Cảnh báo ngộ độc do thực phẩm 'lạ'

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương xuất hiện các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn các loại côn trùng như bọ xít, sâu ban miêu, thịt cóc…

Đây là hồi chuông cảnh báo cho những người ăn các loại côn trùng, động vật chứa độc tố vì tin tưởng vào công dụng chữa bệnh được truyền miệng.

Một người dân ở Mộc Châu, Sơn La bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu sau khi bắt côn trùng trong vườn nhà để rang ăn.

Một người dân ở Mộc Châu, Sơn La bị ngộ độc phải vào viện cấp cứu sau khi bắt côn trùng trong vườn nhà để rang ăn.

Nguy cơ chết người vì những món ăn “lạ”

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), năm nào tại các địa phương cũng có những ca ngộ độc do ăn các loại côn trùng dù người dân đã được cảnh báo thường xuyên về nguy cơ. Thời gian vừa qua, một số bệnh viện trên cả nước tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu, đuông dừa, bọ xít… Số người nhập viện vì nguyên nhân này tăng cao bởi đây đang là mùa hè, thời điểm phù hợp để côn trùng, nấm rừng phát triển mạnh.

Ngày 7-8-2024, một thanh niên ăn 10 con sâu ban miêu và bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Dù được các bác sĩ tận tình cứu chữa nhưng độc tính của loại sâu này khiến bệnh nhân bị suy thận, suy gan và đã tử vong.

Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.

Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch.

Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, mới đây cũng tiếp nhận một nam bệnh nhân (42 tuổi, ở Yên Bái) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, yếu cơ tứ chi, tiêu cơ vân, suy thận cấp. Kết quả chẩn đoán cho thấy, bệnh nhân bị ngộ độc vì ăn sâu ban miêu.

Trước đó, vào tháng 5-2024, 5 người ở tỉnh Yên Bái tổ chức ăn uống cùng nhau, 3 người trong số này ăn món sâu ban miêu. Sau khi ăn khoảng 1 - 3 giờ, 3 người này bị nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu… Họ được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu.

Sâu ban miêu chứa chất kịch độc có thể gây tử vong nếu ăn phải.

Sâu ban miêu chứa chất kịch độc có thể gây tử vong nếu ăn phải.

Sâu ban miêu có tên khoa học là Cantharis vesicatoria, hay còn gọi là manh trùng, ban manh, ban mao. Đây là loài sâu có cánh cứng, màu xanh lục biếc, dài khoảng 15-20mm, ngang 4-6mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân sâu có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Trên hai cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt, cũng có loài thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen. Người dân truyền miệng rằng loại sâu này tuy có độc nhưng có tác dụng tăng cường sinh lý cho nam giới. Trên thực tế, một số loại sâu ban miêu vẫn được ứng dụng trong y học cổ truyền, tuy nhiên, nếu tự ý sử dụng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài sâu ban miêu, nhiều người ăn bọ xít và bị ngộ độc. Khá giống sâu ban miêu nhưng bọ xít có hình tam giác ở lưng và có vòi. Một số loại bọ xít chứa độc tố nguy hiểm. Đầu tháng 8-2024, hai bố con ở huyện Thuận Châu, Sơn La, đã phải nhập bệnh viện tỉnh cấp cứu sau khi ăn rau xào bọ xít. Cả hai rơi vào tình trạng nhịp tim chậm, khó thở, tím tái toàn thân, mệt lả, da vàng và yếu cơ tứ chi.

Mẫu bọ xít được gửi đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Mẫu bọ xít được gửi đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Không chỉ tìm kiếm các món ăn “lạ” từ côn trùng, nhiều người còn chế biến cóc làm thức ăn bởi cho rằng thịt và trứng cóc rất giàu dinh dưỡng; thịt cóc tốt cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, chậm lớn. Một số người dùng thịt cóc để làm thực phẩm bổ dưỡng cho người cao tuổi, người vừa ốm dậy, trẻ em suy dinh dưỡng, chán ăn, chậm lớn, còi xương, cam tích, lở ngứa…

Theo Đông y, thịt cóc có tác dụng bổ tỳ giúp cho trẻ tiêu hóa tốt, ăn ngon miệng. Tuy vậy, khi chế biến cóc nguy cơ ngộ độc rất dễ xảy ra bởi một số bộ phận của cóc như gan, da, trứng chứa độc tố có thể gây chết người. Đã có nhiều vụ ngộ độc khiến trẻ nhỏ tử vong sau khi ăn ruốc cóc, cháo thịt cóc… Như mới đây, tại xã Diễn Lâm (huyện Diễn Châu, Nghệ An) xảy vụ ngộ độc do ăn trứng cóc khiến người bố tử vong, người con phải nhập viện điều trị tích cực.

