Cần thiết phải lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã xem video clip về Quy hoạch Thủ đô và thảo luận tại hội trường về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô); Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 (Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô).

Phát biểu thảo luận tại nghị trường, đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đánh giá cao về tư vấn và các cơ quan có liên quan đến Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn; đồng tình cần thiết phải lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung như Tờ trình của Chính phủ.

“Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật quy hoạch, tôi cho rằng, việc lập quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) thảo luận về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) thảo luận về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô. (Ảnh: Quốc hội)

Về thẩm quyền của Quốc hội, căn cứ khoản 2 Điều 34 Luật Quy hoạch và khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô, việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh quy hoạch chung là phù hợp với pháp luật”, đại biểu nói.

Về hồ sơ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, qua nghiên cứu hồ sơ, đại biểu cho rằng, cơ bản phù hợp với nhiệm vụ tại Quyết định số 313 của Thủ tướng Chính phủ, như về tên, thời kỳ quy hoạch, quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc lập và phương pháp lập quy hoạch và về danh mục, nội dung, thành phần hồ sơ.

Tuy nhiên, về phạm vi quy hoạch đối với diện tích đất tự nhiên còn có sự chênh lệch so với nhiệm vụ quy hoạch và thời gian lập quy hoạch không đáp ứng theo tiến độ.

Đại biểu bày tỏ đồng tình với các nội dung lập quy hoạch, như căn cứ lập quy hoạch, về quan điểm, mục tiêu, lựa chọn phương án phát triển Thủ đô Hà Nội, về phương hướng phát triển các ngành quan trọng trên địa bàn và phương hướng phát triển các ngành lĩnh vực khác... Tuy nhiên, đại biểu đoàn Vĩnh Phúc cho rằng, cần tập trung làm rõ thêm về nội dung, phân tích, đánh giá, dự báo các yếu tố, điều kiện đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội.

Đồng thời, đại biểu đề nghị làm rõ thêm kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất đai, phát triển hệ thống đô thị và nông thôn so với mục tiêu, chỉ tiêu tại Quyết định số 1081 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: Phương Ngân)

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. (Ảnh: Phương Ngân)

Về điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, qua nghiên cứu hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung cho thấy cơ bản phù hợp với nhiệm vụ phê duyệt tại Quyết định số 700 của Thủ tướng Chính phủ; về phạm vi, quy mô, thời hạn thu hoạch; về quan điểm, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch; về tính chất đô thị và dự báo phát triển sơ bộ...

Đại biểu cũng cho biết ông cơ bản đồng tình thống nhất với các nội dung chủ yếu về điều chỉnh quy hoạch, như thiết kế và điều chỉnh quy hoạch năm 2021, định hướng phát triển không gian, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật, định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần làm rõ thêm về kết quả sau 11 năm thực hiện Quyết định số 1259 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hà Nội. Đồng thời, đánh giá lại các tiêu chí về đô thị, còn tiêu chí nào chưa đạt theo quyết định định số 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng cho rằng, hiện tại điều chỉnh quy hoạch được lập theo Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, trong khi Chính phủ đang trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để thay thế Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.

Do vậy, đại biểu đề nghị tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô phải bám sát vào Quy hoạch Thủ đô và dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn để không xảy ra tình trạng quy hoạch chung mới được điều chỉnh lại phải điều chỉnh theo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Trước đó, cho ý kiến về Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội, Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô là phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Luật Thủ đô.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy Quy hoạch Thủ đô và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được xây dựng công phu, khối lượng thông tin phong phú, đa dạng và phức tạp, cơ bản bám sát theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị, thể hiện được tầm nhìn, khát vọng xây dựng Thủ đô phát triển “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/can-thiet-phai-lap-quy-hoach-va-dieu-chinh-quy-hoach-chung-thu-do-ha-noi-172684.html
Zalo