Cần Thơ định vị sản phẩm du lịch chủ lực đường sông trong năm 2025
Phát huy giá trị những chiếc cầu dọc sông Cần Thơ, làm đẹp cảnh quan hai bên bờ sông Hậu hay liên kết tạo tuyến du lịch phục vụ nhu cầu thưởng thức ẩm thực và check-in bằng đường sông… là các mô hình du lịch được Cần Thơ triển khai trong năm 2024 và sẽ tiếp tục đẩy mạnh trong năm tới.
Gần 2 tháng qua trên sông Cần Thơ, những chiếc thuyền lớn sáng đèn với tiếng nhạc đờn ca tài từ hay nhạc dân ca chở theo khách di chuyển dọc bờ sông đã thu hút sự quan tâm của người dân và du khách. Với tên gọi nhà hàng du thuyền Mỹ Khánh, đây là sản phẩm vừa mới đi vào hoạt động của làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh (huyện Phong Điền - Cần Thơ).
Điểm khác biệt của du thuyền này so với du thuyền bến Ninh Kiều là lịch trình xây dựng theo 2 tuyến hành trình ngược sông Cần Thơ khi khách có yêu cầu. Tuyến 1 từ làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh đến chợ nổi Cái Răng và tuyến 2 từ làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh đến bến Ninh Kiều (khoảng thời gian di chuyển đi và về từ 90-120 phút).
Với sức chứa khoảng 300 khách cùng nhiều hoạt động như văn nghệ, ẩm thực,… hành trình du thuyền trên sông này còn chạy qua những chiếc cầu mới hiện đại vừa được xây dựng ở Cần Thơ. Dưới ánh đèn lung linh nhiều màu sắc, du khách không chỉ ngắm nhìn mà còn ghi lại khoảnh khắc tuyệt vời qua những bức ảnh kỷ niệm cùng gia đình, bè bạn.
Chị Trần Thị Thanh Nga, du khách đến từ TP.HCM lần đầu trải nghiệm nhà hàng du thuyền Mỹ Khánh chia sẻ: "Lần đầu tiên được trải nghiệm đi thuyền trên sông Cần Thơ, tôi cảm thấy yên bình và thơ mộng. Đặc biệt khi ngắm những cái cây cầu đẹp thế này thì cảm thấy yêu quê hương nhiều hơn và cảm giác Cần Thơ là nơi đáng đến tham quan du lịch".
Sự mới mẻ, nhiều mô hình độc đáo để khám phá dường như đang là xu hướng du lịch của nhiều người hiện nay. Vì vậy, với lợi thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước có tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch, các tỉnh thành ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng đang thay đổi diện mạo mô hình du lịch. Tiềm năng du lịch ngày càng được phát huy khi có sự tham gia đầu tư của các đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn.
Song, dù tài nguyên du lịch đường sông phong phú, đa dạng, các tỉnh thành vùng ĐBSCL hiện vẫn còn khó khăn trong việc liên kết tour liên tỉnh, sản phẩm du lịch vệ tinh của các địa phương còn chưa xứng tầm, phần lớn du lịch đường sông khai thác tuyến gần trong nội tỉnh và để thực sự phát triển bền vững thì chưa đủ.
Khi tham dự tọa đàm “Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 13 tỉnh, thành ÐBSCL” diễn ra tại Cần Thơ vào cuối tháng 11/2024, ông Vi Siêu Năng – Công ty cổ phần du thuyền Viet Princess, TP.HCM cho biết: "Công ty của chúng tôi hoạt động trên dòng sông Mekong trên 15 năm. Cái khó khăn như là bến bãi chưa được xây dựng một cách đồng bộ, bến cảng phải đủ tiêu chuẩn để cho tàu cập cảng và dễ dàng cho hành khách lên tàu – xuống tàu khi tàu cập cảng và đón khách".
"Chúng tôi cần sự phối hợp của những điểm đến để có những trải nghiệm tốt hơn nữa cho du khách. Bởi vì trong hành trình trải nghiệm trên đường sông, bên cạnh những dịch vụ cung cấp trên thuyền, thì cần có những trải nghiệm ẩm thực, khám phá văn hóa địa phương tại những điểm đến", bà Võ Xuân Thư – Giám đốc khách sạn Victoria, Cần Thơ nêu ý kiến.
