Cẩn trọng khi mua nhà ở xã hội

Trước thực tế giải quyết nhu cầu nhà cho các đối tượng trong diện được mua, sử dụng nhà ở xã hội, thành phố Đà Nẵng đã từng bước tháo gỡ khó khăn về nguồn đất sạch, để triển khai hàng loạt các dự án nhà ở xã hội trên toàn thành phố.

Một khu nhà ở xã hội tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Một khu nhà ở xã hội tại quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Chỉ tính riêng năm 2025, Đà Nẵng sẽ hoàn thành bốn dự án nhà ở xã hội với hơn 1.807 căn hộ, đồng thời khởi công ba dự án mới, bổ sung thêm hơn 3.519 căn hộ. Thành phố đang xem xét, phê duyệt bảy dự án mới với 4.629 căn, đưa tổng số lên 14 dự án với gần 10.000 căn hộ, đáp ứng chỉ tiêu Chính phủ giao giai đoạn 2025-2030. Đồng thời, thành phố từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ban hành các văn bản quy định chặt chẽ về các điều kiện để người dân tiếp cận, đối chiếu nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội.

Tuy nhiên thời gian qua, ngành chức năng thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều thông tin về việc xuất hiện các đối tượng giả danh chủ đầu tư, môi giới bất động sản tung ra nhiều chiêu thức về việc mua nhà ở xã hội bằng các hứa hẹn như: “suất ngoại giao”, “bao trọn gói”, “suất nội bộ”, “chạy suất”,… nhằm đánh vào tâm lý của người dân khi muốn nhanh chóng tiếp cận và sở hữu được nhà ở xã hội.

Trước thực trạng này, ngành chức năng thành phố liên tục ban hành các văn bản khuyến cáo người dân cảnh giác trước các chiêu trò môi giới mua nhà ở xã hội, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng môi giới tung các chiêu trò “phù phép” lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để người dân tiếp cận đúng, trúng địa chỉ và nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội hợp pháp, Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng vừa ban hành văn bản chấn chỉnh công tác liên quan việc đăng ký thuê hoặc mua nhà ở xã hội trên địa bàn Đà Nẵng.

Theo đó, đề nghị ủy ban nhân dân các quận, huyện tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn theo quy định pháp luật về nhà ở; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi, vi phạm hành chính trong hoạt động giao dịch nhà ở, kinh doanh dịch vụ bất động sản và quản lý, sử dụng nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ; yêu cầu chủ đầu tư các dự án nhà xã hội tăng cường trách nhiệm trong công tác hướng dẫn, tiếp nhận, xét duyệt hồ sơ đăng ký thuê hoặc mua nhà theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành…

Tại Đà Nẵng, mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, ngành chức năng và chủ đầu tư đều đăng công khai về số lượng căn hộ bán từ 100-200 căn và hồ sơ nộp tại chủ đầu tư, không qua trung gian. Giá nhà ở xã hội không được vượt quá mức Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng dựng thẩm định và số tiền thanh toán phải theo hợp đồng, tiến độ, lần đầu không quá 30%, tổng trước bàn giao không quá 70% và trước khi cấp sổ hồng không quá 95%. Hồ sơ đăng ký phải kê khai trung thực và thành phố tổ chức hội đồng xét duyệt công khai bằng hình thức bốc thăm nếu vượt quá số lượng.

Thực tế, nhu cầu mua nhà ở xã hội khá lớn, đặc biệt các địa bàn, khu vực có nhiều công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Tâm lý sở hữu được một căn hộ nhà ở xã hội của người dân là nhu cầu chính đáng, cũng là một chính sách nhân văn giúp người dân có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa-văn minh đô thị.

Vì thế, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân thuộc diện được mua nhà ở xã hội cần tỉnh táo, và tìm hiểu kỹ thông tin trước khi muốn mua nhà. Người dân cần tìm hiểu, làm việc trực tiếp với chủ đầu tư, tránh giao dịch qua trung gian không rõ ràng, chỉ ký hợp đồng mua nhà ở xã hội có công chứng hợp pháp. Đặc biệt cảnh giác trước các chiêu trò, giả mạo giấy tờ, nâng khống giá tiền mua nhà ở xã hội… để lừa đảo, kiếm lời bất hợp pháp. Đặc biệt không được tin theo các môi giới bất động sản mà chuyển tiền “nhận cọc” khi chưa nhận được hợp đồng chính thức, tránh mất tiền oan.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/can-trong-khi-mua-nha-o-xa-hoi-post871026.html
Zalo