Cảnh giác với loạt 'từ khóa' để không 'sập bẫy' quảng cáo thổi phồng
Bộ Công an khuyến cáo, người dân nên cảnh giác với những quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng quá mức công dụng sản phẩm hoặc sử dụng từ ngữ tuyệt đối như 'duy nhất', 'tốt nhất', 'số một'. Đây là chiêu trò đánh vào tâm lý nhẹ dạ, khiến nhiều người tiêu dùng dễ dàng 'sập bẫy', mua phải sản phẩm không đúng như quảng cáo, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe và tài sản.

Hoa hậu Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng quảng cáo kẹo rau củ hồi tháng 12/2024.
Hiện nay, có rất nhiều người nổi tiếng, có uy tín như biên tập viên đài truyền hình, diễn viên, KOL, bác sĩ… tham gia quảng cáo các sản phẩm như thực phẩm, sữa, mỹ phẩm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Trước thực trạng này, nhiều người băn khoăn về trách nhiệm pháp lý đối với các cá nhân nếu quảng cáo không đúng sự thật, cũng như các khuyến cáo và giải pháp của cơ quan công an nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng sự nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật.
Theo Bộ Công an, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi quảng cáo sai sự thật, cung cấp thông tin không đúng về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, xuất xứ, bao bì, bảo hành hay bất cứ yếu tố nào khác liên quan đến sản phẩm, dịch vụ. Việc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, chất lượng, giá cả, công dụng hoặc các thông tin liên quan cũng bị xem là vi phạm pháp luật.
Đối với hành vi quảng cáo sai sự thật, căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính quy định tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo hoặc xử lý hình sự về các tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự (như: Tội "Quảng cáo gian dối", quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, các tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả”..., quy định tại các Điều 192, 193, 194, 195 Bộ luật Hình sự; Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự; Tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự...).
Thời gian qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội hoặc trên không gian mạng sử dụng uy tín cá nhân để quảng bá, tiếp tay cho việc buôn bán hàng giả, đặc biệt là các loại thực phẩm. Các biện pháp này không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng mà còn góp phần lành mạnh hóa thị trường sản xuất, kinh doanh và lĩnh vực kinh doanh trên không gian mạng.
Bộ Công an nhấn mạnh, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, bất kể người vi phạm là ai, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều sẽ được xác minh, điều tra và xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm hay ngoại lệ.
Bên cạnh các biện pháp xử lý, Bộ Công an cũng đưa ra khuyến cáo đối với người dân. Theo đó, người dân cần tỉnh táo, thận trọng và có trách nhiệm với sức khỏe của bản thân, đồng thời nâng cao cảnh giác trước các nội dung quảng cáo trên mạng. Đặc biệt, không nên tin tưởng mù quáng vào hình ảnh, lời nói của người nổi tiếng trong quảng cáo, nhất là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm, sữa cho trẻ em…
Khi tiếp cận quảng cáo, người tiêu dùng nên kiểm tra tính xác thực của sản phẩm bằng cách tìm hiểu nguồn gốc, xuất xứ, chứng nhận chất lượng qua các kênh thông tin chính thống, như trang web của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Cục An toàn thực phẩm. Ngoài ra, cần đọc kỹ nội dung quảng cáo, đối chiếu với công dụng thực tế, đồng thời cảnh giác với những quảng cáo có dấu hiệu thổi phồng quá mức công dụng hoặc sử dụng các từ ngữ tuyệt đối như “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”. Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật, người dân nên kịp thời thông tin, phản ánh cho cơ quan chức năng để được giải quyết theo quy định.
Đối với các cá nhân nổi tiếng, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội hoặc trên không gian mạng, Bộ Công an yêu cầu cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật khi tham gia quảng cáo. Họ phải nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, cẩn trọng trong các phát ngôn trên nền tảng mạng xã hội, nhất là khi thực hiện hợp đồng quảng bá, giới thiệu hoặc công bố các sản phẩm mà mình đại diện thương hiệu, hình ảnh. Những phát ngôn, quảng cáo làm cho người tiêu dùng tin tưởng và quyết định mua sản phẩm cần phải dựa trên cơ sở khoa học, có tài liệu chứng minh rõ ràng, tuyệt đối không được đưa ra các thông tin sai lệch, thổi phồng về tính năng, tác dụng của sản phẩm.
Để ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự nổi tiếng để quảng cáo sai sự thật, Bộ Công an nhấn mạnh cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cũng như mỗi người dân.
Trong thời gian tới, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an sẽ tiếp tục rà soát, phát hiện các sơ hở, thiếu sót, bất cập trong hệ thống pháp luật, công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kinh doanh thương mại và bảo vệ người tiêu dùng, từ đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan, bịt kín các sơ hở để không tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội.
Ngoài ra, Bộ Công an sẽ tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm kiểm tra, giám sát hoạt động quảng cáo, kiểm duyệt nội dung quảng cáo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là trên không gian mạng, để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các quảng cáo không đúng sự thật. Công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi có dấu hiệu phạm tội liên quan đến quảng cáo cũng sẽ được tổ chức toàn diện, triệt để, nhằm tăng sức răn đe và phòng ngừa trong xã hội.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok… để ngăn chặn nội dung quảng cáo vi phạm, yêu cầu kịp thời gỡ bỏ quảng cáo sai sự thật khi phát hiện. Song song với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quảng cáo trong cộng đồng sẽ được đẩy mạnh, giúp người dân nhận diện các quảng cáo sai trái và biết cách tự bảo vệ mình.