Cần Thơ giải 'bài toán' nhà ở xã hội

Thực hiện Đề án 'Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030' theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố Cần Thơ đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu triển khai lập 'Đề án phát triển nhà ở xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030' với chỉ tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng 9.100 căn nhà ở xã hội.

Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư

Theo báo cáo của UBND thành phố Cần Thơ, hiện toàn thành phố có 6 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với diện tích đất 8,66ha. Trong số đó, có 3 dự án đã hoàn thành với 587 căn hộ đưa vào sử dụng, diện tích sàn hơn 31.600m2; 3 dự án có quy mô 3.128 căn nhà, diện tích sàn hơn 249.000m2 đang được triển khai xây dựng, đến nay đã hoàn thành 644 căn. Năm 2023, thành phố cũng đã chỉ đạo Sở Xây dựng xem xét, công bố đủ điều kiện bán 1.151 căn hộ nhà ở xã hội hình thành trong tương lai và công bố 204 hồ sơ đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đối với 3 dự án nhà ở xã hội đang triển khai.

TP. Cần Thơ có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 587 căn hộ đưa vào sử dụng

TP. Cần Thơ có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành với 587 căn hộ đưa vào sử dụng

Theo Sở Xây dựng TP. Cần Thơ, đến hết năm 2024, thành phố sẽ hoàn thành 2.382 căn nhà ở xã hội, đạt khoảng 58,1% so với chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao trong giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2021 - 2025 là 4.100 căn, giai đoạn 2026 - 2030 là 5.000 căn). Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu, song thực tế cũng cho thấy, việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội ở TP. Cần Thơ vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Phân tích về vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng, nhu cầu về nhà ở xã hội tại thành phố hiện rất lớn so với các dự án đã và đang được đầu tư. Tuy nhiên, các chủ đầu tư chưa "mặn mà" tham gia đầu tư dạng nhà ở này vì không bảo đảm lợi nhuận. Nhiều chủ đầu tư mong muốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% đất ở của dự án nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định chung của thành phố, song do một số dự án chưa hoàn tất giải phóng mặt bằng nên nhà đầu tư chưa được giao đất thực hiện, vì thế không thể triển khai xây dựng nhà ở xã hội.

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ nhận định: “rào cản” lớn nhất trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay là nhiều chủ đầu tư và cả người mua dòng sản phẩm này chưa được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi; không đủ quỹ đất để phát triển dự án, đặc biệt là ở các khu vực gần trung tâm thành phố, nơi phát sinh nhu cầu nhà ở xã hội cao; thủ tục đầu tư các dự án nhà ở xã hội kéo dài, thậm chí còn phức tạp hơn so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đó, lợi nhuận 10% không hấp dẫn chủ đầu tư, khi dòng tiền đầu tư ban đầu bỏ ra nhiều, đặc biệt trong bối cảnh chi phí đầu vào ngày càng tăng; thời gian bán hàng kéo dài làm cho thời gian hoàn vốn lâu, khó thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Từ thực tiễn của một nhà đầu tư nhà ở xã hội, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Nam Long - Chi nhánh Cần Thơ Trần Thanh Tùng cho biết: mặc dù công ty đã tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc, vận động trực tiếp nhưng đến nay số đối tượng nộp hồ sơ và hoàn thành thủ tục mua nhà ở xã hội vẫn rất thấp. Nguyên nhân chủ yếu do nhiều người gặp khó khăn trong việc xin xác nhận đối tượng và thực trạng nhà ở từ UBND cấp phường, xã, thị trấn; gặp nhiều trở ngại khi xin giấy xác nhận đã có thời hạn tạm trú từ 12 tháng trở lên tại cơ quan công an. Ngoài ra, thủ tục cho vay mua nhà ở xã hội phải qua nhiều công đoạn với nhiều thủ tục, giấy tờ nên nhiều người dù đủ điều kiện vay vốn ngân hàng để mua vẫn e ngại.

Tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý

Trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 6 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang triển khai xây dựng, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 41.000 lao động. Theo định hướng đến năm 2030, toàn thành phố sẽ có 10 khu công nghiệp. Khi đó, cùng với sự phát triển thương mại, dịch vụ, tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ của đô thị trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhu cầu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thu nhập thấp sẽ tiếp tục tăng mạnh. Thế nhưng, đến nay, thành phố vẫn chưa có dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp nào được triển khai xây dựng.

Từ thực tế trên có thể thấy, nguồn cung và nhu cầu đều có, nhưng hiện khó để có thể gặp nhau. Tháo gỡ vấn đề này, tại buổi làm việc mới đây của Tổ công tác của Đoàn công tác số 3 thuộc Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” tại TP. Cần Thơ, đại diện các doanh nghiệp kiến nghị, thành phố nên xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư lên khoảng 12%; mở rộng diện khách hàng được mua nhà ở xã hội với tiêu chí đánh giá sát với từng khu vực, loại đô thị. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản, dự án nhà ở để tăng nguồn cung yêu cầu chủ đầu tư dự án thương mại, khu đô thị thực hiện đầu tư trên quỹ đất ở 20% trong các dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Cùng với Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại nên xem xét mở rộng điều kiện vay để doanh nghiệp và cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư, mua nhà ở xã hội khi có nhu cầu.

Bài và ảnh: Vũ Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/can-tho-giai-bai-toan-nha-o-xa-hoi-i378536/
Zalo