Cảnh báo nguy hiểm do tự ý mua thuốc điều trị

Tự ý sử dụng thuốc điều trị, không rõ tên thuốc, thành phần… có thể dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc, tăng men gan, suy thận, nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến tính mạng.

Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (Phú Thọ) vừa tiếp nhận và xử trí kịp thời một trường hợp phản vệ độ 2 nguy hiểm sau khi người bệnh tự ý dùng thuốc không có chỉ định y khoa.

Bệnh nhân là nữ, 30 tuổi, ban đầu xuất hiện các triệu chứng ho và đau họng. Không đi khám, bệnh nhân tự ra hiệu thuốc mua thuốc uống.

Cùng ngày, sau khi uống thuốc, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy ợ chua, buồn nôn nên tiếp tục mua thêm thuốc về sử dụng. Khoảng một giờ sau, trên da bệnh nhân xuất hiện mề đay nhẹ. Thay vì dừng thuốc và đi khám, bệnh nhân tiếp tục uống thêm một loại thuốc khác nhưng không cải thiện, đồng thời các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn với mề đay lan rộng, sưng môi, lưỡi, cảm giác tức ngực.

Bệnh nhân được đưa đến khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế Lâm Thao. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định đây là tình trạng phản vệ độ 2 nghi do thuốc, có nguy cơ tiến triển thành suy hô hấp, đe dọa tính mạng.

 Ảnh minh họa/Internet

Ảnh minh họa/Internet

Ngay lập tức, bệnh nhân được tiêm bắp Adrenaline và điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế. Sau 48 giờ theo dõi, tình trạng phù nề môi, lưỡi giảm dần, cảm giác khó thở được cải thiện, người bệnh được xuất viện an toàn.

Phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với thuốc, thực phẩm, nọc côn trùng hoặc các tác nhân khác. Phản vệ thường tiến triển nhanh, có thể dẫn đến sốc phản vệ, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu không được xử trí kịp thời.

Trước đó, tại Trung tâm Y tế Vân Đồn (Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhân H.V.Y. (28 tuổi) tăng men gan do tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định của bác sĩ.

Một tuần trước khi vào viện, tại nhà, bệnh nhân đã tự sử dụng thuốc điều trị cảm cúm. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi hơn, chán ăn, vàng da, vàng mắt, lúc này, người bệnh mới quyết định đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, qua các thăm khám cận lâm sàng, xét nghiệm cho thấy chỉ số men gan tăng cao hơn 700 UI/L. Các bác sĩ đã kịp thời đưa ra phác đồ điều trị giúp bệnh nhân tránh thương tổn nặng về gan, thận. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục.

Theo BSCKI. Từ Thị Ngọc, Trưởng Khoa Nội - Truyền nhiễm, bệnh nhân tự ý sử dụng thuốc dài ngày. Thuốc này đã được cắt loại, chia thành liều, mỗi liều 6 - 7 viên nên bệnh nhân cũng không nắm rõ mình đã uống những thuốc gì, thành phần ra sao. Từ đó, dẫn đến tình trạng men gan tăng, chán ăn, mệt mỏi. Đây là phản ứng do sử dụng sai thuốc, dị ứng thuốc. Khi đến viện, bệnh nhân đã được xử trí kịp thời, không gây ra diễn biến nặng suy gan, thận.

Hiện nay, tình trạng tùy tiện dùng thuốc rất phổ biến. Tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc mà người bệnh thường gặp là dị ứng, nguy cơ gây sốc phản vệ với diễn biến nhanh, có thể dẫn đến tử vong. Phản ứng của thuốc đối với cơ thể rất đa dạng tùy theo cơ địa mỗi người, có thuốc người này dùng không sao nhưng người khác dùng lại nguy hiểm. Đối với những bệnh lý phức tạp, việc tự ý dùng thuốc có thể làm che lấp triệu chứng nhưng bệnh vẫn phát triển dẫn đến khó chữa. Hiện nay, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đang là thách thức toàn cầu mà nguyên nhân chính là do việc dùng kháng sinh bừa bãi, lạm dụng thuốc.

Việc tự ý đi mua thuốc khi bản thân hoặc người thân bị ốm mà không có sự tư vấn của các nhà chuyên môn hay các bác sĩ có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Không những không khỏi được bệnh mà còn làm cho bệnh nặng lên, khi đó người bệnh phải vào bệnh viện với thời gian điều trị dài hơn, chi phí tốn kém, hơn nữa gây khó khăn cho các bác sĩ trong quá trình điều trị. Đặc biệt nếu sử dụng thuốc sai còn dẫn đến sốc phản vệ, ngộ độc thuốc, suy gan, thận, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Các chuyên gia khuyến cáo, người dân tuyệt đối không tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là khi chưa có sự tư vấn của bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn. Nếu sau khi dùng thuốc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như nổi mẩn, ngứa, sưng môi, khó thở… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Đối với người từng có tiền sử phản vệ, cần tuyệt đối tránh tái sử dụng loại thuốc đã gây phản ứng để phòng nguy cơ phản vệ nghiêm trọng hơn ở lần tiếp theo.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/doi-song/canh-bao-nguy-hiem-do-tu-y-mua-thuoc-dieu-tri-2102893.html
Zalo