Căng thẳng Pakistan-Afghanistan: Nguy cơ bùng phát xung đột toàn diện

Mối quan hệ giữa Pakistan và Afghanistan đang leo thang căng thẳng với các cuộc không kích của Pakistan vào lãnh thổ Afghanistan, gây ra thương vong lớn.

Theo Washingon Post, Islamabad cáo buộc Kabul dung túng các chiến binh Taliban Pakistan (TTP), nhóm bị cho là đứng sau hàng loạt vụ tấn công đẫm máu trong nước. Trong khi đó, Afghanistan bác bỏ và coi hành động của Pakistan là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền quốc gia.

Cuối tháng 12, các cuộc không kích của Pakistan tại miền Đông Afghanistan đã khiến 46 người thiệt mạng, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em. Chính quyền Afghanistan lên án mạnh mẽ và yêu cầu Pakistan ngừng ngay các hành động quân sự. Tuy nhiên, phía Islamabad tuyên bố những cuộc tấn công này nhằm vào TTP, nhóm mà Pakistan coi là mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia.

Lực lượng an ninh Taliban kiểm tra một chiếc xe bị phá hủy trong cuộc không kích của Pakistan tại tỉnh Paktika, miền đông Afghanistan vào cuối tháng 12 - Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh Taliban kiểm tra một chiếc xe bị phá hủy trong cuộc không kích của Pakistan tại tỉnh Paktika, miền đông Afghanistan vào cuối tháng 12 - Ảnh: AFP

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nhấn mạnh rằng đây là thời điểm cần hành động cương quyết để "bảo vệ tương lai của Pakistan". Nhưng giới phân tích nhận định, dù các biện pháp quân sự có thể phát đi thông điệp mạnh mẽ nhưng chúng sẽ không đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề nếu thiếu các giải pháp ngoại giao hiệu quả.

Khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021, nhiều người kỳ vọng tình hình khu vực sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, sự kiện này lại tiếp thêm động lực cho các chiến binh TTP tại Pakistan, giúp nhóm này mở rộng hoạt động và gia tăng các cuộc tấn công vào chính phủ Islamabad. Các vũ khí hiện đại bị bỏ lại từ cuộc chiến ở Afghanistan cũng rơi vào tay các nhóm cực đoan, gia tăng sức mạnh và nguy cơ xung đột.

Pakistan, vốn từng hỗ trợ Taliban trong quá khứ, nay phải đối mặt với vấn đề ngược lại: các chiến binh TTP sử dụng Afghanistan làm nơi trú ẩn để tổ chức tấn công xuyên biên giới. Nội bộ Afghanistan cũng chia rẽ về cách xử lý TTP. Một số quan chức muốn duy trì quan hệ tốt với Islamabad, trong khi nhiều phần tử cực đoan trong chính quyền Kabul lại coi TTP là đồng minh cần bảo vệ.

Báo cáo năm 2022 của Liên Hợp Quốc cho thấy chính quyền Taliban ở Afghanistan và TTP có mối liên kết chặt chẽ, với sự hỗ trợ từ các cán bộ Taliban và chiến binh al-Qaeda trong các vụ tấn công tại Pakistan. Điều này khiến Islamabad ngày càng áp lực đòi Kabul hành động dứt khoát, nhưng các nỗ lực thường rơi vào bế tắc.

Quyền Bộ trưởng Thông tin Afghanistan, Khairullah Khairkhwa, gần đây tuyên bố rằng chính quyền Kabul có trách nhiệm bảo vệ người dân và "các vị khách" của mình, ám chỉ rõ ràng các chiến binh TTP. Phát biểu này không chỉ gia tăng căng thẳng với Pakistan mà còn khiến quốc tế lo ngại về sự bất lực trong việc kiểm soát các nhóm cực đoan.

Dù căng thẳng gia tăng, cả hai bên vẫn nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì đối thoại. Một phái đoàn cấp cao của Pakistan đã đến Kabul để gặp Sirajuddin Haqqani, quyền Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu thông điệp từ Islamabad có được giới lãnh đạo Taliban tiếp nhận một cách nghiêm túc hay không.

Nội bộ chính quyền Taliban ở Afghanistan cũng không thống nhất, với quyền lực bị phân tán giữa các phe phái khác nhau. Điều này khiến bất kỳ thỏa thuận nào cũng trở nên khó thực hiện, đặc biệt khi quyền kiểm soát chính trị và quân sự thực sự dường như nằm trong tay các lãnh đạo tại Kandahar.

Xung đột giữa Pakistan và Afghanistan không chỉ đe dọa ổn định khu vực mà còn làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo tại biên giới hai nước. Việc đạt được giải pháp hòa bình đòi hỏi cả hai bên phải có thiện chí hợp tác, cùng với sự can thiệp tích cực từ các tổ chức quốc tế và các cường quốc khu vực. Nếu không có các bước đi thực sự, biên giới Pakistan-Afghanistan có nguy cơ trở thành một điểm nóng xung đột lớn hơn, gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho hai quốc gia mà còn cho toàn bộ khu vực Nam Á và Trung Đông.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/cang-thang-pakistan-afghanistan-nguy-co-bung-phat-xung-dot-toan-dien-228049.html
Zalo