Căng thẳng ở Nam Á: Ấn Độ phát lệnh diễn tập phòng thủ lớn, Islamabad cảnh báo nguy hiểm, tiếp tục thử tên lửa, LHQ đau lòng

Mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan căng thẳng lên tới đỉnh điểm sau vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam, Kashmir, khiến 26 người tử vong hôm 22/4.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy đối thoại, hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: DRM News)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy đối thoại, hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng giữa Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: DRM News)

Báo The Economic Times ngày 5/5 đưa tin, trước tình hình an ninh khu vực đang biến động, Bộ Nội vụ Ấn Độ (MHA) đã yêu cầu nhiều tiểu bang trên toàn quốc tiến hành diễn tập phòng thủ dân sự quy mô lớn vào ngày 7/5.

Cuộc diễn tập gồm nhiều biện pháp chủ động như: kiểm tra hệ thống còi báo động không kích, đào tạo người dân về kỹ năng ứng phó khẩn cấp, triển khai giao thức tắt đèn trong trường hợp bị tấn công, ngụy trang cơ sở hạ tầng trọng yếu và diễn tập các kế hoạch sơ tán.

Các cuộc diễn tập dân sự do MHA chỉ đạo được xem là bước chuẩn bị cần thiết để bảo vệ người dân và bảo đảm tính chủ động trong mọi kịch bản khẩn cấp. Một quan chức cấp cao cho biết: “Phòng thủ dân sự không còn là lý thuyết – đó là ưu tiên chiến lược sống còn trong thời điểm hiện nay”.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã đề nghị Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính phủ Italy cắt giảm nguồn tài trợ cho Pakistan, trong bối cảnh New Delhi tiếp tục gia hạn các động thái trừng phạt đối với Islamabad.

Theo các nguồn tin, Ấn Độ sẽ tiếp cận Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF) để đưa Pakistan vào danh sách xám. FATF là tổ chức liên chính phủ được thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) nhằm phát triển các chính sách chống rửa tiền và duy trì lợi ích nhất định.

Về phía Pakistan, cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif đã cảnh báo rằng, Ấn Độ có thể tiến hành tấn công quân sự bất cứ lúc nào dọc theo Ranh giới kiểm soát (LoC) ở Kashmir, đồng thời tuyên bố: "(Nếu điều này xảy ra) New Delhi sẽ bị đáp trả thích đáng”.

Theo Bộ trưởng Asif, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif đã yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vụ tấn công khủng bố ở Pahalgam mà nước này bị Ấn Độ cáo buộc có liên quan, song Islamabad bác bỏ.

Trong bối cảnh căng thẳng khu vực gia tăng từ sau vụ tấn công khủng bố, ngày 5/5, Pakistan tiếp tục tiến hành thành công một cuộc phóng thử tên lửa đất đối đất dòng “Fatah” với tầm bắn 120 km trong khuôn khổ cuộc tập trận quân sự mang tên “INDUS”, đánh dấu vụ thử thứ 2 chỉ trong 2 ngày.

Mục tiêu của hoạt động này là đánh giá khả năng sẵn sàng chiến đấu, cũng như kiểm nghiệm các thông số kỹ thuật chủ chốt như hệ thống dẫn đường hiện đại và độ chính xác cao của tên lửa.

Trước tình hình trên, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc khi chia sẻ: "Tôi rất đau lòng khi chứng kiến mối quan hệ Ấn Độ-Pakistan căng thẳng lên tới đỉnh điểm".

Ông cũng lưu ý: "Điều cần thiết là tránh đối đầu quân sự có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát. Bây giờ là lúc cần kiềm chế tối đa và tránh xa bờ vực". Theo ông, quân sự không phải là giải pháp cho tình trạng này.

Tái khẳng định cam kết của LHQ đối với hòa bình, Tổng thư ký Guterres bày tỏ thiện chí của mình với cả hai quốc gia, tuyên bố rằng LHQ sẵn sàng hỗ trợ bất kỳ sáng kiến nào thúc đẩy đối thoại, hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng.

Bảo Minh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-o-nam-a-an-do-phat-lenh-dien-tap-phong-thu-lon-islamabad-canh-bao-nguy-hiem-tiep-tuc-thu-ten-lua-lhq-dau-long-313363.html
Zalo