Cảnh giác với các loại côn trùng, động vật có độc tố nguy hiểm

Không chỉ riêng tại Việt Nam, ở nước ngoài cũng có người sử dụng các loại côn trùng, động vật làm các món ăn lạ miệng, như châu chấu, ốc sên, dế, ong, mối, ve sầu, bọ cạp… Nhiều món ăn “lạ” đến mức chỉ mới nghe tên đã khiến thực khách rùng mình, như bọ cạp trượt tuyết, bọ cạp lăn bột chiên bơ, bánh burger với phần nhân kẹp thịt côn trùng, bọ cánh cứng chiên, sâu bướm xốt cay, ốc sên Pháp nấu với thảo mộc… Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng, đặc biệt là các loại săn bắt trong tự nhiên, tiềm ẩm nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và thậm chí là tính mạng của thực khách.

Đáng lo ngại hơn, nhiều loại côn trùng, động vật có chứa độc tố nhưng trong quá trình lựa chọn, sơ chế, nếu người dân thiếu hiểu biết mà chế biến theo kinh nghiệm truyền miệng, đặc biệt là ăn tái, ăn sống, ngâm rượu… thì rất nguy hiểm. Trên thực tế, ngay cả các loại côn trùng không có độc tố nhưng do sinh sống trong môi trường tự nhiên nên rất dễ mang mầm bệnh, ký sinh trùng, vi khuẩn… lây nhiễm cho con người. Do đó, để phòng tránh ngộ độc, người dân không nên sử dụng các loại côn trùng săn bắt trong tự nhiên để chế biến món ăn, đặc biệt là côn trùng có độc như sâu ban miêu và bọ xít. Người có cơ địa dị ứng càng phải thận trọng hơn với các món ăn “lạ”.

ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết: Sâu ban miêu có chứa Cartharidin - một chất rất độc, có thể hủy hoại protein là chất cấu tạo nên cơ thể người. Khi ăn phải chất này, đầu tiên chúng sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, dẫn đến hoại tử dạ dày, ruột… Cartharidin đi đến cơ quan nào sẽ làm tổn thương cho cơ quan đó, như gan, thận…, thậm chí có thể gây tử vong.

Cóc là loại động vật có chứa độc tố gây hại không kém các loại côn trùng nói trên. Các bộ phận của cóc có thể gây độc bao gồm da, trứng cóc, nhựa mủ cóc từ tuyến sau tai và tuyến trên da cóc. Nhựa cóc, độc tố ở gan và trứng cóc có thể gây ngộ độc cấp tính, tỉ lệ tử vong rất cao. Nếu nhựa cóc bắn dính vào niêm mạc mắt sẽ xuất hiện tình trạng bỏng rát, phù nề niêm mạc...

Là người trực tiếp tham gia nhiều ca cấp cứu ngộ độc thịt cóc, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết: Dù thịt cóc có nhiều đạm, nhiều chất dinh dưỡng nhưng không nên sử dụng thịt cóc làm thức ăn hay để chữa bệnh. Nhiều loại chất độc có trong nọc, da của cóc được xếp vào loại độc dược nhóm I (nhóm độc nhất) và chất độc của một con cóc đủ gây tử vong 4 - 5 người khỏe mạnh; người ăn vào có thể tử vong ngay sau vài giờ nếu không được cứu chữa kịp thời.

Các dấu hiệu lâm sàng thường gặp trong các vụ ngộ độc do ăn côn trùng, động vật “lạ” là: Buồn nôn, nôn, run tay chân, một số trường hợp nặng nôn nhiều, co giật tay chân, chóng mặt, tăng tiết, cứng hàm, kích thích vật vã, khó thở, ý thức lơ mơ, hôn mê, sẩn ngứa toàn thân... và có thể tử vong. Triệu chứng nhiều hay ít, nhẹ hay nặng tùy theo loại độc tố trong côn trùng, tổng lượng đã ăn vào và cơ địa người ăn (người già, có uống rượu, phụ nữ có thai, trẻ em... thường bị nặng).

Các chuyên gia y tế cảnh báo: Ăn những loại côn trùng, động vật lạ rất nguy hiểm, rủi ro cao vì không biết chúng có chứa chất độc tố hay không. Người dân khi thấy có những biểu hiện như buồn nôn, đau bụng, tiểu ra máu… cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

Bảo Ngọc

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/canh-bao-ngo-doc-do-thuc-pham-la-675014.html
Zalo