Cảnh giác với bệnh tay chân miệng
Ngăn chặn bệnh tay chân miệng trước thềm năm học mới
(HNMO) - Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm nhưng những tháng cuối năm có thể ghi nhận số ca mắc gia tăng. Bệnh thường nhẹ và đa số các trường hợp bệnh đều tự khỏi. Tuy nhiên, có trường hợp diễn biến nặng gây biến chứng nguy hiểm.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận hơn 550 ca mắc tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy vậy, những tháng cuối năm là thời điểm có thể ghi nhận số mắc bệnh tay chân miệng gia tăng. Trẻ vào năm học mới, cộng với thời tiết giao mùa, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan và phát triển của dịch bệnh.
Các bậc cha mẹ không chủ quan với bệnh tay chân miệng.
Hiện tại, Bệnh viện Nhi trung ương đang điều trị cho 5 trẻ bị tay chân miệng. Còn ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, từ tháng 9 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 10 trẻ đến điều trị. Mặc dù thời điểm này hai bệnh viện trên không có ca mắc tay chân miệng biến chứng nặng nhưng các bậc phụ huynh không vì thế mà chủ quan.
Bởi, theo bác sĩ Hoàng Văn Kết, Trưởng khoa Hồi sức tích cực nhi, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh tay chân miệng thường nhẹ và đa số các trường hợp bệnh đều tự khỏi sau khoảng 7-10 ngày mắc bệnh, nhưng một số trường hợp có thể diễn biến nặng gây biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não - màng não, viêm não tủy, viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch… Biến chứng có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong.
Bên cạnh đó, tại một số địa phương, số ca mắc tay chân miệng tăng mạnh. Điển hình như tại thành phố Hồ Chí Minh, trong tháng 9, có 6.573 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so tháng 8; tổng số ca mắc trong 9 tháng là gần 15.000.
Bác sĩ Kết cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, lây truyền từ người sang người. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa. Nguồn lây chính từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71). Biểu hiện chính của bệnh là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí, đặc biệt như niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, gối.
Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thể nhẹ có biểu hiện loét miệng hoặc phỏng nước tay, chân đơn thuần. Khi nặng hơn, trẻ có các dấu hiệu sốt cao trên 39 độ C; thở nhanh, khó thở; giật mình khi ngủ, lừ đừ, run tay chân, quấy khóc, bứt rứt, nôn; co giật, hôn mê; đi loạng choạng. Vì vậy, “các bậc cha mẹ khi thấy con có dấu hiệu của bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị”, bác sĩ Kết khuyến cáo.
Về việc chăm sóc khi trẻ bị tay chân miệng, trẻ cần được cung cấp dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, nếu trẻ còn bú cần tiếp tục cho bú sữa mẹ. Trẻ bị loét miệng, đau miệng nên sẽ khó ăn. Vì vậy, phụ huynh chọn thực phẩm, thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu và giàu dinh dưỡng. Cùng với đó, cho trẻ nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh trẻ bị kích thích.
Trẻ bị tay chân miệng thường có nốt phỏng ở bàn tay, chân. Ảnh minh họa: Internet
Đáng chú ý, có phụ huynh khi con bị mắc tay chân miệng thường kiêng tắm, nhưng theo bác sĩ Kết, điều này hoàn toàn sai lầm. Lý do là, trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ nhằm tránh bội nhiễm thêm. Tuy nhiên, phụ huynh chú ý lau khô người cho trẻ sau tắm nhằm tránh nhiễm lạnh.
Cho đến nay, chưa có vắc xin phòng cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh tay chân miệng. Vì thế, để phòng bệnh cho trẻ, cách tốt nhất là vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước, đặc biệt là trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế trẻ, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; rửa sạch đồ chơi, vật dụng; lau sàn nhà sạch sẽ; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống; dụng cụ ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch trước khi sử dụng.
Khi trẻ mắc bệnh, cần cách ly trẻ tại nhà, không đưa đến nhà trẻ hoặc trường học nhằm tránh lây sang bạn.