Cảnh báo nguy cơ xung đột hạt nhân ở Châu Âu
Trong diễn biến mới nhất về chính sách vũ khí hạt nhân của Nga, Tổng thống Vladimir Putin hôm 25/9 đã nhấn mạnh rằng Điện Kremlin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại bất kỳ quốc gia nào tấn công Nga, nếu quốc gia đó được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân.
Nếu Nga tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân quy mô lớn vào Ukraine hoặc Tây Âu, lục địa này sẽ không thể làm gì nhiều để ngăn chặn điều đó.
Pavel Podvig, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (UNIDIR), được nhiều người coi là chuyên gia phương Tây hàng đầu thế giới về vũ khí hạt nhân của Nga. Ông cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy một thảm họa như vậy sắp trở thành hiện thực, nhưng ông cũng vẽ ra một bức tranh ảm đạm về việc một cuộc tấn công hạt nhân vào Châu Âu sẽ diễn ra như thế nào.
Ông Podvig nói: "Nếu có một vụ phóng nào đó – hoặc một số tên lửa Nga đã được phóng – thì gần như không thể đảm bảo rằng mọi thứ sẽ bị chặn lại".
Các tính toán nội bộ của NATO dự đoán rằng, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công tổng lực từ Nga, khối quân sự này chỉ có "dưới 5%" lực lượng phòng không cần thiết. Nga được cho là có khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân bên trong hơn 500 tên lửa có thể phóng trong vòng vài phút từ các hầm chứa, bệ phóng di động, tàu ngầm và máy bay. Mỹ có thể là mục tiêu chính, nhưng nhiều tên lửa trong số đó được cho là dành cho Châu Âu. Nhưng nếu các loạt đạn tên lửa thực sự không thể ngăn chặn được thì dân thường nên làm gì trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công hạt nhân?
Một số thủ đô Châu Âu duy trì các hầm trú ẩn hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh đang được làm mới một cách lặng lẽ. Ở Kiev, một hầm chứa hạt nhân gần đây đã được mở cửa trở lại và sẵn sàng sử dụng. Trong khi ở Praha, mạng lưới hầm trú ẩn thời Chiến tranh Lạnh đã thu hút sự quan tâm của người dân địa phương kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine hồi năm 2022.
Jan Mikes, người đứng đầu bộ phận quản lý khủng hoảng tại Praha, xác nhận với RFE/RL rằng các boongke "vẫn hoạt động và có thể được kích hoạt nếu cần thiết".
Người phát ngôn của Cơ quan Cứu hỏa Cộng hòa Séc nói với RFE/RL rằng, bắt đầu từ năm 2023, cơ quan này bắt đầu cập nhật các yêu cầu đối với hệ thống trú ẩn mà không giải thích thêm.
Tại Thung lũng Ahr của Đức, gần Bonn, Heike Hollunder, Giám đốc một hầm tránh bom hạt nhân hiện đang hoạt động như một bảo tàng, cho biết lượng du khách gần đây tăng vọt đáng kể. Ông nói với RFE/RL: "Sự quan tâm tăng lên, đặc biệt là từ những người trẻ tuổi".
Nhưng những biện pháp phòng ngừa quyết liệt như vậy có lẽ là vô ích. Podvig nói rằng sẽ có rất ít thời gian quý báu để đến nơi trú ẩn kiên cố sau cuộc tấn công hạt nhân của Nga. Podvig ước tính, từ khi phóng đến khi tác động đến mục tiêu ở Trung Âu, sẽ chỉ mất khoảng 10 phút hoặc lâu hơn.
Được biết, Mỹ vẫn duy trì một mạng lưới vệ tinh có thể phát hiện ngay luồng tên lửa đang được phóng, nhưng hệ thống đó có thể sẽ vô dụng đối với các nước gần Nga.
"Mỹ có tất cả các loại hệ thống cảnh báo - vệ tinh và mọi thứ. Nhưng tôi nghi ngờ rằng thông tin này có thể được chia sẻ rất nhanh chóng hoặc hoàn toàn với các đồng minh của Mỹ ở các quốc gia Châu Âu", ông Podvig nói.
Các mô hình dự đoán về ảnh hưởng của vũ khí hạt nhân hiện đại đối với các thành phố tạo nên một kết quả ảm đạm. Một tên lửa Topol-M của Nga sẽ phát nổ thành một quả cầu lửa rộng hàng km, thiêu rụi mọi sinh vật mà nó chạm vào. Trong bán kính 7 km, vô số thường dân sẽ chết vì bỏng nặng và bị đè bẹp dưới đống đổ nát của những tòa nhà bị sóng xung kích phá hủy. Sau đó sẽ có bức xạ làm bão hòa khu vực vụ nổ và gây độc cho không khí và nước.
Nhà sử học quân sự người Anh Basil Liddel Hart là nhân chứng của một trò chơi chiến tranh năm 1955, trong đó NATO trải qua một kịch bản chiến tranh hạt nhân toàn diện với Liên Xô.
Người ta cho rằng nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã nói sau một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực, "người sống sẽ ghen tị với người chết". Podvig của UNIDIR thận trọng khi tiết lộ những tính toán của riêng mình. "Tôi chỉ cố gắng không nghĩ về điều đó vì tôi biết một số tình huống thảm khốc khá tồi tệ", ông nói.
Bất chấp căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Nga và phương Tây, ông Podvig cho rằng ngày tận thế hạt nhân vẫn chỉ là một viễn cảnh xa vời. Ông nói: "Tôi thực sự tin rằng trước khi điều đó trở thành khả năng thực sự, chúng ta sẽ thấy khá nhiều bước leo thang tiếp theo".