Biến hơn 1.000 tấn rác thải nhựa thành vật dụng hữu ích

Từ năm 2019 đến nay, hơn 1.000 tấn rác thải nhựa đã được xử lý và 'biến hóa' thành những đồ dùng thiết thực trong đời sống. Đó là con số đáng tự hào của Plastic People (TPHCM), đơn vị chuyên tái chế các loại rác sử dụng một lần, có giá trị thấp thành những sản phẩm bền, đẹp và an toàn cho cuộc sống thường ngày.

 Chị Trần Tâm (trái) và sản phẩm từ nhựa tái chế

Chị Trần Tâm (trái) và sản phẩm từ nhựa tái chế

Hiện tại, sản phẩm chính của Plastic People là các tấm ván ép nhựa tái chế, góp nguyên liệu thân thiện với môi trường cho các đơn vị thiết kế hay kiến trúc sư để mang đến những sản phẩm nội thất và công trình đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về thẩm mỹ, an toàn cho người tiêu dùng.

Nhựa tái chế đến từ những nguồn chính là: các hộ dân cư, trường học, nhà hàng, các nhà máy, doanh nghiệp và những người thu gom phế liệu.

Chị Trần Tâm - đại diện của Plastic People - cho hay, nhựa và các rác thải khác tồn tại ở khắp mọi nơi xung quanh môi trường sống của con người, nếu không có quy trình tái chế, có thể lượng rác thải gây ảnh hưởng tới môi trường sẽ ngày càng tăng cao.

"Trong quá trình hoạt động, chúng tôi thấy rằng nhận thức về các vấn đề rác thải nhựa, kiến thức về môi trường, phân loại, tái chế nhựa của người dân vẫn còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng để có thể đưa việc phân loại, tái chế rác thải trở thành thói quen hằng ngày của mọi người.

Không chỉ bằng lời nói, khuyến khích, mà chúng tôi cho họ thấy thực tế những sản phẩm tuyệt vời đầy giá trị mà chúng ta có thể làm ra được từ rác thải hàng ngày bằng việc chung tay với nhau, để chúng ta có thể cảm thấy kết nối với từng hành động nỗ lực mà mình bỏ ra", chị Trần Tâm chia sẻ.

Đồng thời, chị cũng bày tỏ sự cảm kích đối những nhà sáng tạo với kỹ năng chuyên môn đáng nể đã tin tưởng vào các vật liệu của đơn vị và biến chúng thành những sản phẩm, dự án có giá trị thực tế.

Một mạng lưới gồm hơn 300 hộ gia đình, quán cà phê, nhà hàng, trường học... đã cùng tham gia thực hiện việc làm sạch, phân loại và thu gom nhựa để gửi đến các nhà máy tái chế của đơn vị Plastic People trên khắp các tỉnh/thành tại Việt Nam, đánh dấu cho một bước tiến mới về ý thức bảo vệ môi trường của xã hội.

Từ năm 2019 đến nay, hơn 1.000 tấn rác thải nhựa đã được xử lý và "biến hóa" thành những đồ dùng thiết thực trong đời sống. Một số ứng dụng tiêu biểu có thể kể đến như những mặt bàn tại Highlands Coffee;

toàn bộ những chiếc lót ly tại chuỗi nhà hàng Pizza 4P's; sản phẩm hộp giấy, biển treo phòng trong các chuỗi khách sạn Wink Hotels và những nhà hàng, quán cà phê, văn phòng khác ở trong và ngoài nước.

Truyền cảm hứng bảo vệ môi trường

Chia sẻ về cột mốc ấn tượng nhất của Plastic People, chị Trần Tâm đề cập đến sự hợp tác của đơn vị với nhà hàng Pizza 4P's tại Phnom Penh, Campuchia: "Dự án đã sử dụng hơn 7,8 tấn nhựa tái chế cho từng ngóc ngách tại không gian nhà hàng và đặc biệt là phần mái che ngoài trời.

Tuy chúng tôi rất tự tin về độ bền và vững chắc để có thể đáp ứng được điều kiện thời tiết của vật liệu, song đó vẫn là một thử thách rất lớn. May mắn thay, cả khách hàng và đội ngũ thiết kế, thi công đều rất mở lòng và có niềm tin để thực hiện thử thách này cùng chúng tôi.

Kết quả cuối cùng đạt thành công mỹ mãn, chúng tôi đều phấn khởi khi nhà hàng được hoàn thiện vào tháng 2/2023".

Trong tương lai, Plastic People đặt ra một số kế hoạch cụ thể để hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy tái chế đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là có thể sử dụng chính những nguyên liệu tái chế đến từ Việt Nam để làm nên những sản phẩm cao cấp, xuất khẩu ra thị trường châu Âu, châu Mỹ…

Trong vòng 6 tháng tới, đơn vị sẽ mở rộng nhà máy và mạng lưới thu gom rác thải để có thể tái chế với công suất 2.000 tấn/năm. Ngoài ra sẽ mua lại các loại nhựa từ mạng lưới người thu gom phế loại để khuyến khích thu gom đa dạng các loại nhựa và đảm bảo thu nhập cho cả người thu gom.

Bên cạnh việc phát triển theo kế hoạch đã đề ra, đội ngũ Plastic People còn tập trung các nguồn lực cho những dự án xã hội như trao tặng cho cộng đồng, trẻ em nghèo vùng cao những ngôi nhà xã hội, trường học, thư viện, bàn ghế công viên, nội thất trường học...

Chị Trần Tâm cũng cho rằng, đơn vị sẽ không thể phát triển và tái chế được nhiều rác thải nhựa đến thế nếu thiếu đi sự tin tưởng và ủng hộ của người dân:

"Chúng tôi cảm thấy rất tự hào và vui mừng khi đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân cùng chung tay thực hiện bảo vệ môi trường thông qua việc thu gom và gửi rác thải nhựa đến nhà máy tái chế chúng tôi.

Thậm chí, họ còn ủng hộ chúng tôi bằng cách sẵn lòng chi trả các khoản chi phí vận chuyển, cũng bởi họ chắc chắn rằng khi nhựa đến nhà máy Plastic People, chúng sẽ được tái chế 100% và có thêm những sứ mệnh mới, vòng đời bền vững và ý nghĩa hơn!".

Các thành tích Plastic People đã đạt được:

- 1 trong 3 đại diện của Việt Nam tham dự vòng thi châu Á Cuộc thi khởi nghiệp xanh ClimateLaunchPad 2020.

- Top 7 doanh nghiệp tạo tác động xã hội - Impact Chapter Vietnam (Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng CSIP tổ chức).

- Top 5 nhà đổi mới xuất sắc của chương trình "Thử thách Tái chế rác thải nhựa Đông Nam Á" (Mạng lưới Vườn ươm Doanh nghiệp (The Incubation Network) tổ chức.

Hoàng Duy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/bien-hon-1000-tan-rac-thai-nhua-thanh-vat-dung-huu-ich-2024111917310974.htm
Zalo