Cảnh báo trẻ mắc uốn ván do sinh tại nhà, tự cắt dây rốn

Bệnh nhi ở Quảng Trị vào viện với chẩn đoán uốn ván rốn sơ sinh. Qua khai thác thông tin, trẻ được sinh tại nhà và tự cắt dây rốn bằng kéo thông thường.

Mắc uốn ván do sinh tại nhà, tự cắt dây rốn

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị vừa cứu sống thành công bé gái H.T.T. (thời điểm vào viện 7 ngày tuổi), con của chị H.T.L. (trú xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa).

Cuối tháng 3, bé T. nhập viện với dấu hiệu bỏ bú, kích thích, co cứng toàn thân, người ưỡn cong. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán cháu bị uốn ván sơ sinh, căn bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao ở trẻ. Theo người nhà, cháu T. có dấu hiệu trên do được sinh thường tại nhà, tự cắt rốn bằng kéo thông thường.

Cháu bé mắc uốn ván sau thời gian điều trị đến nay được xuất viện.

Cháu bé mắc uốn ván sau thời gian điều trị đến nay được xuất viện.

Cháu T. được điều trị tích cực tại phòng cách ly yên tĩnh, tránh kích thích ánh sáng và tiếng ồn. Bác sĩ tiến hành tiêm huyết thanh kháng độc tố uốn ván, sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, kiểm soát cơn co giật bằng thuốc an thần và giãn cơ.

Ngoài ra, bệnh nhi cũng được hồi sức tích cực với thở máy, đặt ống nội khí quản, nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch, kiểm soát thân nhiệt và làm sạch vùng rốn.

BS.CKI Nguyễn Khánh Linh, Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết, đây là ca bệnh uốn ván rốn sơ sinh điển hình, mức độ nặng, có yếu tố nguy cơ rõ ràng từ chăm sóc rốn không đảm bảo vô trùng.

"Trẻ có biểu hiện co cứng toàn thân, co giật, rối loạn hô hấp nhẹ nhưng không sốt, không tổn thương đa cơ quan. Nhờ được phát hiện sớm và điều trị tích cực, trẻ hồi phục hoàn toàn, không để lại di chứng thần kinh", bác sĩ Nguyễn Khánh Linh nói.

Theo bác sĩ Linh, thời gian qua, đơn vị tiếp nhận một số ca bệnh tương tự, trong đó hầu hết đều là con của sản phụ người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh tại nhà.

Tất cả phụ nữ mang thai, kể cả ở vùng sâu vùng xa, nên sinh tại cơ sở y tế có nhân viên y tế chuyên môn. Nếu buộc phải sinh tại nhà, cần có người đỡ sinh được tập huấn kỹ năng cơ bản về đỡ đẻ sạch và chăm sóc rốn vô trùng.

Sử dụng bộ dụng cụ đỡ đẻ sạch do y tế phát cấp. Dụng cụ cắt rốn phải được tiệt trùng bằng nồi hấp, luộc kỹ 30 phút, hoặc dùng dao lam mới, vô khuẩn, chỉ dùng một lần.

"Quan trọng nhất là phụ nữ mang thai cần được tiêm ít nhất 2 mũi vaccine uốn ván", bác sĩ Linh nói.

Khuyến cáo quan trọng phòng bệnh

Lãnh đạo khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị) cho biết, uốn ván có tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10 - 70%, tùy thuộc vào mức độ nặng và điều kiện hồi sức. Ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là uốn ván rốn, tỷ lệ tử vong thường vượt quá 90% nếu không điều trị kịp thời.

Uốn ván gây biến chứng nghiêm trọng như ngưng thở do co thắt thanh quản hoặc co thắt cơ hô hấp. Tổn thương thần kinh kéo dài, đặc biệt nếu co giật tái diễn. Suy kiệt, do khó ăn uống kéo dài. Viêm phổi hít, do sặc khi co giật. Rối loạn thần kinh tự chủ, gây biến động huyết áp và nhịp tim.

Dấu hiệu của bệnh uốn ván là trẻ không thể ngậm vú, bỏ bú. Cứng hàm, không mở được miệng. Căng cứng toàn thân, co thắt cơ, đặc biệt là cơ cổ và cơ lưng. Co giật, đặc biệt khi có kích thích. Tư thế gồng người đặc trưng, lưng cong như cánh cung, đầu ngửa ra sau. Sốt, nhịp tim nhanh, khó thở...

Để phòng ngừa bệnh uốn ván hiệu quả, tuân thủ các biện pháp:

Trẻ em: Tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

Người trưởng thành: Nên tiêm nhắc lại vaccine uốn ván mỗi 10 năm.

Phụ nữ mang thai: Tiêm ít nhất 2 mũi vaccine uốn ván để bảo vệ cả mẹ và trẻ sơ sinh.

Vệ sinh vết thương đúng cách: Mọi vết thương hở, đặc biệt là vết đâm sâu, vết do kim loại rỉ, hoặc vết thương bẩn, cần được rửa sạch và xử trí y tế đúng cách. Trong trường hợp nguy cơ cao, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm huyết thanh uốn ván (TIG)/hoặc tiêm vaccine.
Nâng cao nhận thức về tác hại của uốn ván và tầm quan trọng của tiêm phòng.
Tăng cường tuyên truyền trong các khu vực vùng sâu, vùng xa.

Tự cắt dây rốn tại nhà là nguyên nhân hàng đầu gây uốn ván rốn sơ sinh:

Hệ lụy của việc tự cắt rốn: Dụng cụ không vô trùng (dao lam, kéo, dao thường) có thể mang nha bào vi khuẩn Clostridium tetani.

Rắc tro bếp, đất, thuốc lá,... vào rốn để "làm khô" có thể đưa vi khuẩn vào rốn.

Không được nhân viên y tế theo dõi sau sinh, nên bệnh thường phát hiện muộn.

Thiếu xử trí cấp cứu kịp thời nếu trẻ xuất hiện triệu chứng đầu tiên.

Bác sĩ khuyến cáo, sinh con tại cơ sở y tế được khuyến cáo là biện pháp an toàn nhất. Sản phụ không tự điều trị khi thấy rốn sưng đỏ, chảy mủ, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay...

Hoàng Dũng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/canh-bao-tre-mac-uon-van-do-sinh-tai-nha-tu-cat-day-ron-169250525073841553.htm
Zalo