích thước lớn. Xung quanh mộ được rào chắn bằng tường rào thép không gỉ có hoa văn hoặc bằng đá hoa cương tiện nhẵn, vuông vức.

Dòng chữ ghi trên cánh cổng đá. Ảnh: Hà Nguyễn
Ngôi mộ bề thế nhất nằm sát mặt hẻm nhỏ. Phía trước mộ phần có cổng bằng đá, bên trên khắc dòng chữ: CI_GIT MR TRAN_HUU_ĐINH CONSEILLER MUNICIPAL. DECEDE A CHOLON. LE 11 MARS 1902”.
Dưới cổng có lư hương bằng đá. Mặt trên mộ phần hình chữ nhật, 4 góc có chạm cách điệu hình tượng con dơi. Ở giữa mộ phần trang trí hình đồng tiền xu kích thước lớn.
Phía trên mộ phần là tấm bia lớn chạm khắc hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Tại đây có nhiều chữ Hán. Phía sau mộ phần có một tấm bia đá khác khắc chìm những dòng chữ Hán đều tăm tắp.


Tấm bia ở phía trước (bìa trái) và bia phía sau lưng của ngôi mộ đều được chạm trổ họa tiết tinh xảo và khắc chìm chữ Hán. Ảnh: Hà Nguyễn
Nằm cạnh bên ngôi mộ này còn có 2 mộ phần khác. Những mộ phần này có kích thước nhỏ hơn, được rào bằng hàng rào thép không rỉ, hoa văn đẹp mắt.
Người dân xung quanh nói, đây là khu mộ của gia tộc ông bá hộ Định hay còn gọi là “Tứ Định”, người được nhắc đến trong câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định” tức 4 người giàu có nhất Sài Gòn xưa.
Một người dân có nhà sát vách những ngôi mộ cho biết, ngôi mộ lớn nhất là của ông Trần Hữu Định. Ông căn cứ vào dòng chữ “CI_GIT MR TRAN_HUU_ĐINH CONSEILLER MUNICIPAL. DECEDE A CHOLON. LE 11 MARS 1902”, tạm dịch là “Ông Trần Hữu Định, Ủy viên Hội đồng thành phố, qua đời tại Chợ Lớn ngày 11 tháng 3 năm 1902” để khẳng định nhận định của mình.

Bà Út cho biết, những ngôi mộ này đã có mặt ở khu vực từ rất lâu. Ảnh: Hà Nguyễn
Cùng nhận định, bà Út (75 tuổi, quận Tân Bình, TPHCM), người đã sống gần khu mộ 50 năm qua cho biết: “Tôi cũng được nghe ông bà xưa nói đây là khu mộ của gia đình ông bá hộ Định, người giàu có của Sài Gòn xưa.
Xung quanh đây còn có một số ngôi mộ khác. Những mộ phần này có bia viết bằng tiếng Việt. Có lẽ đây là mộ phần con cái của ông Trần Hữu Định”.
Cảnh tượng không ngờ
50 năm trước, bà Út theo chồng về khu vực này mua đất, cất nhà. Lúc đó, khu vực còn nhiều đất trống, cỏ cây mọc um tùm. Những ngôi mộ bằng đá trang trí đẹp mắt đã có mặt, đứng uy nghi, vững chãi giữa khu đất trống.
“Từ đó đến nay, những ngôi mộ vẫn như ngày đầu tôi về đây, không hề có chút suy suyển, hư hại. Chỉ đất hoang bị thu hẹp dần, rồi nhà dân mọc lên kín mít khiến khu mộ lọt thỏm giữa những căn nhà cấp 4 bao quanh.


Một số ngôi mộ khác nằm kế bên, rải rác xung quanh mộ phần được cho là nơi an nghỉ của ông bá hộ Định. Ảnh: Hà Nguyễn
Suốt 50 năm qua, tôi chưa thấy ai đến khu mộ sửa chữa ngoài một lần có người đến dùng sơn lăn lại mấy chữ viết trên bia bị mờ theo năm tháng”, bà Út chia sẻ thêm.
Theo người dân xung quanh, một số con cháu đời sau của ông Định hiện vẫn sinh sống ở TPHCM. Hằng năm, vào dịp Tết, Rằm tháng Giêng, họ vẫn đến khu mộ hương khói cho người quá cố.
Nhiều năm trước, có người từ nước ngoài trở về, đến thắp nhang cho người dưới mộ. Sau đó, người này gửi cho mỗi hộ dân sinh sống xung quanh một số tiền nhỏ, nhờ họ chăm sóc các ngôi mộ.


Những ngôi mộ bị người dân chiếm dụng làm nơi để đồ đạc, đặt chậu cảnh, thùng xốp trồng rau... Ảnh: Hà Nguyễn
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, họ không thấy người này quay lại khu mộ nữa. Hiện nay, khu mộ dù không xuất hiện dấu hiệu hư hại nhưng tất cả các mộ phần đều bị người dân xung quanh sử dụng làm nơi để đồ đạc. Bên trên mộ phần bằng đá, người dân đặt chậu cảnh, thùng xốp trồng rau…
Một số người còn nuôi gia cầm ngay trong khuôn viên ngôi mộ.
Bà Hà (56 tuổi) có nhà gần những ngôi mộ cho biết: “Tôi ở đây 40 năm rồi. Gia đình tôi cũng như những nhà xung quanh, đến đây mua đất rồi cất nhà ở.

Bà Hà khẳng định, khu mộ ít được thân nhân người quá cố đến chăm sóc, quét tước. Ảnh: Hà Nguyễn
Trước đây, phần xung quanh những ngôi mộ sụt lún, chuột bọ làm hang ở nên rất mất vệ sinh. Thấy vậy, một người tự nguyện bỏ tiền ra tráng xi măng lại cho sạch sẽ, vệ sinh.
Những ngôi mộ ở đây ít được người thân đến chăm sóc, quét tước. Phần lớn, mộ được người dân có nhà gần đó quét dọn.
Nói chung, mộ trước nhà ai thì người ấy quét tước cho sạch sẽ. Ai có lòng thì nhang khói, không thì cũng thôi”.
Ông Ngô Trần Đình Khâm, Phó Chủ tịch UBND Phường 10 (quận Tân Bình) cho biết, ông chưa nắm thông tin về khu mộ được cho là mộ cổ của ông Trần Hữu Định nằm trên địa bàn phường, sau khi nắm thông tin sẽ tiến hành xác minh.