Không chỉ hạn chế giao thông, ẩm thực, xuyên suốt hành trình sông nước – trong đó nổi bật là chợ nổi Cái Răng, bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho rằng du khách còn muốn có nhiều trải nghiệm thú vị về sự bình dị thông qua cách bài trí không gian dọc hai bên sông.
"Khi ghi nhận lại ý kiến khách hàng trải nghiệm về điểm đến chợ nổi Cái Răng, đúng là trên bờ kè kết nối từ bến tàu du lịch Ninh Kiều đến với chợ nổi còn chưa được quy hoạch theo nhận định về du lịch. Các hoạt động trải nghiệm khi khách đến chợ nổi Cái Răng cũng còn khá rời rạc, thậm chí là những dịch vụ được cung cấp tại khu vực chợ nổi cũng chưa thực sự tạo cho khách sự thích thú. Chúng ta cần phải có những chính sách, những kế hoạch rõ ràng hơn để có thể làm mới điểm đến này, để cho du khách có đánh giá thiện cảm hơn, cũng như lưu lại cho du khách ấn tượng tốt đẹp hơn khi đến chợ nổi Cái Răng", bà Lê Đình Minh Thy chia sẻ.
Tận dụng liên kết du lịch vùng ĐBSCL
Năm 2024, hoạt động du lịch ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng đã có những chuyển biến tích cực và thu được những kết quả quan trọng. Cụ thể, năm 2024, lượng khách đến ĐBSCL đạt trên 52 triệu lượt, tổng thu từ du lịch của các địa phương trong vùng ước đạt hơn 62.000 tỷ đồng. Riêng Cần Thơ, ước tính năm 2024, tổng lượng khách đến tham quan, du lịch là 6,3 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt 6.226 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP. Cần Thơ nhấn mạnh, thời gian tới, Cần Thơ sẽ cùng với TP.HCM, 12 tỉnh vùng ĐBSCL liên kết chặt chẽ trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng bến bãi, cảnh quan dịch vụ ven sông. Ngoài các tuyến đường sông khai thác từ Bến Bạch Đằng (TP.HCM) thì liên tuyến đường sông đang được mở cho vùng ĐBSCL, định hướng các tuyến mới xuất phát từ 4 điểm trung chuyển mới: Cảng du thuyền Mỹ Tho - Cái Bè (Tiền Giang), Bến cảng hành khách Vĩnh Long, Bến tàu khách du lịch Cần Thơ, Bến tàu du lịch Châu Đốc (An Giang). Đây sẽ là 4 bến mới được định hướng đầu tư để phát triển du lịch đường sông. Từ đó, thu hút doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch liên vùng, kết hợp tham quan nhiều địa điểm trên cùng một tuyến đường sông giúp du khách có trải nghiệm phong phú hơn.
"Từ định hướng đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp đã đi khảo sát cùng với TP. Cần Thơ, TP.HCM và các tỉnh, thành để xây dựng, kết nối các tour, tuyến để có những sản phẩm phù hợp trong thời gian tới. Song song đó, TP. Cần Thơ cũng đã khảo sát, mời gọi đầu tư các bến tàu để phục vụ du khách trong thời gian tới. Bên cạnh những sản phẩm du lịch đường sông đó, chúng tôi cũng kết nối với các sản phẩm về văn hóa, di sản. Xây dựng các tour như vậy sẽ gắn với các công trình di tích lịch sử, văn hóa, khu du lịch về sinh thái; đồng thời, đối với du lịch thì đã xác định là kinh tế mũi nhọn của TP. Cần Thơ, chúng tôi cũng đã xây dựng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cho doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến Cần Thơ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Cần Thơ", ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết.
Trong chiến lược quảng bá điểm đến, hiện các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM đã có hệ thống 50 điểm du lịch hấp dẫn từ chương trình bình chọn “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”. Đây là một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương năm 2024.
Thời gian tới, với sự chung tay chặt chẽ của các tỉnh, thành ĐBSCL và TP.HCM trong liên kết phát triển tour liên tỉnh, nhiều điểm đến tại ĐBSCL nói chung, Cần Thơ nói riêng sẽ dần định vị được sản phẩm chủ lực đường sông, nhất là văn hóa chợ nổi, từ đó nâng cao tính cạnh tranh với các loại hình du lịch khác trong tình hình mới.