8 món ăn bài thuốc giúp cơ thể thích nghi với giá lạnh
Các món ăn bài thuốc dưỡng vị trong mùa đông không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp điều hòa tỳ vị, bảo vệ cơ thể khỏi các tác động của thời tiết khắc nghiệt mùa đông.
Dưỡng vị, kiện tỳ trong mùa đông là một phương pháp quan trọng trong Y học cổ truyền (YHCT) nhằm duy trì sức khỏe tổng thể và giúp cơ thể thích nghi tốt hơn với khí hậu lạnh.
NỘI DUNG:
1. Vì sao cần dưỡng tỳ vị vào mùa đông?
2. Các món ăn bài thuốc dưỡng vị vào mùa đông
2. 1. Cháo hạt sen đậu đỏ
2. 2. Canh gà hầm bạch truật, củ mài
2. 3. Não lợn hấp thiên ma và táo đỏ
2. 4. Canh bò hầm đậu đen, hoài sơn
2. 6. Canh cá chép đậu đỏ
2. 7. Canh củ cải trắng nấu sườn heo
2. 8. Cháo lươn nấu bạch truật và hoàng kỳ
3. Lưu ý khi sử dụng món ăn dưỡng vị mùa đông
Các món ăn bài thuốc dưỡng vị không chỉ cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp điều hòa tỳ vị, bảo vệ cơ thể khỏi các tác động của thời tiết khắc nghiệt mùa đông.
1. Vì sao cần dưỡng tỳ vị vào mùa đông?
Theo Y học cổ truyền, tỳ vị là cơ quan tạng phủ chủ về quá trình vận hóa - hấp thụ và phân bố dinh dưỡng, giúp chuyển hóa thức ăn thành khí, huyết để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể.
Nếu tỳ vị hoạt động tốt, cơ thể sẽ được cung cấp đầy đủ dưỡng chất và năng lượng. Tuy nhiên vào mùa đông là thời kỳ "âm khí cực thịnh", cũng là giai đoạn dễ dẫn tới tình trạng âm thịnh, dương suy. Không khí lạnh dễ tác động vào tỳ vị, gây ra tình trạng tỳ khí hư, tỳ dương hư, biểu hiện triệu chứng như:
- Cảm giác lạnh bụng
- Tiêu hóa kém, ăn uống khó tiêu
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau dạ dày...
- Cảm giác uể oải, mệt mỏi.
- Hệ miễn dịch suy yếu, cơ thể suy nhược, dễ mắc cảm lạnh và các bệnh về hô hấp.
Chính vì vậy, dưỡng tỳ vị vào mùa đông là điều cần thiết giúp củng cố dương khí, tăng cường sức đề kháng và đảm bảo hoạt động của hệ tiêu hóa khỏe mạnh.
2. Các món ăn bài thuốc dưỡng vị vào mùa đông
Việc sử dụng các món ăn bài thuốc vào mùa đông để dưỡng tỳ vị là phương pháp hiệu quả để làm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Những món ăn này kết hợp các dược liệu có tác dụng kiện tỳ, ôn trung, bổ khí, vừa cung cấp dinh dưỡng, vừa giúp tăng cường chức năng tỳ vị.
Dưới đây là một số món ăn mà bạn có thể tham khảo:
2. 1. Cháo hạt sen đậu đỏ
Hạt sen có tác dụng bổ tỳ, an thần. Đậu đỏ giúp lợi tiểu, bổ khí huyết. Món cháo hạt sen đậu đỏ có tác dụng làm ấm tỳ vị, cải thiện tình trạng suy nhược và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể trong mùa đông.
Nguyên liệu: Hạt sen 20g, đậu đỏ 20g, gạo nếp 50g.
Cách chế biến: Rửa sạch hạt sen và đậu đỏ, đem ngâm trong vòng 1 - 2 giờ. Cho vào nồi cùng gạo nếp, thêm nước vừa đủ, đun nhỏ lửa cho đến khi các nguyên liệu nhừ. Ăn khi còn nóng ấm, có thể nêm chút đường phèn nếu thích.
2. 2. Canh gà hầm bạch truật, củ mài
Theo YHCT, bạch truật là dược liệu có tác dụng kiện tỳ, ích khí. Củ mài (sơn dược) bổ tỳ, dưỡng phế. Món canh này rất tốt cho người có tỳ vị yếu, khó tiêu, giúp làm ấm bụng và giảm triệu chứng tiêu chảy.
Nguyên liệu: Bạch truật 10g, sơn dược (củ mài) 30g, thịt gà 200g.
Cách chế biến: Thịt gà rửa sạch, cắt miếng, hầm cùng bạch truật và sơn dược trong 1-2 giờ, nêm gia vị vừa ăn.
2. 3. Não lợn hấp thiên ma và táo đỏ
Thiên ma có tác dụng an thần, trấn kinh, giúp giảm đau đầu, chóng mặt do tỳ vị suy nhược. Hồng táo tính ôn, vị ngọt, có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ, giúp bổ khí huyết và hỗ trợ tiêu hóa. Món não lợn hấp thiên ma và táo đỏ là món ăn dinh dưỡng tốt cho tỳ vị và sức khỏe tổng thể trong mùa đông.
