Cần ưu đãi vượt trội cho công nghiệp bán dẫn

Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số dành một chương riêng quy định về công nghiệp bán dẫn. Các đại biểu Quốc hội đề nghị, cần có những chính sách ưu đãi vượt trội, đột phá, khả thi để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp quan trọng này.

Luật Công nghiệp công nghệ số cần có những quy định ưu đãi vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh: chinhphu.vn

Luật Công nghiệp công nghệ số cần có những quy định ưu đãi vượt trội, khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp bán dẫn. Ảnh: chinhphu.vn

“Mạch máu” của nền kinh tế hiện đại

Tháng 9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, coi chip bán dẫn là công nghệ cốt lõi. Cụ thể hóa chiến lược này, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này, nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào Luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này.

Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn và con chip điện tử được xem như là như “mạch máu” của nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

“Tháng 10/2023, Tập đoàn Amkor đã khánh thành nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới tại Bắc Ninh với tổng số vốn đầu tư là 1,6 tỷ đôla, nâng tổng số vốn đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam lên đến 6,16 tỷ đôla vào cuối năm 2024. Điều này vừa giúp nước ta phục hồi nền kinh tế sau đại dịch và vừa nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu từ khâu đóng gói, kiểm thử đến thiết kế và chế tạo chip bán dẫn” - đại biểu dẫn chứng.

Để hoàn thành mục tiêu của ba giai đoạn chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có các chính sách làm đòn bẩy, đảm bảo đủ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và hệ sinh thái công nghiệp hoàn chỉnh với cơ sở hạ tầng công nghệ và dịch vụ phụ trợ đồng bộ, đảm bảo cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam phát triển.

Theo kinh nghiệm quốc tế, các quốc gia có nền công nghiệp bán dẫn phát triển đã chi các khoản đầu tư khổng lồ để hỗ trợ ngành công nghiệp này. Ví dụ như Mỹ đã từng chi 53 tỷ đôla, Trung Quốc là 47,5 tỷ đôla, Hàn Quốc là 19 tỷ đôla, Tây Ban Nha 13 tỷ đôla và Nhật Bản là 10 tỷ đôla

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Vân

Đại biểu Tráng A Tủa (Đoàn Điện Biên) thì đề nghị cần cụ thể hóa mục tiêu phát triển sản phẩm bán dẫn chuyên dụng, ví dụ như ưu tiên chip AI, IOT hoặc chip ứng dụng trong quốc phòng, y tế. “Nên bổ sung nội dung khuyến khích phát triển các nhà cung cấp nội địa trong chuỗi giá trị bán dẫn để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu” - đại biểu đề xuất.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 41 vừa qua đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh cho công nghiệp bán dẫn.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội - cơ quan thẩm tra) nêu rõ, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã xác định, thiết kế và sản xuất chip bán dẫn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, tự lực, tự cường. Gần đây nhất, Nghị quyết số 57-NQ/TW khẳng định, bán dẫn là một trong những công nghệ chiến lược và đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phải từng bước làm chủ công nghệ này.

“Để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nhấn mạnh và cho biết, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong Dự thảo đã được chỉnh lý.

Cụ thể, điểm c, khoản 3, Điều 44 quy định, chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, điểm e, khoản 3, Điều 44 quy định, Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách. Khoản 5, Điều 59 quy định, bổ sung điểm c, khoản 2, Điều 20, Luật Đầu tư về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghệ số trọng điểm, dự án nghiên cứu và phát triển, thiết kế, sản xuất, đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn.

Cần hoàn thiện thêm để bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tán thành sự cần thiết có các chính sách ưu đãi vượt trội cho phát triển công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, ông Tùng cho rằng, để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phải có điều khoản để sửa các quy định có liên quan của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Ngân sách nhà nước và Luật Khoa học công nghệ cùng các luật khác có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại Phiên họp thứ 41. Ảnh: VPQH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại Phiên họp thứ 41. Ảnh: VPQH

“Quy định chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu - phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp là cần thiết, nhưng khác quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp” - ông Tùng dẫn chứng.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh chỉ rõ, chiến lược cải cách thuế đến năm 2030 của Chính phủ quy định rất rõ là các chính sách thuế chỉ được quy định trong các văn bản pháp luật về thuế và được hoàn thiện sửa đổi, bổ sung đảm bảo nhất quán. Như vậy, thiết kế quy định như Điều 44 tại Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số về ưu đãi thuế là không phù hợp.

Ông Mạnh đề nghị, các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp dành thời gian làm việc với ngành tài chính để Chính phủ có quan điểm thống nhất khi tại Kỳ họp thứ 9 tới đây của Quốc hội, Luật Công nghiệp công nghệ số sẽ được thông qua cùng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự thảo đã có chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp trong nước liên doanh với các nhà đầu tư nước ngoài, có chính sách hợp tác, nghiên cứu và phát triển thiết kế sản xuất, thương mại hóa các sản phẩm bán dẫn. Đây là hai lĩnh vực rất cần thiết, cần ủng hộ.

Phải xác định trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, bán dẫn là công nghệ chiến lược và mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 từng bước phải làm chủ - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo có thể bổ sung thêm tại sao chúng ta không khuyến khích cả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với lĩnh vực này. “Nếu thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ về liên doanh, liên kết, không chỉ nghiên cứu và phát triển, mà có thể đầu tư các sản phẩm công nghiệp bán dẫn của chúng ta thì cũng có lợi để phục vụ sự phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới” - ông Thanh nêu quan điểm.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gợi mở, mục tiêu nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV đang đưa về cơ sở thảo luận là, giai đoạn 2026-2031 phải tăng trưởng 2 con số để đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 là nước thu nhập cao. Vì vậy, Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra phải chuẩn bị các phương án để điều chỉnh những vấn đề mới mang tính thời sự như Internet vạn vật, công nghệ chuỗi khối, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn.

Đ. KHOA

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/can-uu-dai-vuot-troi-cho-cong-nghiep-ban-dan-37714.html
Zalo