Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội hay thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Đối với Việt Nam, đây là một giai đoạn chuyển đổi quan trọng với cả cơ hội và thách thức song hành. Để thực sự tận dụng được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược bài bản.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, với tâm điểm là chất bán dẫn. Quyết định mới nhất của Trung Quốc về việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản then chốt sang Mỹ được xem là động thái đáp trả các biện pháp kiểm soát của Mỹ đối với ngành bán dẫn Trung Quốc. Điều này đặt ra câu hỏi lớn: Liệu đây có phải là cơ hội hay thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam?

Mỹ và Trung Quốc từ lâu đã cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực công nghệ, trong đó chất bán dẫn đóng vai trò cốt lõi. Mỹ, với vị thế dẫn đầu về thiết kế và công nghệ sản xuất chip, đã liên tục ban hành các lệnh cấm nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến của Trung Quốc. Đỉnh điểm của cuộc xung đột này là việc Mỹ công bố lệnh cấm xuất khẩu 24 loại thiết bị sản xuất chip và ba loại phần mềm quan trọng phục vụ phát triển bán dẫn sang Trung Quốc vào ngày 2/12/2024.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, bao gồm gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng.

Trung Quốc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, bao gồm gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng.

Trung Quốc đã có phản ứng mạnh mẽ bằng việc hạn chế xuất khẩu các khoáng sản quan trọng, bao gồm gali, germani, antimon và vật liệu siêu cứng - những nguyên tố then chốt trong sản xuất chip, công nghệ cao và quân sự. Đối với than chì - nguyên liệu quan trọng trong sản xuất pin và lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc sẽ áp dụng quy trình kiểm soát xuất khẩu chặt chẽ hơn. Đây là động thái có thể làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc hiện chiếm đến 77% sản lượng than chì toàn cầu vào năm 2023.

Tác động ngay lập tức của động thái này là sự biến động mạnh trên thị trường tài chính Việt Nam. Cổ phiếu của các công ty khai khoáng trên sàn chứng khoán Việt Nam đã tăng mạnh, phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư vào sự khan hiếm nguồn cung. Những doanh nghiệp như Khoáng sản TKV (Vimico – mã KSV), Khoáng sản Hoàng Mai (mã HGM) và Khoáng sản Bắc Kạn (mã BKC) đều ghi nhận mức tăng đột biến. KSV, đặc biệt, đã vươn lên trở thành công ty có giá trị thị trường hơn 51.000 tỷ đồng (tương đương 2 tỷ USD), vượt qua nhiều doanh nghiệp lớn khác. Tuy nhiên, tác động dài hạn đến chuỗi cung ứng và cơ hội thực sự cho doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần được phân tích kỹ lưỡng.

Các chuyên gia nhận định, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, đặc biệt trong việc trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn và công nghệ cao toàn cầu. Khi Mỹ hạn chế xuất khẩu công nghệ chip tiên tiến sang Trung Quốc và Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát khoáng sản chiến lược, các công ty quốc tế đang tìm kiếm điểm đến mới để giảm rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thực tế, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Intel, Amkor và Apple mở rộng sản xuất tại đây. Intel đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD vào nhà máy tại TP. Hồ Chí Minh, trong khi Amkor đang triển khai dự án 1,6 tỷ USD tại Bắc Ninh. Sự dịch chuyển này mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn, từ khâu lắp ráp, kiểm định đến sản xuất vật liệu đầu vào.

Một lợi thế khác là tiềm năng phát triển ngành khai khoáng trong nước. Với nhu cầu gia tăng đối với các nguyên liệu như đất hiếm, gali, antimon và than chì, các doanh nghiệp khai khoáng Việt Nam có cơ hội mở rộng quy mô khai thác và chế biến sâu. Đây không chỉ là cơ hội tăng trưởng kinh doanh mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ cung ứng khoáng sản toàn cầu.

Hiện nay, khai thác khoáng sản và kim loại là lĩnh vực đang được Nhà nước chú trọng. Hồi cuối năm 2024, Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều điểm mới. Trong đó, Luật quy định trên cơ sở công dụng và mục tiêu quản lý, khoáng sản được phân chia thành các nhóm I, II, III và IV. Trên cơ sở này, quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương, cải cách thủ tục hành chính phù hợp với từng nhóm khoáng sản.