Nguyên liệu: Não lợn 1 - 2 bộ, thiên ma 10g, hồng táo 4 - 5 quả.
Cách chế biến: Thiên ma và hồng táo rửa sạch, thái lát nhỏ. Não lợn làm sạch, bỏ màng. Tất cả cho vào bát, thêm nước và hấp cách thủy đến chín. Ăn khi còn ấm nóng.
Lưu ý: Những người mỡ máu cao cần hạn chế dùng món ăn này.
2. 4. Canh bò hầm đậu đen, hoài sơn
Theo YHCT, đậu đen tính bình, vị ngọt, có tác dụng bổ thận, kiện tỳ, giúp tăng cường sinh lực, bổ huyết. Hoài sơn kiện tỳ vị, tăng cường tiêu hóa, đặc biệt tốt cho người tỳ hư. Thịt bò giúp bổ khí huyết, tăng cường sinh lực và giữ ấm cơ thể.
Nguyên liệu: Thịt bò 200g, đậu đen 30g, hoài sơn 20g.
Cách chế biến: Thịt bò thái miếng, nấu cùng đậu đen và hoài sơn đến khi chín mềm, dùng cả nước và cái khi nóng.
2. 5. Cháo gạo lứt và ý dĩ
Ý dĩ hay hạt bo bo là vị thảo dược có tác dụng kiện tỳ, lợi tiểu, giúp thanh lọc cơ thể. Kết hợp cùng gạo lứt chứa nhiều chất xơ và vitamin. Món cháo này làm ấm dạ dày, hỗ trợ tiêu hóa, đặc biệt phù hợp trong những ngày lạnh.
Nguyên liệu: Gạo lứt 50g, ý dĩ 30g, gừng tươi 5g.
Cách chế biến: Gạo lứt và ý dĩ rửa sạch, đem bỏ vào nồi nấu chung. Nấu cháo cho chín nhừ, thêm một vài lát gừng để tăng vị ấm nóng, nêm muối vừa đủ.
2. 6. Canh cá chép đậu đỏ
Cá chép bổ tỳ vị, giảm phù thũng; đậu đỏ lợi tiểu, hỗ trợ tiêu hóa. Món canh cá chép đậu đỏ sẽ giúp tỳ vị khỏe mạnh hơn, ngăn ngừa chứng đầy hơi, khó tiêu trong mùa lạnh.
Nguyên liệu: Cá chép 1 con (khoảng 500g), đậu đỏ 30g, gừng 10g. Cách chế biến:Cá chép làm sạch, cho vào nồi cùng đậu đỏ, gừng thái lát, nấu chín mềm, nêm gia vị và ăn nóng.
2. 7. Canh củ cải trắng nấu sườn heo
Củ cải trắng có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm, giúp thông khí, tăng cường tiêu hóa. Sườn heo là nguyên liệu bổ dưỡng, tăng cường khí huyết và cung cấp protein cho cơ thể. Món canh củ cải trắng hầm sườn heo giúp tăng cường sức khỏe tổng thể trong mùa đông, làm ấm cơ thể (gừng) và kiện tỳ vị.
Nguyên liệu: Sườn heo 200g, củ cải trắng 100g, gừng tươi vài lát.
Cách chế biến: Sườn heo cho vào ninh cùng củ cải và gừng cho đến khi mềm. Ăn ngay khi còn nóng ấm.
2. 8. Cháo lươn nấu bạch truật và hoàng kỳ
Theo YHCT, lươn có tính bình, vị ngọt, tác dụng bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe. Bạch truật kiện tỳ, cải thiện chức năng tiêu hóa, kết hợp cùng hoàng kỳ bổ khí, nâng cao miễn dịch và kiện tỳ. Đây là món ăn tuyệt vời cho mùa đông lạnh giá.
Nguyên liệu: Lươn 150g, bạch truật 10g, hoàng kỳ 10g, gạo nếp 50g.
Cách chế biến: Lươn làm sạch, lọc bỏ xương. Cho vào nấu cùng gạo nếp và dược liệu cho đến khi chín nhừ.
3. Lưu ý khi sử dụng món ăn dưỡng vị mùa đông
Tùy theo thể trạng và tình trạng tỳ vị mà lựa chọn các món ăn thích hợp, tránh các món có tính hàn cho người tỳ vị yếu. Trong mùa đông, nên ăn các món khi còn ấm để tăng cường tác dụng làm ấm tỳ vị, giúp tiêu hóa tốt hơn. Nên sử dụng 2 - 3 lần mỗi tuần để đạt hiệu quả tốt nhất, không nên lạm dụng.
Kết hợp chế độ sinh hoạt hợp lý trong mùa đông, giữ ấm cơ thể, duy trì vận động nhẹ nhàng để tăng cường khí huyết, hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa.
Các món ăn bài thuốc trên không chỉ giúp dưỡng tỳ vị mà còn cung cấp năng lượng, hỗ trợ tiêu hóa trong mùa đông. Việc duy trì tỳ vị khỏe mạnh, kết hợp lối sống cân bằng sẽ giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống lại các bệnh tật do khí lạnh gây ra.