Bắc Ninh phát hiện 2.560 vụ gian lận thương mại hàng giả, buôn lậu
Theo số liệu tổng hợp của BCĐ 389 tỉnh Bắc Ninh phát hiện gần 2.560 vụ vi phạm, trong đó 270 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 152 vụ hàng giả; gần 2.140 vụ gian lận thương mại với tổng số tiền gần 480 tỷ đồng.
Với đặc thù là tỉnh Bắc Ninh có quy mô kinh tế đứng tốp đầu cả nước, thị trường hàng hóa tiêu dùng phát triển tốc độ cao, nhiều cơ sở kinh doanh, giao thương hàng hóa lớn, đa dạng các sản phẩm, kéo theo tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, tinh vi.
Để ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tránh thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới thị trường và sức khỏe người dân, các ngành thành viên trong BCĐ 389 tỉnh như: Lực lượng Hải quan, Quản lý thị trường (QLTT), Công an tỉnh… tăng cường phối hợp, triển khai các đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát tại các tuyến đường trọng yếu, các khu vực chợ đầu mối, kho hàng và cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm. Nhiều vụ việc điển hình được triệt phá, hàng hóa vi phạm bị tịch thu, các đối tượng cầm đầu bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe các hành vi tương tự.

Lực lượng chức năng kiểm tra số hàng vi phạm
Theo số liệu tổng hợp của BCĐ 389 tỉnh Bắc Ninh, trong năm 2024 và quý I năm 2025, các ngành thành viên BCĐ 389 tỉnh đã kiểm tra, phát hiện gần 2.560 vụ vi phạm, trong đó 270 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 152 vụ hàng giả; gần 2.140 vụ gian lận thương mại (vi phạm về thuế 853 vụ; hải quan 684 vụ); tổng số tiền thu và nộp ngân sách Nhà nước gần 480 tỷ đồng; tịch thu tiêu hủy và buộc tiêu hủy hàng hóa không có giá trị sử dụng ước trị giá gần 12,6 tỷ đồng.
Nhiều vụ vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại có quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi… được các cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chăn, xử lý kịp thời, điển hình như vụ việc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại Bến xe Bắc Ninh có xe ô tô tải biển số 99C-240.75 chở hàng hóa có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã chủ động phối hợp Cục QLTT (nay là Chi cục QLTT) tiến hành kiểm tra, phát hiện một số hàng hóa là túi xách nhãn hiệu Gucci, Chanel, ví da nhãn hiệu Luois Vuitton có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Chủ hàng là Nguyễn Văn Đông, Tam Đa (Yên Phong) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến hàng hóa. Đấu tranh mở rộng, Phòng Cảnh sát kinh tế tiếp tục phát hiện số lượng lớn hàng hóa là ba lô, túi xách có dấu hiệu xâm phạm sở hữu trí tuệ tại nhà Đông. Phòng Cảnh sát kinh tế ra quyết định tạm giữ tổng số 4113 chiếc túi xách, ví mang các nhãn hiệu nêu trên trị giá 925.820.000 đồng.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC03) Công an tỉnh Bắc Ninh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và kết luận điều tra chuyển Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đề nghị truy tố về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Lực lượng chức năng kiểm tra số thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc
Gần đây nhất là vụ Đội Quản lý thị trường số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Bắc Ninh) kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Việt Nam Denger international technology corporation ở khu Nam Hồng, phường Đồng Kỵ (thành phố Từ Sơn) do Wang Chao, quốc tịch Trung Quốc làm Giám đốc, phát hiện hơn 25 tấn, tương đương với hơn 212.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamin... do nước ngoài sản xuất, có ngôn ngữ tiếng Anh trên sản phẩm. Lô hàng ước trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Tại thời điểm kiểm tra, Giám đốc Wang Chao không xuất trình được các giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, cuộc chiến này vẫn còn nhiều thách thức. Các đối tượng buôn lậu không ngừng thay đổi phương thức hoạt động, lợi dụng hình thức thương mại điện tử, mạng xã hội để giao dịch, gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Hơn 212.000 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, chủ yếu là vitamin, collagen, glucosamin... do nước ngoài sản xuất
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, ngoài nỗ lực của BCĐ 389 tỉnh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm… cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật, tăng cường chế tài xử phạt đối với các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tác hại của vấn nạn này, khuyến khích họ tích cực tham gia tố giác tội phạm. Đồng thời chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng lực cho lực lượng chức năng; tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin và phối hợp điều tra… Công tác phòng ngừa, ngăn chặn từ gốc, tập trung vào việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa, quản lý hoạt động xuất, nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trên thị trường phải đặt lên hàng đầu để tiến tới ngăn chặn hiệu quả các hành vi gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phát triển lành mạnh thị trường, thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển vững mạnh.