Cánh cò nhuộm trắng tuổi thơ

Hình ảnh cánh cò trắng bay lả bay la trên cánh đồng mênh mông biển lúa, từ lâu đã khắc sâu vào ký ức của bao thế hệ. Không chỉ là nguồn cảm hứng trong ca dao, tục ngữ, trong từng lời thơ, tiếng hát, còn là một phần của tuổi thơ thân thương.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trong dân ca quan họ Bắc Ninh, điệu dân ca “Cò lả” đã mang lại cho chúng ta một cảm xúc thật bình yên, gần gũi, rất đỗi thân thương về cuộc sống thanh bình của người nông dân: Con cò là cò bay lả lả bay la/ Bay từ từ cửa phủ bay ra là ra cánh đồng/ Tình tính tang là tang tính tình...

Tiếng ru ngọt ngào, thân thiết và sâu lắng ấy đã trở thành ký ức của bao thế hệ lớn lên từ làng quê. Trong ký ức ấy, cánh cò bay trên trời cao nhưng không phải xa rời với cuộc sống hiền lành của người nông dân hiền thục, mà là hình ảnh rất đỗi thân thương, gần gũi, gắn bó với ruộng đồng, với lũy tre làng quê xanh mát.

Đã từ rất lâu, với người nông dân, cánh cò bay liệng trên đồng mãi là hình ảnh thật thanh bình, gần gũi, gắn bó với cuộc sống vất vả, một nắng hai sương, tuy khổ cực nhưng vẫn chân chất, hiền lành. Hình ảnh con cò đi ăn đêm cũng giống như phẩm chất chung thủy, nết na của người phụ nữ Việt Nam luôn tần tảo, chịu thương, chịu khó thương chồng, nuôi con: Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy suốt ngày phải lặn lội ở những nơi đầm lầy, ruộng trũng vậy mà màu trắng của cánh cò không bị hoen ố, nhuốm màu. Phải chăng màu trắng của cánh cò cũng giống như tấm lòng trong trắng của mỗi người dân Việt Nam. Bởi màu trắng đã nói lên sự không vấy bẩn, tượng trưng cho tâm hồn trắng trong, thanh khiết - một sự khởi đầu mới mẻ, tràn đầy niềm vui, bình yên và hạnh phúc. Hơn thế nữa, màu trắng luôn mang lại cho ta một ý nghĩa của sự rõ ràng, đức tính trung thực, minh bạch trong cách sống của con người. Đây là phẩm chất rất quý giá được mọi người luôn trân trọng.

Hình ảnh về những đàn cò trắng đã đi sâu vào ký ức tuổi thơ tôi như một cơ duyên rất đẹp, vẫn còn nguyên vẹn trong tiềm thức không hề thay đổi. Lũ trẻ ở thôn quê chúng tôi ngày ấy thường chăn trâu, cắt cỏ trên những cánh đồng, hình bóng con cò thật thân quen như những người bạn thân thiết. Nhớ nhất là mỗi khi chiều về, hoàng hôn buông xuống, từng đàn cò trắng lại rủ nhau lũ lượt tìm về những rặng tre, vòm cây trong làng - đó là những ngôi nhà hạnh phúc của “nhà cò” mỗi đêm. Tiếng vỗ cánh đan cài với những tiếng gọi nhau ríu ran, quấn quýt bên nhau, thổ lộ tình yêu thương của các gia đình cò thật gần gũi, thân thiện biết bao. Không khí ấy đã làm xao động cả một vùng, càng làm cho giáng hình của làng quê thêm phong phú của sự sum vầy, hạnh phúc.

Khi mới sáng tinh mơ, những chú cò trắng lại lầm lũi cất cánh bay cao để về nơi đầm lầy, ruộng nước. Lũ trẻ chúng tôi vô tư ngồi trên lưng trâu và mê mải ngắm những chú cò hiền lành, thân thuộc đang cần mẫn, bì bõm trên ruộng sâu, ruộng cạn mà lòng trào lên niềm ngưỡng mộ, thân thương. Trên cánh đồng quê ngày ấy, đàn cò trắng chấp chới bay trong nắng sớm ban mai hay chậm rãi dò từng bước chân gầy guộc, khẳng khiu mò tìm con tép, con tôm đã trở thành hình ảnh rất đỗi thân quen thanh bình, yên ả của làng quê.

Việc bảo vệ đàn cò và những đàn chim quý không chỉ đơn thuần là giữ gìn bảo vệ một loài chim, mà còn gìn giữ nét đẹp văn hóa, giữ lại màu trắng tinh khôi của tuổi thơ diệu vợi và cũng là bảo vệ sự cân bằng của môi trường tự nhiên mà chúng ta đang sống. Đã đến lúc cả cộng đồng phải lên tiếng và làm thật tốt những việc có ý nghĩa nhằm bảo vệ đàn cò. Đừng để những cánh cò bay lả bay la chỉ còn tồn tại trong tranh vẽ và lời ru xưa.

Lê Xuân Bính (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/canh-co-nhuom-trang-tuoi-tho-36971.htm
Zalo