Cảnh giác với 'sát thủ đột quỵ'

Thời tiết thay đổi thất thường, cùng với đó là việc uống thuốc không đều, hợp lý đã làm gia tăng người bị tắc mạch máu não, chảy máo não. Tại Khoa Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 10-20 bệnh nhân đột quỵ. Đối tượng chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh lý nền hoặc đã bị tai biến trước đó.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.

Những ngày này, hầu như 95 giường bệnh thực kê tại Khoa Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) đều kín chỗ. Trong số này, chiếm khoảng 2/3 là bệnh nhân bị đột quỵ. Bác sĩ Trần Quốc Huy, Khoa Thần kinh và Trung tâm đột quỵ, cho biết: Thời điểm sau Tết, số bệnh nhân vào Khoa có lúc lên tới 101 người, nhiều bệnh nhân phải nằm ghép.

Anh Nguyễn Xuân Thắng, ở phường Cam Giá (TP. Thái Nguyên), là con của một bệnh nhân đang điều trị tại đây, cho biết: Mẹ tôi gần 60 tuổi nhưng sức khỏe vẫn khá tốt cho đến khi bị tai biến. Chính vì “khỏe” nên mẹ tôi có tâm lý chủ quan. Khoảng 2 năm trở lại đây, thỉnh thoảng mẹ tôi xuất hiện những cơn đau đầu nhưng vì nghĩ là do thời tiết thay đổi nên không đi khám mà chỉ uống 1-2 viên giảm đau là khỏi. Cũng do không đi viện nên mẹ tôi không biết bản thân bị huyết áp cao.

Hôm vừa rồi, sau khi ăn tối xong, mẹ tôi thấy người mệt nên đi nằm sớm. Đến khoảng 22 giờ, mẹ tôi kêu đau đầu giữ dội, kèm theo đó là “miệng nôn, trôn tháo”. Khi còn chưa kịp uống 2 viên thuốc giảm đau tôi đưa thì mẹ tôi đã gục xuống bất tỉnh. Kết quả chụp chiếu cho thấy, mẹ tôi bị vỡ mạch máo não. - anh Nguyễn Xuân Thắng

Tình trạng không đi khám sức khỏe định kỳ, thậm chí ngay cả khi có các biểu hiện khác thường về sức khỏe, nhiều người vẫn chủ quan, chỉ dùng thuốc qua loa để điều trị triệu chứng như mẹ anh Thắng hiện còn khá phổ biến. Chính vì thế, nhiều người đã không biết được tình trạng bệnh của bản thân; những nguy cơ nào có thể xảy đến để phòng tránh hoặc can thiệp sớm. Chỉ đến khi bệnh biểu hiện rõ, không thể đừng được mới vào viện thì lúc đó đã trong tình trạng nặng, nhiều trường hợp bệnh viện phải trả về.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, số lượng bệnh nhân đến điều trị sau khi bị đột quỵ thường chiếm khoảng 27-30% trong tổng số bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, số lượng bệnh nhân đến điều trị sau khi bị đột quỵ thường chiếm khoảng 27-30% trong tổng số bệnh nhân.

Tại Khoa Thần kinh và Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, các bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng chiếm khoảng 25-40% trong tổng số bệnh nhân vào viện hàng ngày. Những bệnh nhân này thường kèm theo nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, viêm phổi, suy thận…

Hậu quả để lại khá nặng nề. Nhiều người phải nằm tại giường đến cuối đời, cần có người chăm sóc hoàn toàn; nhẹ hơn thì có thể vận động, đi lại được nhưng vẫn cần có sự trợ giúp của gia đình. Nặng nhất là tử vong. Chi phí cho bệnh nhân đột quỵ cũng khá tốn kém. Trung bình từ 10 đến vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng nếu không có bảo hiểm y tế chi trả.

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ được ví như "sát thủ giấu mặt". Đây cũng là căn bệnh gây tử vong đứng thứ 3 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch, nhưng đứng hàng đầu về tỷ lệ tàn tật.

Trung bình thời gian điều trị đối với bệnh nhân nhồi máu não - đột quỵ, đơn giản nhất phải trên 1 tuần vì còn phải tầm soát các yếu tố nguy cơ của bệnh nhân. Và với những bệnh bệnh nhân này, được phục hồi chức năng sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu nên tại Trung tâm Đột quỵ còn thêm đơn vị phục hồi chức năng. Ngay sau khi vào viện 24 giờ, bệnh nhân đã có thể được chỉ định tập phục hồi. Sau khi điều trị tại Trung tâm đột quỵ, người bệnh thường sẽ được giới thiệu đến Khoa Phục hồi chức năng của Bệnh viện hoặc đến các trung tâm y tế, bệnh viện có khoa phục hồi chức năng để tiếp tục phục hồi.

Bác sĩ Trần Quốc Huy: Có một thực tế đáng lo ngại hiện nay đó là đối tượng dễ mắc đột quỵ đang trẻ hóa, do tần suất làm việc căng thẳng, thời gian làm việc kéo dài, thức đêm khuya, dùng các chất kích thích để giữ được sự tỉnh táo hoặc không giữ ấm được cơ thể. Tỷ lệ người trẻ mắc đột quỵ tại Việt Nam hiện tăng trung bình mỗi năm từ 1-1,5%.

Đột quỵ thường được phân thành 2 nhóm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, xảy ra do tình trạng tắc nghẽn trong động mạch. Hiện có khoảng 85% các ca bệnh đột quỵ thuộc nhóm này. Đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu não) là do vỡ mạch máu não làm chảy máu vào nhu mô não, khoang dưới nhện hay não thất. Khoảng 15% các trường hợp bệnh thuộc nhóm này.

Để phòng tránh đột quỵ, người dân cần khám sức khỏe định kỳ và tầm soát các yếu tố nguy cơ. Những bệnh nhân đã bị đột quỵ thì phải tuân thủ việc sử dụng thuốc theo đơn và khám định kỳ các bệnh lý nền nếu có.

Hạ Liên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202502/canh-giac-voi-sat-thu-dot-quy-9cd1406/
Zalo