Căng thẳng mãn tính và mối nguy cho sức khỏe tim mạch

Căng thẳng mãn tính không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn là 'kẻ thù thầm lặng' đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, đặc biệt là hệ tim mạch, đột quỵ…

Trong cuộc sống hiện đại, căng thẳng là điều khó tránh khỏi. Những áp lực ngắn hạn có thể giúp chúng ta có thêm động lực để hoàn thành công việc, nhưng khi căng thẳng trở thành mãn tính, kéo dài nó sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe.

Nguy cơ phát sinh bệnh

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa căng thẳng mãn tính và sự gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch. Khi đối diện với căng thẳng, cơ thể sẽ giải phóng các hormone gây stress như adrenaline và cortisol.

Những hormone này làm tăng nhịp tim và huyết áp, tạo áp lực lên hệ thống mạch máu. Về lâu dài, sự tiếp xúc liên tục với nồng độ hormone cao có thể dẫn đến viêm nhiễm, tổn thương thành mạch máu, góp phần hình thành các tình trạng như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, cuối cùng là đau tim hoặc đột quỵ.

Thống kê cho thấy, những người thường xuyên trải qua mức độ căng thẳng tâm lý cao có nguy cơ bị đau tim cao hơn đáng kể so với người bình thường.

Bên cạnh tác động tiêu cực lên tim mạch, căng thẳng mãn tính còn là nguyên nhân hoặc yếu tố làm trầm trọng thêm nhiều vấn đề sức khỏe khác trên cơ thể.

Rối loạn tiêu hóa: Căng thẳng mãn tính gây thay đổi cảm giác thèm ăn, rối loạn chức năng đường ruột.

Ảnh hưởng sức khỏe tâm thần: Gia tăng nguy cơ lo âu, trầm cảm và các rối loạn tâm trạng khác.

Rối loạn giấc ngủ: Căng thẳng mãn tính gây khó ngủ, mất ngủ hoặc làm giảm chất lượng giấc ngủ nghiêm trọng.

Suy giảm hệ miễn dịch: Làm suy yếu khả năng phòng vệ của cơ thể, khiến bạn dễ mắc các bệnh nhiễm trùng hơn.

Mất cân bằng nội tiết tố: Căng thẳng mãn tính gây viêm nhiễm, rối loạn chuyển hóa và có thể dẫn đến tăng cân không kiểm soát.

Biện pháp hiệu quả để quản lý căng thẳng

Quản lý căng thẳng là yếu tố then chốt để bảo vệ sức khỏe lâu dài, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Dưới đây là một số biện pháp bạn có thể áp dụng:

Thực hành chánh niệm và thiền định: Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như thiền, hít thở sâu giúp làm dịu tâm trí và giảm mức độ căng thẳng.

Vận động thể chất đều đặn: Tập thể dục thường xuyên (ít nhất 30 phút/ngày, hầu hết các ngày trong tuần) giúp giải phóng năng lượng tiêu cực, cải thiện tâm trạng và tăng cường sức khỏe tổng thể.

Xây dựng thói quen sống khoa học: Thiết lập lịch trình làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, đi ngủ đúng giờ giúp cơ thể và tinh thần ổn định, giảm áp lực.

Hạn chế chất kích thích: Giảm tiêu thụ caffeine và rượu, vốn có thể làm tăng mức độ lo âu và gây rối loạn giấc ngủ.

Đặt mục tiêu khả thi: Chia nhỏ công việc thành các bước nhỏ, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng để tránh cảm giác quá tải và áp lực.

Dành thời gian cho sở thích: Tham gia các hoạt động yêu thích giúp thư giãn tinh thần, tái tạo năng lượng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Việc chủ động áp dụng các biện pháp trên là cách hiệu quả để kiểm soát căng thẳng và bảo vệ sức khỏe lâu dài.

PHƯƠNG LÊ

Theo NDVT

Nguồn PLO: https://plo.vn/cang-thang-man-tinh-va-moi-nguy-cho-suc-khoe-tim-mach-post849436.html
Zalo