Căng thẳng chống buôn lậu động vật, thực phẩm vùng biên

Cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, tình trạng buôn lậu thực phẩm tại các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… càng nóng hơn. Từ thực phẩm tươi sống như thịt heo, gia cầm đến thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, chả mực… đang tìm mọi cách nhập lậu qua biên giới rồi tuồn sâu vào thị trường nội địa.

Nhộn nhịp chợ heo, bò ban đêm

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thời điểm cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt và thực phẩm có xu hướng tăng cao nên hoạt động nhập lậu heo và gia cầm có xu hướng “nóng” lên. Đại diện Cục Chăn nuôi thông tin, khu vực “nóng” nhất vẫn là các tỉnh ở biên giới Tây Nam, trong đó Long An là một ví dụ.

Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng đêm tối, các đoạn sông hẹp rồi thuê mướn cư dân biên giới, chia nhỏ gia súc lậu thành từng tốp 5-7 con để vận chuyển qua biên giới, sau đó sử dụng xe ô tô đưa vào nội địa tiêu thụ. Quá trình vận chuyển, các đối tượng bố trí người cảnh giới chặt chẽ, nhằm tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ.

Đặc biệt, bên phía Campuchia đoạn cách biên giới thuộc xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng gần 3km có một điểm thu gom trâu bò, bắt đầu hoạt động từ 6 giờ chiều đến 5 giờ sáng. Đây là nơi người dân nước bạn trao đổi, mua bán trâu, bò, heo, có ngày lên đến cả trăm con. Hầu hết các vụ nhập lậu trâu, bò, heo bị bắt giữ ở các huyện biên giới của tỉnh Long An có nguồn gốc từ “chợ gia súc” này.

 Lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Ninh phát hiện chân gà đông lạnh nhập lậu

Lực lượng chức năng ở tỉnh Quảng Ninh phát hiện chân gà đông lạnh nhập lậu

Đại diện Sở NN-PTNT tỉnh Long An cho biết, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng liên quan ngăn chặn nhập lậu heo, bò, gà… Tuy nhiên, khi động vật đã đưa qua biên giới thì công tác phát hiện, bắt giữ lô động vật nhập lậu rất khó khăn do bị trà trộn, hợp thức hóa thành trâu, bò địa phương.

Trong khi đó những tháng cuối năm, lực lượng chức năng tại các tỉnh phía Bắc liên tục bắt giữ các vụ tuồn thực phẩm qua biên giới. Tình hình nhập lậu khá nóng bỏng tại tỉnh Lạng Sơn.

Mới nhất, ngày 19-12, Đội Quản lý thị trường số 6 phối hợp các lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ 3 tấn móng giò heo đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, vận chuyển trên xe tải biển kiểm soát 29K-094.32 do ông L.V.N. điều khiển. Toàn bộ số hàng được đựng trong các bao tải không nhãn mác, không giấy tờ kiểm dịch, không có hóa đơn, chứng từ.

Trước đó, ngày 3-12, tại huyện Tràng Định, lực lượng chức năng đã bắt giữ 5.200 con gia cầm giống nhập lậu, do tài xế B.V.N. vận chuyển thuê cho bà Đinh Thị Hiền. Tiếp đó, ngày 11-12 Đội Quản lý thị trường số 2 đã tiêu hủy hơn 1.134kg xúc xích nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng Phòng Phòng chống tội phạm và ma túy thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn lo ngại các sản phẩm như thịt heo, gia cầm nhập lậu thường không được kiểm dịch, chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Các mặt hàng như chân gà, nội tạng gia súc, thực phẩm chế biến sẵn đang trở thành mục tiêu nhập lậu chủ yếu của các đối tượng.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh, để chuẩn bị cho đợt cao điểm ngăn chặn hàng lậu trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đội kiểm soát Hải quan số 1 (Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh) đã thiết lập hàng loạt chốt kiểm tra liên ngành, phát hiện hàng tấn trứng non đông lạnh, nầm heo đông lạnh nhập lậu.

Đại diện Đội Quản lý thị trường số 8 (Quảng Ninh) cho biết, các đối tượng chuyển sang thủ đoạn tinh vi là giết mổ sẵn gà lậu từ bên kia biên giới rồi đóng trong các thùng, hộp đông lạnh để gửi theo xe container rỗng, trà trộn trong các xe hàng đã được làm thủ tục thông quan, để chở về xuôi.

Hợp lực ngăn chặn thực phẩm lậu

Trước tình hình buôn lậu thực phẩm nóng lên từng ngày trong dịp cuối năm, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang, Quảng Ninh… đang triển khai hàng loạt biện pháp, hợp lực ngăn chặn. Lực lượng bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra khép kín tuyến biên giới, chốt chặn tại các đường mòn, lối mở nhằm phát hiện, triệt phá các kho cất trữ thực phẩm nhập lậu.

Từ tháng 8 đến nay, riêng tại tỉnh Lạng Sơn đã có 13 vụ buôn lậu bị triệt phá, hàng chục tấn sản phẩm gia súc, gia cầm lậu được ngăn chặn; Lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 391 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm nhập lậu, tổng số tiền phạt hơn 1,46 tỷ đồng.

Đầu tháng 12 này, Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã công bố danh sách 60 tổ chức, cá nhân bị xử phạt liên quan đến an toàn thực phẩm, chủ yếu liên quan đến kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ và vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

Tuy đã có những kết quả tích cực, nhưng theo Đại tá Nông Quang Tám, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, việc phát hiện và xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Các đối tượng buôn lậu ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn, từ ngụy trang hàng hóa đến sử dụng hóa đơn khống để hợp pháp hóa hàng nhập lậu.

Về giải pháp, ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đề nghị kiểm soát thực phẩm nhập lậu không chỉ dừng ở biên giới mà phải tiếp tục với khâu lưu thông nội địa.

Còn ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết đã chỉ đạo các địa phương có đường biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp cơ quan thú y kiểm tra, giám sát chặt chẽ các điểm thu gom, giết mổ heo tiếp giáp biên giới, truy xuất nguồn gốc đối với các trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm…

Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh đã chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là lực lượng công an, lực lượng hải quan, ngành nông nghiệp tích cực tuần tra, kiểm soát chặt ở các đường mòn, lối mở qua biên giới, kiên quyết không để heo từ Campuchia vào trong nội biên.

Khoanh vùng xử lý dịch tả heo Châu Phi

Ngoài hướng dẫn chủ trang trại, cơ sở nuôi gia súc, gia cầm thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh, UBND tỉnh Tiền Giang cũng chỉ đạo các địa phương trực thuộc tập trung xử lý nhanh, dứt điểm các ổ dịch, không để lan rộng.

Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, thông tin, ngay sau khi phát hiện trên địa bàn có dịch tả heo châu Phi, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng chống.

Đến nay, 8 huyện có dịch đã được khoanh vùng, xử lý triệt để, tiêu hủy là 961 con heo, khối lượng hơn 34,6 tấn. Tỉnh Đồng Nai, Sở NN- PTNT đã yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.

PHÚC HẬU - NGỌC PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cang-thang-chong-buon-lau-dong-vat-thuc-pham-vung-bien-post774853.html
Zalo