Cần thiết lập khung pháp lý để quản lý 'vòng đời' của tài nguyên nước

Với hơn 3.000 con sông lớn, nhỏ, Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên nước dồi dào, song cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quản lý và sử dụng bền vững.

Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. (Ảnh: HNM)

Tài nguyên nước đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội. (Ảnh: HNM)

Những bất cập trong quản lý, sử dụng tài nguyên nước

Từ khi Luật Tài nguyên nước 1998 ra đời, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện khung pháp lý về quản lý và khai thác tài nguyên nước. Luật Tài nguyên nước 2012 tiếp tục bổ sung các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước ngày càng tăng cao. Luật Tài nguyên nước năm 2023 đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý và khai thác tài nguyên nước theo hướng bền vững hơn, nhấn mạnh nguyên tắc “Quản lý theo lưu vực sông, theo nguồn nước, kết hợp với địa giới hành chính”. Trong đó, điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải dựa trên quy hoạch tổng thể, đảm bảo khai thác hiệu quả và công bằng. Đây chính là cơ sở để triển khai 15 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025 hoàn thiện hệ thống quy hoạch tài nguyên nước trên phạm vi cả nước.

Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ nguồn nước, quản lý tài nguyên nước bền vững, thực tế cho thấy việc triển khai vẫn còn một số bất cập. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn và suy giảm tài nguyên nước đang đe dọa nghiêm trọng đến sinh kế của người dân cũng như mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia. Quy hoạch tài nguyên nước chưa được thực hiện đồng bộ, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương. Đặc biệt, việc khai thác quá mức để phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy điện và công nghiệp đang khiến nhiều khu vực đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn nước.

Một trong những vấn đề lớn khác là sự phân bố không đều của nguồn nước. Việt Nam có tổng diện tích lưu vực sông khoảng 1 triệu km² với 11 hệ thống sông chính như sông Hồng, sông Mê Kông, sông Đồng Nai và sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước không được phân bố đồng đều theo mùa, dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa.

Ngoài ra, việc khai thác nước ngầm không hợp lý cũng đang gây ra hệ lụy nghiêm trọng. Tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM, tình trạng sụt lún đất đang diễn ra do khai thác nước ngầm quá mức. Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước ngày càng trở nên nghiêm trọng.

Đổi mới tư duy, thiết lập khung pháp lý chặt chẽ

Hiện, dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước đang nhận được sự quan tâm lớn từ dư luận. Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 48 điều, quy định cụ thể về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước. Một trong những điểm quan trọng của nghị định là việc phân loại các hành vi vi phạm theo mức độ tác động, giúp các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp. Những hành vi như khai thác nước ngầm trái phép, làm ô nhiễm nguồn nước hay xả thải không qua xử lý sẽ bị xử phạt nghiêm khắc, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo tính răn đe.

Ngày 19/2/2025, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp để lắng nghe báo cáo và cho ý kiến về dự thảo Nghị định này. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, Việt Nam đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về tài nguyên nước, khi 60% lưu lượng nước đến từ bên ngoài lãnh thổ, trong khi chất lượng nước trên các lưu vực sông ngày càng ô nhiễm. Đặc biệt, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến sụt lún đất và xâm nhập mặn, đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người. Trước thực tế này, việc quản lý tài nguyên nước cần một cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nghị định không chỉ ngăn chặn, xử lý những hành vi gây nguy hiểm, hậu quả nghiêm trọng, mà cần đi trước, phòng ngừa, cảnh báo các hành vi ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dân, làm suy giảm chất lượng, số lượng tài nguyên nước. Đồng thời, nghị định phải quản lý toàn bộ “vòng đời” của tài nguyên nước, trong đó lưu ý đặc biệt đến các hành vi xâm phạm đến an toàn, chất lượng, số lượng của nơi sinh thủy, đầu nguồn nước, các cơ sở cấp nước.

Đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam đề xuất cần có quy định rõ ràng hơn về quy hoạch các nhà máy cấp nước và tăng mức xử phạt đối với những vi phạm liên quan đến khai thác nước ngầm. Bộ Công an đề xuất xây dựng cơ chế kết nối thông tin xử phạt giữa các cơ quan chức năng, giúp kiểm soát tốt hơn những trường hợp tái phạm.

Đỗ Trang

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/can-thiet-lap-khung-phap-ly-de-quan-ly-vong-doi-cua-tai-nguyen-nuoc-post540511.html
Zalo