Cánh chim phượng hoàng-Bài 1: Đất khoa bảng... nuôi chí anh hùng
Làng Lệ Sơn, xã Văn Hóa (Tuyên Hóa) đứng đầu trong bát danh hương Quảng Bình 'Sơn-Hà-Cảnh-Thổ, Văn-Võ-Cổ-Kim' lưu danh hậu thế với truyền thống khoa cử, hiếu học. Truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, đàn chim phượng hoàng gồm 100 con khi bay ngang qua làng, thấy non nước hữu tình nên hạ cánh trên 99 đỉnh núi Lệ Sơn. Nhưng vì thiếu một chỗ đậu nên cuối cùng đàn chim bay đi... Truyền thuyết phượng hoàng còn mãi theo thời gian, nhưng trong tâm thức người làng Lệ Sơn luôn nhớ, khắc ghi đến một cánh chim phượng hoàng khác, vút lên từ 99 đỉnh núi thiêng Lệ Sơn-Thiếu tướng Hoàng Sâm, người Đội trưởng đầu tiên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay).
Nhắc đến làng Lệ Sơn là nhớ về một làng quê Việt giàu truyền thống khoa bảng của Quảng Bình. Tại vùng đất giàu truyền thống hiếu học này, 109 năm về trước, có một người con ưu tú của làng cất tiếng khóc chào đời. Ông tên Trần Văn Kỳ (SN 1915) mà sau này trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc lưu danh với cái tên do Bác Hồ đặt-Thiếu tướng Hoàng Sâm.
Thiếu niên xuất thế
Ngược dòng Gianh, đến thôn Lê Lợi, xã Văn Hóa hỏi thăm nơi đang thờ tự tướng Hoàng Sâm, một cụ già chỉ cho tôi con đường nhỏ chạy dọc bờ nam sông xuyên dưới rặng tre già, bảo: “Đến khoảng giữa thôn, hỏi nhà anh Trần Văn Hiệu”.
Ngôi nhà nhỏ khiêm tốn nấp sau khu vườn xanh um, chủ nhà là một phụ nữ. Chị tên Lê Thị Ngợi, vợ anh Trần Văn Hiệu. Nhắc đến chồng, chị Ngợi buồn buồn thưa chuyện: “Anh mới qua đời hồi đầu năm 2024. Bây giờ một tay chị thờ chồng, bố mẹ chồng và bác Trần Văn Kỳ”. Theo thứ bậc, chị Lê Thị Ngợi gọi tướng Hoàng Sâm bằng bác vì anh Trần Văn Hiệu là con ông Trần Nam Tiến, em thúc bá với tướng Hoàng Sâm.
Chắp nối các nguồn cứ liệu, gia phả họ Trần làng Lệ Sơn và những tư liệu sau này chúng tôi tiếp cận được tại Viện Lịch sử quân sự mới biết: Ông nội Trần Văn Kỳ tên Trần Hách. Ông Trần Hách sinh hai con trai Trần Ngổng, Trần Hạc. Vợ chồng ông Trần Ngổng sinh hạ ba anh em trai: Trần Văn Kỳ, Trần Khôi và Trần Khoa. Ông Trần Hạc không có con nên xin con nuôi chính là ông Trần Nam Tiến. Sinh thời, ông Trần Nam Tiến chăm lo hương khói thờ tướng Hoàng Sâm, khi ông qua đời, nhiệm vụ này giao lại cho con trai Trần Văn Hiệu. Anh Trần Văn Hiệu không may mất nên mọi việc đến tay chị Lê Thị Ngợi.
Tuổi thơ của cậu bé Trần Văn Kỳ ở làng Lệ Sơn có rất ít tư liệu lưu lại. Đại tá Phan Sỹ Phúc, Trưởng phòng Tổng kết chiến tranh, Viện Lịch sử quân sự hay bà Hoàng Mộng Liên, con gái thứ hai của Thiếu tướng Hoàng Sâm đều xác nhận với chúng tôi như vậy, vì cậu bé Trần Văn Kỳ sớm sang Thái Lan cùng ông bà nội mình.
Đây cũng chính là khó khăn lớn nhất trong quá trình tìm hiểu về thời niên thiếu của Trần Văn Kỳ. Nhưng một chi tiết quan trọng nhất là cậu bé Kỳ lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống khoa bảng cùng truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng bay tìm đất chọn làm kinh đô, đặt trong bối cảnh người dân đang sống lầm than dưới hai tầng áp bức thời thuộc Pháp đã sớm giúp cậu sớm lựa chọn cho mình một con đường “xuất thế” khác với các bạn đồng trang lứa thời bấy giờ.
