Cần thiết xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chiều 13/1, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiến hành họp Phiên toàn thể nhằm thẩm tra dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự, phát biểu chỉ đạo.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng, gắn với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo đó, việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh có ý nghĩa chính trị - pháp lý rất quan trọng, vừa tạo hành lang pháp lý để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; vừa thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh nhà Lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc và những di sản Người để lại, tạo điều kiện để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế đến viếng và tham quan Khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại Phiên họp, các đại biểu nghe Tờ trình dự án Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tờ trình cho thấy, hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các công trình trong Khu Di tích Lăng, nhất là từ khi công trình Lăng hoàn thành đưa vào sử dụng (năm 1975); chưa có các văn bản quy phạm pháp luật quy định một số vấn đề quan trọng, như chưa có quy định phù hợp để quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có tính chất đặc biệt (vừa là công trình quốc phòng, vừa là đối tượng cảnh vệ, vừa có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn)…
Với những tính chất đặc biệt của nhiệm vụ, cần có văn bản pháp lý ở tầm Pháp lệnh, để điều chỉnh toàn diện công tác quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng trong giai đoạn mới là hết sức cần thiết.
Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh. Các nội dung quy định trong dự thảo Pháp lệnh về cơ bản phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị rà soát kỹ các quy định trong dự thảo Pháp lệnh với hệ thống pháp luật hiện hành, như: Pháp luật về quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng, khu quân sự; cảnh vệ; bảo vệ bí mật nhà nước; di sản văn hóa... để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; tiếp tục rà soát các điều ước quốc tế có liên quan để bảo đảm tính tương thích.
Có ý kiến đề nghị quy định cụ thể các chính sách đặc thù, vượt trội, nhất là các chính sách liên quan đến nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ Khu Di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; hồ sơ Pháp lệnh đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.