Cảnh giác với chiêu trò lừa đảo dịp cận Tết

Tết Nguyên đán cận kề là thời điểm mà trên mạng internet và các nền tảng mạng xã hội xuất hiện nhiều chiêu trò lừa đảo. Điều đáng nói, các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó lường, gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.

Thủ đoạn tinh vi

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nhất là khi Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần.

Những hình thức lừa đảo này không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn đe dọa đến sự an toàn thông tin cá nhân của người dân. Vì vậy, cần nâng cao cảnh giác và cẩn trọng trong các giao dịch trực tuyến.

Anh Lưu Hào, chủ nhà Nhà xe Tâm Anh Hào cho biết, gần tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 số lượng khách hàng đặt vé xe tăng cao, lợi dụng nhu cầu đó các đối tượng đã lập nhiều trang trang wed giả mạo nhà xe để yêu cầu khách hàng chuyển khoản đặt cọc qua số điện thoại hoặc tài khoản ngân hàng không chính chủ. Sau khi nhận được tiền, chúng lập tức chặn mọi phương thức liên lạc với nạn nhân. “Các đối tượng rất tinh vi thường sẽ chọn các nhà xe uy tín để lập các trang wed giả để lừa đảo và có không ít khách hàng của nhà xe Tâm Anh Hào đã chuyển tiền cho nhóm đối tượng này. Để bảo đảm uy tín của nhà xe cũng như quyền lợi của khách hàng phía nhà xe đã phải lên bài cảnh báo. Khách hàng chỉ nên đặt vé qua các hãng xe chính thức, có thông tin rõ ràng và hợp pháp. Hơn nữa, khách hàng cũng cần xác minh kỹ tài khoản nhận tiền để tránh chuyển khoản qua tài khoản cá nhân không phải của nhà xe” anh Lưu Hào nhấn mạnh.

 Nhà xe Tâm Anh Hào gửi cảnh báo lừa đảo đến khách hàng.

Nhà xe Tâm Anh Hào gửi cảnh báo lừa đảo đến khách hàng.

Hay mới đây, công an huyện Đan Phượng (Công an thành phố Hà Nội) cho biết đã tiếp nhận đơn trình báo của chị T. (Sinh năm 2001; trú tại: Đan Phượng, Hà Nội) về việc chị T. bị lừa khi làm cộng tác viên online trên app. Cụ thể, khi làm lệnh cho đơn hàng đầu tiên, chị T. được hưởng tiền hoa hồng cao và rút được ra. Tuy nhiên, khi làm những đơn hàng có giá trị tiền triệu thì hệ thống báo lỗi, yêu cầu chị phải đặt lệnh gấp 5 lần mới lấy được tiền. Tiếc tiền, Chị T. tiếp tục nạp thêm nhiều lần nhưng hệ thống vẫn không cho rút. Lúc này chị mới biết mình bị lừa và đã đến cơ quan Công an trình báo. Tổng số tiền chị đã chuyển là gần 200 triệu đồng.

Thực tế, những năm gần đây mặc dù cơ quan chức năng đã có nhiều cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo song, các bài viết liên quan đến tuyển dụng việc nhẹ, lương cao vẫn luôn nhận được sự tương tác lớn của người đọc. Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An) Trần Phi Hùng cho biết, đi liền với sự sôi động của thị trường lao động dịp cuối năm cũng có thể phát sinh nhiều chiêu trò lừa đảo việc làm và người lao động có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các hoạt động này. Các nhóm đối tượng thường hướng đến các mẹ bỉm sữa, lao động động trẻ mới tham gia vào thị trường lao động chưa có nhiều kinh nghiệm để lừa đảo. “Vào dịp cận tết, người lao động cần hết sức tỉnh táo trước những lời mời tuyển dụng việc nhẹ, lương cao. Bởi thực tế, không có việc gì nhẹ nhàng mà lương lại hậu hĩnh, đa số đó là lừa đảo. Vì vậy, cần tìm đến những địa chỉ tuyển dụng uy tín để ứng tuyển” ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Luật sư Nguyễn Thị Hồng Vân, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, tùy vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà người thực hiện hành vi trên có thể bị xử lý hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cần nâng cao nhận thức

Thời gian qua, các cơ quan chức năng và các tổ chức an ninh mạng đã rất nỗ lực trong việc ngăn chặn, xử lý và khuyến cáo người dân không mắc bẫy lừa đảo trực tuyến. Các cơ quan chức năng đã triển khai các giải pháp như: siết chặt quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; phối hợp với TikTok, Facebook, YouTube để gỡ bỏ và xử lý kịp thời các tài khoản có dấu hiệu lừa đảo.

Tuy nhiên, theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2024 ghi nhận tổng cộng 275.323 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến từ người dùng. Còn theo khảo sát của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có 1 người trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến. Thiệt hại ước tính do lừa đảo trực tuyến gây ra trong năm 2024 lên đến 18.900 tỷ đồng. Hai đơn vị này cho biết, số nạn nhân bị lừa đảo lớn nhưng số có thể lấy lại được tiền rất nhỏ.

 Người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân.

Người dân cần nâng cao nhận thức và cảnh giác để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân.

Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng thì người dân cũng cần nâng cao cảnh giác và tự mình trang bị kỹ năng an toàn khi tham gia trên không gian mạng. Khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo, người dân không nên chọn cách im lặng mà cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để nhận sự hỗ trợ kịp thời và xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời cần thông báo rộng rãi để người thân phòng tránh. Hành động sớm không chỉ giúp bảo vệ tài chính cá nhân mà còn góp phần ngăn chặn kịp thời các vụ lừa đảo tiếp theo.

Có thể thấy, những hành vi lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi và có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, vì vậy, việc nâng cao nhận thức và cảnh giác là rất quan trọng để bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân trong thời gian tới, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/canh-giac-voi-chieu-tro-lua-dao-dip-can-tet-post401575.html
Zalo