Cảnh báo gia tăng lừa đảo trên các trang web du lịch trực tuyến
Trang dịch vụ du lịch Booking.com có trụ sở tại Hà Lan mới đây cảnh báo AI tạo sinh đang thúc đẩy sự gia tăng các vụ lừa đảo trực tuyến trong lĩnh vực du lịch. Không chỉ những 'tay mơ', mà không ít chuyên gia, những người được coi là sành sỏi trong lĩnh vực du lịch cũng 'rơi vào bẫy' của những kẻ lừa đảo.
Nền tảng Booking.com ước tính trong 18 tháng qua, số vụ lừa đảo trực tuyến trong ngành du lịch, đặc biệt là lừa nạn nhân tiết lộ thông tin cá nhân, đã tăng 500% đến 900%. Trên thực tế, những trò lừa đảo đã xuất hiện trên mạng từ khi có email, nhưng xu hướng này tăng mạnh sau khi ChatGPT ra đời. Sự bùng nổ của AI tạo sinh giúp những kẻ lừa đảo có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ với ngữ pháp chuẩn xác hơn trong các tin nhắn và thư điện tử giả mạo có gắn các phần mềm độc hại.
Các trang web du lịch như Booking.com và Airbnb là bị những kẻ lừa đảo lợi dụng khai thác. Bởi khách hàng thường được yêu cầu chia sẻ thông tin thẻ tín dụng và các giấy tờ tùy thân thông tin về gia đình. Sau khi người mua trả tiền, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết, khiến người mua rơi vào tình cảnh “dở khóc dở cười”, mất tiền nhưng không có nơi để lưu trú hoặc thậm chí bị lừa tiền nhiều lần thông qua các tin nhắn tiếp theo.
Gia đình Kate và Rob Foster, điều hành một khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Sunshine (Australia), đã nhiều lần chứng kiến khách du lịch đến cơ sở của mình và mang theo xác nhận đặt phòng của Booking - một nền tảng mà họ chưa từng hợp tác. Một năm trước, khu nghỉ này từng đăng cho thuê bất động sản trên Airbnb nhưng đã gỡ xuống. Tuy nhiên thông tin trên Airbnb về khu nghỉ dưỡng này đã bị sao chép từ logo, hình ảnh đến các miêu tả chỗ ở. Kẻ lừa đảo đã tạo ra hai danh sách bất động sản giả mạo và nhận đặt chỗ giả. Khi đến khu nghỉ, nạn nhân mới biết đã mất toàn bộ tiền cọc và không có chỗ ngủ đêm.
Kể cả những người có kinh nghiệm khi đi du lịch cũng không tránh được bẫy lừa đảo. Bà Amy Kolsky, một chuyên gia về du lịch và cũng từng là nạn nhân của lừa đảo du lịch cho biết: “Tôi luôn tin vào các đánh giá và tôi không thể nghĩ rằng mình lại có thể bị lừa vì những đánh giá. Khi tôi thấy điều gì đó trên Booking hay Expedia hoặc bất kỳ trang web nào khác, tôi luôn vào Google Maps để xem các đánh giá là gì. Và nếu không có đánh giá nào, thì tôi biết rằng đó nhiều khả năng không phải là một địa điểm có thật. Nhưng nếu các đánh giá phù hợp với trang web Booking.com, thì tôi sẽ cho rằng đó là một lựa chọn hợp lý và nó là hợp pháp. Tuy nhiên ngay cả điều đó cũng tiềm ẩn rủi ro".
Giáo sư Cassandra Cross ở Đại học Queensland, Australia cho biết, lừa đảo liên quan đến nơi lưu trú dễ xảy ra, vì việc đặt phòng trực tuyến ngày càng phổ biến. Năm ngoái, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia nhận được 336 báo cáo về lừa đảo trên Booking với tổng số tiền lên tới 337.000 đôla. Con số này tăng 600% so với năm 2022 - thời điểm chỉ ghi nhận 53 vụ lừa đảo. Dù các nền tảng có thuật toán xác định lừa đảo, song theo Giáo sư Cassandra Cross rất khó để chặn kẻ gian sao chép và đẩy bán các chỗ ở không có thật.
Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị công nghệ ở Toronto (Canada), Giám đốc An ninh thông tin của Booking.com, bà Marnie Wilking cũng khẳng định những lợi ích to lớn của AI khi cho phép Booking nhanh chóng xóa các khách sạn giả mạo cố gắng lừa đảo mọi người. Điều quan trọng là các khách sạn và du khách phải cảnh giác hơn khi nhấp vào các liên kết và nên sử dụng xác thực hai yếu tố để chống lừa đảo và đánh cắp thông tin đăng nhập.