Cẩn trọng khi cho xây công trình trên đất nông nghiệp

Cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp là việc làm cần thiết. Song, chính quyền cần quản chặt, không để lợi dụng chính sách xây dựng, chuyển đổi mục đích đất trái quy định.

Quy định không làm khó người sản xuất

Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp (theo quy định tại khoản 3 Điều 178, Luật Đất đai 2024). Các loại công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp gồm: Công trình phục vụ chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động; nhà ươm, trồng cây nông nghiệp...

Cho phép xây dựng công trình trên đất phục vụ nông nghiệp kỳ vọng thúc đẩy gia tăng giá trị kinh tế (Ảnh internet).

Cho phép xây dựng công trình trên đất phục vụ nông nghiệp kỳ vọng thúc đẩy gia tăng giá trị kinh tế (Ảnh internet).

Dự thảo này thu hút nhiều quan tâm của cá nhân, hộ gia đình sản xuất đất nông nghiệp. Họ cho rằng, việc này sẽ gỡ vướng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất, giá trị kinh tế nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Phương (Đan Phượng) cho biết, chị đang canh tác hơn 6.000m² rau an toàn. Nhiều năm nay, chị mong mỏi có thể xây dựng một kho bảo quản lạnh nhỏ, một nhà sơ chế có mái che, chòi trực bảo vệ mùa vụ trên phần đất nông nghiệp của gia đình mình nhưng việc này rất khó khăn. Lý do là những công trình trên không đúng với mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Nếu chị cố xây dựng sẽ bị xử lý vì vi phạm quy định đất đai.

"Nay nghe tin thành phố Hà Nội xem xét cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp, chúng tôi mừng lắm. Đây là một chính sách rất đáng hoan nghênh, đúng với nhu cầu thực tế của những người đang sống bằng nghề nông", chị Phương vui vẻ chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) cũng cho biết, gia đình và nhiều gia đình sản xuất nông nghiệp khác rất cần xây dựng các công trình phục vụ cho nông nghiệp như: Nhà màng để trồng rau trái vụ, nhà sơ chế, rửa, đóng gói để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, kho lạnh bảo quản nông sản, chòi canh nhỏ để trực mùa, chống trộm cắp... Tất cả những thứ đó, nếu không có thì sản xuất nông nghiệp khó hiệu quả, chưa nói đến áp dụng công nghệ cao hay theo tiêu chuẩn VietGAP.

Anh Hùng kỳ vọng, dự thảo này này của Hà Nội sớm được ban hành chính thức, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Anh Hùng cũng kiến nghị, việc áp dụng quy định này cần dễ dàng, người dân dễ tiếp cận, thủ tục không quá rườm rà.

"Chúng tôi chỉ là nông dân, đâu biết làm hồ sơ dày cả xấp. Nếu có thể đăng ký theo mẫu đơn giản tại xã, có kiểm tra thực tế là được xây, thì quá tốt. Chúng tôi mong thành phố không chỉ ra quyết định rồi thôi, mà cần có hướng dẫn cụ thể, thậm chí có thể làm mẫu công trình nông nghiệp nhỏ phù hợp để bà con làm theo. Nếu được hỗ trợ thêm về kỹ thuật, vốn vay nhỏ, thì chắc chắn người dân sẽ hưởng ứng và làm đúng", ông Hùng bày tỏ.

Quy định không để lợi dụng chính sách

Bên cạnh những lợi ích mà người sản xuất nông nghiệp mong mỏi, quy định này của Hà Nội cũng khiến không ít ý kiến lo ngại tình trạng lợi dụng chính sách xây dựng nhà, công trình kiên cố trái phép, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà trên thực tế vẫn diễn ra.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) đồng tình với việc quản lý chặt, có điều kiện cụ thể, như: Chỉ được xây công trình phục vụ sản xuất, không xây nhà ở; phải có phương án sản xuất rõ ràng; khai báo với xã, có kiểm tra, giám sát sau đó; nếu không dùng nữa thì phải tháo dỡ, trả lại đất sản xuất.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa, Chuyên gia Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp đang chuyển dần sang quy mô tập trung, ứng dụng công nghệ cao, chủ trương của Hà Nội cho phép xây dựng công trình phục vụ sản xuất trên đất nông nghiệp là một tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực tiễn một cách hiệu quả và tránh bị lợi dụng, rất cần hoàn thiện thêm các quy định hướng dẫn, đảm bảo minh bạch và đồng bộ với pháp luật hiện hành.

Theo ông Tùng, cần làm rõ, phổ biến và tuyên truyền cho người dân hiểu rõ phạm vi áp dụng của quy định này, chỉ cho phép xây dựng các công trình phục vụ trực tiếp cho hoạt động nông nghiệp, như kho bảo quản, chuồng trại, nhà sơ chế, hệ thống tưới tiêu, nhà màng, nhà kính…

Điều kiện xây dựng là người sử dụng đất phải có quyền sử dụng hợp pháp, công trình phải phù hợp quy hoạch, có phương án sản xuất rõ ràng và không ảnh hưởng đến hạ tầng chung. Thủ tục minh bạch, đơn giản, có thể áp dụng cơ chế đăng ký tại cấp xã/phường, kết hợp hậu kiểm, tránh gây phiền hà cho nông dân.

Cơ chế kiểm tra, xử lý vi phạm phải có trách nhiệm rõ ràng cho chính quyền địa phương trong việc kiểm soát hiện trạng và xử lý nghiêm hành vi lạm dụng chính sách. Thành phố nên phối hợp các sở, ngành ban hành các thiết kế mẫu công trình nông nghiệp phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân triển khai đúng kỹ thuật, đúng mục đích.

Cũng theo ông Tùng, về lâu dài, việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phải gắn với chiến lược phát triển nông nghiệp đô thị - sinh thái - công nghệ cao của Hà Nội. Chính sách không chỉ là "nới" cho người dân dễ làm mà còn phải đi kèm "quy chuẩn" để sản xuất được nâng cao về chất lượng, môi trường được bảo vệ, và đất nông nghiệp được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

"Đây là thời điểm cần một bước chuyển mạnh trong quản lý đất đai phục vụ sản xuất, nhưng cũng là lúc đòi hỏi trách nhiệm rõ ràng hơn trong kiểm soát, giám sát và hướng dẫn thực thi. Nếu làm tốt, chính sách này không chỉ tháo gỡ khó khăn mà còn góp phần xây dựng nền nông nghiệp đô thị tiên tiến, điều mà Hà Nội đang hướng tới trong tương lai gần", ông Tùng nói.

UBND TP Hà Nội đang tổ chức lấy ý kiến về việc cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 178, Luật Đất đai 2024.

Theo UBND TP Hà Nội, tại các quận, huyện, nhiều tổ chức, cá nhân đã xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, như nhà kho, nhà sơ chế, bảo quản, nhà màng, nhà lưới, nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm... Căn cứ tình hình thực tế, UBND TP Hà Nội đề xuất ban hành Quyết định quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều; công trình chỉ được xây dựng 1 tầng, không được xây dựng tầng hầm, xây dựng bằng loại vật liệu dễ tháo dỡ; có phương án sản xuất nông nghiệp được UBND xã chấp thuận; thửa đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất. Ngoài ra, quá trình xây dựng và sử dụng phải đảm bảo quy định về PCCC, không sử dụng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp vào mục đích để ở, mục đích phi nông nghiệp...

Nguyễn Hùng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/can-trong-khi-cho-xay-cong-trinh-tren-dat-nong-nghiep-192250523171518488.htm
Zalo