Cần thu hút FDI chất lượng cao để nâng cao năng lực doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chính sách cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ FDI để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam.
![Công nghệ số, AI, bán dẫn... là những lĩnh vực Việt Nam cần vốn FDI. Ảnh: LH](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_112_51430081/0d9422bb18f5f1aba8e4.jpg)
Công nghệ số, AI, bán dẫn... là những lĩnh vực Việt Nam cần vốn FDI. Ảnh: LH
Sẵn sàng từ chối dự án FDI lớn nhưng công nghệ lạc hậu
Ngoài những đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng, nhiều tỉnh thành khác cũng đang nỗ lực cải thiện chính sách và hạ tầng để thu hút FDI trong lĩnh vực công nghệ cao (CNC) và sản phẩm có giá trị gia tăng, sẵn sàng "nói không" với những dự án quy mô lớn nhưng không đúng mục tiêu.
Tháng đầu năm 2025, tỉnh Đồng Nai ghi nhận thu hút FDI với hơn 627 triệu đô la, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 78,4% kế hoạch cả năm. Các dự án mới thu hút được từ ngành cơ khí, chế biến thực phẩm và sản xuất hóa dược... trong khi các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm và thâm dụng lao động được sàng lọc kỹ lưỡng.
Ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tập trung thu hút những dự án quy mô lớn thuộc các lĩnh vực mong muốn nâng cao như CNC, công nghiệp hỗ trợ, không thâm dụng lao động.
Để đạt được mục tiêu, Đồng Nai đang tích cực cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp (KCN) mới. Đáng chú ý, khu công nghệ cao Long Thành với diện tích hơn 410 hécta đang thu hút các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tạo nên những ngành công nghiệp mang lại giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển khu CNC 500 hécta và KCN công nghệ thông tin 100 hécta để thu hút nhà đầu tư CNC.
Tại Bình Dương, chính quyền tỉnh đặt nhiều kỳ vọng vào những ngành công nghiệp phù hợp xu thế thời đại, trong đó có công nghiệp bán dẫn. Địa phương đang triển khai xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung với diện tích 220 hécta, tập trung vào nghiên cứu phát triển và thương mại hóa sản phẩm CNC, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.
Bên cạnh đó, Bình Dương còn triển khai các KCN thông minh, áp dụng nền tảng quản trị thông minh với công nghệ tự động hóa, AI, IoT và 5G.
Ở khu vực phía Bắc, các địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh... cũng đang nỗ lực thu hút FDI mang lại giá trị cao hơn. Năm 2025, Hải Dương đặt mục tiêu thu hút 1 tỉ đô la FDI, tập trung vào các dự án CNC với suất đầu tư tối thiểu 9 triệu đô la/hécta. Tỉnh này cũng rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc đăng ký đầu tư.
Bắc Ninh, với hướng đi phát triển “thung lũng silicon”, đang thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin và thu hút các trung tâm nghiên cứu. Chính quyền địa phương cũng tích cực hoàn thiện hạ tầng, nhắm đến việc thu hút các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ đào tạo đối với lĩnh vực bán dẫn.
Các địa phương khác dù chưa thu hút nhiều vốn FDI nhưng cũng đã bắt đầu chuyển hướng, từ chối các dự án công nghệ lạc hậu thay vào đó là tập trung vào các dự án sản xuất công nghiệp xanh và giá trị gia tăng cao hơn.
Chính sách quốc gia gần đây đã bổ sung quy trình đầu tư đặc biệt, gọi là “luồng xanh”, giúp rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt khuyến khích đầu tư với việc chỉ cần đăng ký để nhận Giấy chứng nhận đầu tư trong 15 ngày, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Các nỗ lực tăng cường quan hệ ngoại giao với đối tác quốc tế cũng là yếu tố thúc đẩy dòng vốn đầu tư chất lượng hơn.
Cần hình thành hệ sinh thái sản xuất nội địa
Dòng vốn FDI đang ngày càng phù hợp với mục tiêu mà Việt Nam hướng đến. Đó là, thu hút những nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, giúp nâng cao giá trị toàn cầu của Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là phần lớn giá trị linh kiện vẫn phải nhập khẩu, và doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm lấy ví dụ ngành sản xuất điện thoại và linh kiện, 100% giá trị xuất khẩu đến từ doanh nghiệp FDI, nhưng 80% giá trị từ linh kiện nhập khẩu. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt vẫn chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu mặc dù các tập đoàn công nghệ toàn cầu như Samsung đã có mặt tại Việt Nam.
![Cần hình thành hệ sinh thái sản xuất nội địa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: L.H](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_112_51430081/cb16eb39d17738296166.jpg)
Cần hình thành hệ sinh thái sản xuất nội địa để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: L.H
Đóng góp của FDI đối với sự tiến bộ khoa học trong nước hiện vẫn còn thấp, chỉ khoảng 5% sử dụng công nghệ cao. Tổng Bí thư nhấn mạnh cần thu hút FDI có chọn lọc hơn, tránh để Việt Nam trở thành “cứ điểm lắp ráp-gia công” mà không thu được giá trị gia tăng từ công nghệ.
Trao đổi với KTSG Online, các chuyên gia kinh tế nhận định Tổng Bí thư đã nhìn nhận đúng thực trạng của thu hút đầu tư FDI hiện nay. Nhờ sự xuất hiện của các tập đoàn công nghiệp công nghệ toàn cầu tại Việt Nam, với những đại công xưởng sản xuất lắp ráp, mà giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt gần như vẫn đứng ngoài chuỗi công nghệ cao này.
Vấn đề hiện nay là triển khai những giải pháp nào để dòng vốn FDI lan tỏa nhiều hơn tới khu vực doanh nghiệp trong nước, tạo thêm giá trị gia tăng và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp nội địa tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Theo TS. Lê Hoài Quốc thay vì chỉ thu hút đầu tư, Việt Nam cần phát triển một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ, trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước. Chính sách cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ FDI, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. “Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, chính sách ưu đãi, đào tạo nhân lực và sự phối hợp giữa các bên liên quan”, ông nói.
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn như Samsung đã sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng của họ, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn thiếu khả năng tham gia do yếu tài chính, thiếu công nghệ và nguồn nhân lực chưa đủ mạnh.
Chính vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa để họ có thể tham gia vào chuỗi sản xuất của FDI. Khi hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ được xây dựng chặt chẽ, doanh nghiệp FDI sẽ phát triển bền vững tại Việt Nam và tạo ra giá trị lan tỏa cho các doanh nghiệp trong nước.
"Chiến lược thu hút FDI có trọng tâm và chiến lược phát triển hệ sinh thái sản xuất trong nước sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững và gia tăng giá trị từ dòng vốn FDI", TS. Huỳnh Thanh Điền, nói.