Cẩn trọng với vi khuẩn 'ăn thịt người' trong mùa mưa lũ
Thời điểm sau mưa bão và ngập lụt kéo dài, nguồn nước ô nhiễm, bùn, đất làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng, trong đó có căn bệnh nguy hiểm do vi khuẩn Whitmore gây nên.
Nguy cơ sau mưa lũ
Thời gian vừa qua, một số bệnh viện trong cả nước đã ghi nhận nhiều ca mắc bệnh Whitmore. Đặc biệt là tại các địa phương xảy ra lũ, lụt sau cơn bão Yagi.
Tại tỉnh Lào Cai, ngày 26/9 vừa qua đã ghi nhận 1 trường hợp người dân ở xã Cam Cọn, Bảo Yên mắc bệnh Whitmore. Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Lào Cai, trước đó bệnh nhân dọn bùn đất sau lũ, không sử dụng đồ bảo hộ, có tổn thương xây xát ngoài da.
Sau một ngày bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, ho ít, sau đó sốt, ho tăng dần, đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân, mụn mủ rải rác 2 chân, lưng. Ngày 23/9, bệnh nhân vào viện Đa khoa tỉnh Lào Cai khám bệnh, sau đó được chuyển vào khoa Truyền nhiễm điều trị.
Bệnh nhân được làm các xét nghiệm máu, cận lâm sàng, lấy mẫu vi khuẩn nuôi cấy và định danh bằng hệ thống tự động. Kết quả cận lâm sàng: có các đám tổn thương rải rác ở 2 phổi, tràn dịch màng phổi phải, xét nghiệm phát hiện vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (vi khuẩn ăn thịt người, gây bệnh Whitmore).
Còn tại Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy cũng đã tiếp nhận điều trị cho 4 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore.
Trong đó, bệnh nhân L.V.H. (52 tuổi, sinh sống tại xã Thống Nhất, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử khỏe mạnh, nhập viện trong tình trạng sốt rét run, mệt mỏi.
Kết quả xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn cao do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (whitmore). Các bác sĩ đã tiến hành điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch theo phác đồ. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân ổn định, chỉ số nhiễm trùng cải thiện.
Các bác sĩ của bệnh viện khuyến cáo, sau thời gian mưa lũ, vô số vi sinh vật, rác bẩn, chất thải… theo dòng nước, bùn, đất làm gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng.
Vì vậy, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh; vệ sinh sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…
Đặc biệt khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng… cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời..
Chủ động các biện pháp phòng tránh
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.
Hầu hết các ca nhiễm vi khuẩn Whitmore xuất phát từ các nguyên nhân phổ biến bao gồm: Người bệnh từng hít phải bụi bẩn hoặc nước mưa có chứa vi khuẩn Whitmore;
Vết trầy xước trên da khi tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm, chứa hóa chất, chất thải, nhiều nhất là ở vùng ao hồ, đầm lầy, đồng ruộng...
Đường xâm nhập vào cơ thể người của vi khuẩn thường gặp nhất là qua da bị trầy xước. Những người thường xuyên tiếp xúc với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, nhưng không sử dụng bảo hộ lao động phù hợp là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này.
Ngoài ra, người mắc bệnh còn do hít phải những hạt bụi có chứa vi khuẩn hay dùng nước uống, ăn những thực phẩm có chứa vi khuẩn chưa được xử lý đúng cách.
Triệu chứng của bệnh thường liên quan đến sốt, có thể kèm viêm mô bào, loét vùng tổn thương, tuy nhiên các triệu chứng khác khá đa dạng và khó chẩn đoán ban đầu. Thường dựa vào nuôi cấy (cấy máu, cấy dịch) để chẩn đoán xác định.
Do đó, để phòng tránh, BS. Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) khuyến cáo, người dân nên hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông gần nơi bị ô nhiễm.
Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng... cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.