Cảnh báo đỏ về sự gian dối trong ngành mỹ phẩm
Bộ Y tế quyết định thu hồi toàn quốc lô kem chống nắng Hanayuki Sunscreen Body do ghi nhãn sai về chỉ số SPF (đo lường khả năng chống tia UVB). Lô hàng ghi chỉ số SPF 50, kiểm nghiệm thực tế chỉ là 2,4.
Sản phẩm được quảng cáo có công dụng "bảo vệ da chống nắng, dưỡng trắng toàn thân", với chỉ số SPF như ghi trên nhãn là 50, nhưng kết quả kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM cho thấy, chỉ số SPF của sản phẩm chỉ đạt 2,4 - một mức rất thấp, không đủ bảo vệ da khỏi tia UV trong điều kiện thực tế.

2,4- Một con số thấp đến mức gần như vô dụng nếu người dùng kỳ vọng được bảo vệ khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.
Đây là hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng quy định về ghi nhãn sản phẩm, mà còn đe dọa trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là khi sản phẩm này được sử dụng phổ biến vào mùa nắng nóng.
Cơ quan chức năng xác định, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group chịu trách nhiệm phân phối, còn Công ty Cổ phần Nhà máy Y tế EBC Đồng Nai là đơn vị sản xuất. Cả hai công ty đã từng dính “lùm xùm” khi một lô dầu gội Hanayuki của họ cũng bị thu hồi vì chứa vi sinh vật vượt giới hạn và thành phần không công bố.
Trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm sôi động, hàng loạt thương hiệu nội địa mọc lên với lời quảng cáo “thần thánh hóa”, việc công bố sai sự thật về thành phần, công dụng và chất lượng đã trở thành vấn nạn nhức nhối.
Không ít người tiêu dùng đã trở thành "nạn nhân" của sự thiếu kiểm soát, tin vào những sản phẩm “chống nắng thần kỳ”, "dưỡng trắng cấp tốc", để rồi trả giá bằng dị ứng, nám sạm, kích ứng da, thậm chí ung thư da trong thời gian dài.
Việc gắn mác “SPF 50” lên một sản phẩm chỉ đạt mức SPF 2,4 không còn đơn thuần là hành vi vi phạm hành chính, mà là dối trá có tổ chức. Đây là kiểu làm ăn đánh vào sự cả tin, đẩy người tiêu dùng vào tình trạng rủi ro mà họ không hề hay biết.
Nghiêm trọng hơn, nó còn làm mất niềm tin vào thị trường mỹ phẩm trong nước, đẩy lùi sự phát triển của các thương hiệu chân chính đang nỗ lực tuân thủ quy chuẩn quốc tế.
Trong khi Cục Quản lý Dược đã ra quyết định đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy lô hàng, yêu cầu hai công ty liên quan báo cáo trước 15/6 và chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm trả lại, thì câu hỏi đặt ra là: Liệu những chế tài hiện tại đã đủ sức răn đe? Bao nhiêu người đã và đang sử dụng sản phẩm này? Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu người dùng bị tổn thương da, tổn hại sức khỏe?
Với tính chất nghiêm trọng, giới chuyên gia cho rằng, cần thiết phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các đơn vị sản xuất – phân phối cố ý ghi nhãn sai sự thật gây hậu quả cho sức khỏe cộng đồng. Không thể để tình trạng “lỗi thì thu hồi, không ai chịu trách nhiệm cụ thể” tiếp diễn.
Không chỉ Hanayuki, thời gian gần đây, Bộ Y tế cũng liên tiếp phát hiện hàng loạt mỹ phẩm vi phạm: sai thành phần, vượt mức vi sinh vật, quảng cáo không đúng sự thật, thậm chí không rõ nguồn gốc. Mỹ phẩm "xách tay", hàng “online”, livestream chốt đơn chóng mặt nhưng không qua kiểm nghiệm đang gây ra nhiều hiểm họa với người tiêu dùng.
Bộ Y tế đã kịp thời có văn bản gửi các địa phương, yêu cầu tăng cường thanh kiểm tra, hậu kiểm mỹ phẩm trên toàn quốc, đặc biệt là mỹ phẩm quảng cáo trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, nơi những người kinh doanh thiếu đạo đức dễ dàng tiếp cận người mua hơn bao giờ hết.
Đã đến lúc không thể xem nhẹ mỹ phẩm như một mặt hàng “tiêu dùng thông thường”. Mỗi tuýp kem, lọ serum nếu không được kiểm soát đúng chuẩn có thể trở thành chất độc vô hình bào mòn sức khỏe người dùng theo thời gian.
Ngành làm đẹp Việt Nam chỉ có thể phát triển nếu được xây dựng trên nền tảng của niềm tin, đạo đức kinh doanh và sự tuân thủ pháp luật nghiêm ngặt. Và mỗi người tiêu dùng, mỗi cơ quan chức năng cần là một mắt xích trong chuỗi bảo vệ đó để “cái đẹp” không còn phải đánh đổi bằng nỗi đau âm thầm.