Năm 1927, Trần Văn Kỳ theo gia đình sang Thái Lan sinh sống. Những năm 1928-1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động tại Thái Lan với bí danh Thầu Chín. Với nhãn quan sắc bén, Thầu Chín lựa chọn cậu bé thông minh, nhanh nhẹn Trần Văn Kỳ làm liên lạc. Sống gần gũi với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, được Bác rèn luyện, dìu dắt, Trần Văn Kỳ sớm giác ngộ cách mạng.
Nhưng mãi đến năm 1940, khi Trần Văn Kỳ sang Tĩnh Tây (Trung Quốc) theo học lớp quân sự do Quốc dân Đảng tổ chức, gặp lại Thầu Chín, mới biết đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Vẫn như lúc ở Thái Lan, tình cảm Bác dành cho Trần Văn Kỳ rất đặc biệt. Cuộc hội ngộ với Nguyễn Ái Quốc, được Bác đặt cho bí danh Hoàng Sâm mở ra chặng đường mới đối với cuộc đời Trần Văn Kỳ, trở thành một chỉ huy quân sự xuất sắc của cách mạng Việt Nam.
Tài năng thiên bẩm
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự chia sẻ: Dưới sự lãnh đạo, bồi dưỡng, dìu dắt của Đảng và Bác Hồ, đồng chí Hoàng Sâm sớm bộc lộ một tài năng quân sự thiên bẩm, hội đủ các phẩm chất: Mưu lược, tài giỏi, dũng cảm... Đảng, Bác Hồ tin tưởng, giao phó nhiều trọng trách quan trọng. Vào những thời điểm khó khăn nhất của cách mạng Việt Nam thì “nơi nào khó... luôn có Hoàng Sâm”!
Năm 1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc trở về Pác Bó, xã Trường Hà, châu Hà Quảng (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính Hoàng Sâm được Đảng giao phó cùng với các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Đặng Văn Cáp... bảo vệ an toàn tuyệt đối cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 1/1941, theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc, Đội du kích Pác Bó ra đời với 12 “hạt giống đỏ”, đồng chí Hoàng Sâm làm Đội phó sau đó là Đội trưởng với bí danh Trần Sơn Hùng. Đội du kích Pác Bó ngày càng phát triển lớn mạnh, cái tên Trần Sơn Hùng vang danh khắp một dãy biên giới Việt-Trung cả về tài năng quân sự, chính trị lẫn dân vận.
Ông Dương Mạc Thăng (SN 1944), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng (2001-2005) con trai đồng chí Dương Mạc Thạch (bí danh Xích Thắng), chính trị viên đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) kể chuyện cùng chúng tôi: Cái tài, cái đức của đồng chí Hoàng Sâm lớn lắm. Không chỉ được đồng bào các dân tộc Tây Bắc tin yêu mà các tướng phỉ khét tiếng, như: Lí Xíu, Voòng A Sáng, Voòng A Sình... nghe đến danh “ông Trần” đều phải kiêng nể, thán phục. Nạn thổ phỉ dần hạn chế, tạo điều kiện giúp phong trào Việt Minh vùng Lục Khu phát triển.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) Đội VNTTGPQ ra đời gồm 34 người, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung; đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên. Đồng chí Hoàng Sâm lúc này tròn 29 tuổi được Đảng, trực tiếp là Bác Hồ và Võ Nguyên Giáp tin tưởng giao trọng trách giữ chức Đội trưởng.
Thực hiện chỉ thị của Bác Hồ: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực, nhanh chóng cho bộ đội” và với quyết tâm “Trận đầu nhất định phải thắng”, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp và Đội trưởng Hoàng Sâm, Đội VNTTGPQ nhanh chóng có hai chiến thắng vang dội Phai Khắt (25/12/1944), Nà Ngần (26/12/1944) mở đầu truyền thống “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Long nhận xét: Những thắng lợi đầu tiên về chính trị, quân sự ngay khi vừa thành lập của Đội VNTTGPQ đều in đậm dấu ấn Đội trưởng Hoàng Sâm, góp phần vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao-Bắc-Lạng (Cao Bằng-Bắc Kạn-Lạng Sơn), cổ vũ, động viên kịp thời nhân dân, làm cho quân địch khiếp sợ, mở ra một tương lai mới cho cách mạng Việt Nam.