Tại cuộc tiếp ông Benjamin Gallezot, Đại diện Liên bộ về cung ứng khoáng sản và kim loại chiến lược Pháp ngày 21/1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam mới điều tra một số khu vực cho khoáng sản và kim loại chiến lược, cần tiếp tục đánh giá sâu về trữ lượng, cũng như tính toán lộ trình khai thác, chế biến sâu khi lựa chọn và tiếp nhận được công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, cũng như dự báo nhu cầu, làm chủ thị trường

Trao đổi với Tạp chí Kinh tế Môi trường, PGS. TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam nhận định, dù có nhiều cơ hội, nhưng doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối diện với hàng loạt thách thức lớn. Trước tiên, ngành bán dẫn đòi hỏi vốn đầu tư khổng lồ, công nghệ cao và nhân lực chất lượng, những yếu tố mà Việt Nam vẫn còn hạn chế. Dù các tập đoàn quốc tế đã đặt nhà máy tại Việt Nam, phần lớn vẫn tập trung vào lắp ráp và kiểm định, chưa có nhiều doanh nghiệp nội địa tham gia sâu vào sản xuất chip lõi.

Ngoài ra, nguồn cung khoáng sản trong nước cũng chưa thể thay thế Trung Quốc trong ngắn hạn. Đơn cử, mặc dù Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới (sau Trung Quốc), nhưng việc khai thác và chế biến vẫn gặp nhiều khó khăn do hạn chế về công nghệ và chính sách phát triển bền vững.

Một thách thức khác là sự cạnh tranh khốc liệt từ các nước khác. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất muốn tận dụng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung để thu hút đầu tư. Ấn Độ, Mexico và một số nước Đông Nam Á khác cũng đang đẩy mạnh chiến lược thu hút các tập đoàn công nghệ đa quốc gia. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách hấp dẫn hơn về thuế, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa”, PGS. TS Lưu Đức Hải cho biết thêm.

Bên cạnh đó, PGS. TS Lưu Đức Hải cũng chia sẻ một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động khai thác và chế biến 4 khoáng sản mà Việt Nam hiện đang có nhiều tiềm năng, gồm: đất hiếm, gali, antimon và than chì.

Theo đó, đất hiếm chúng ta có nhiều nhưng đang thiếu công nghệ tách chiết từng nguyên tố và phần lớn là đất hiếm nhóm nhẹ nên việc đầu tư khai thác cần xem xét.

Gali thường không tạo ra mỏ, ở Việt Nam chưa rõ có mỏ gali nào, còn gali từ boxit và than chưa được nghiên cứu và có phương án thu hồi.

Antimon chúng ta có ở mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên) cùng với W (wolfram) và Bi (bismuth), đây là nguồn khoáng sản quan trọng đã được Tập đoàn Masan khai thác và chế biến. PGS. TS Lưu Đức Hải cho rằng cần xem xét chiến lược thị trường đối với hoạt động xuất khẩu antimon.

Còn than chì có ở nhiều nơi (Phú Thọ, Yên Bái) nhưng đều là các mỏ nhỏ chưa khai thác công nghiệp, cần có đánh giá và phương án khai thác, chế biến hiệu quả.

Từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA cho rằng, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư của Mỹ hoặc Trung Quốc hay những doanh nghiệp của Việt Nam nhưng nắm giữ vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất – cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ hoặc Trung Quốc cần đặc biệt chú ý đến các quy định kiểm soát xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ. Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang siết chặt quy định đối với các đối tác có liên quan đến chuỗi cung ứng công nghệ cao của nhau. Điều này có thể ảnh hưởng đến chiến lược mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Như vậy, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung trong lĩnh vực chất bán dẫn chắc chắn sẽ còn kéo dài và tiếp tục ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu. Đối với Việt Nam, đây là một giai đoạn chuyển đổi quan trọng với cả cơ hội và thách thức song hành. Để thực sự tận dụng được làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược bài bản, từ nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào công nghệ, phát triển nhân lực đến tuân thủ chặt chẽ các quy định pháp lý quốc tế.

Nội dung: Cẩm Anh

Đồ họa: H.A

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/cang-thang-thuong-mai-my-trung-co-hoi-hay-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-viet-nam-96776.html
Zalo