Cần thiết lập cơ quan quản lý độc lập về an toàn hạt nhân

Góp ý vào Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề xuất, cần thiết lập một cơ quan quản lý độc lập và minh bạch về an toàn hạt nhân và cấp phép. Cơ quan này nên hoạt động độc lập với Bộ Công Thương và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam để tránh xung đột lợi ích.

Tiếp tục Kỳ họp thứ Chín, chiều 6/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tham dự phiên thảo luận tại Tổ 14 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Bắc Giang và Khánh Hòa).

Góp ý vào Dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) (gọi tắt là dự thảo Luật), ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) đề xuất, dự thảo Luật cần thiết lập một cơ quan quản lý độc lập và minh bạch về an toàn hạt nhân và cấp phép. Cơ quan này nên hoạt động độc lập với Bộ Công Thương (là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực) và Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (là cơ quan nghiên cứu quốc gia về năng lượng nguyên tử) để tránh xung đột lợi ích.

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) phát biểu. Ảnh: Đ. Thanh

Theo đại biểu, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Việt Nam hiện nay hoạt động trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. “Một Ủy ban An toàn hạt nhân Quốc gia độc lập, báo cáo trực tiếp với Thủ tướng, sẽ phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, chẳng hạn như tiêu chuẩn do Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đặt ra”, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu.

Cũng theo đại biểu, về xây dựng năng lực, giải quyết tình trạng thiếu chuyên môn về an toàn hạt nhân, vật lý và các lĩnh vực liên quan bằng cách yêu cầu hợp tác với các cơ quan quản lý hạt nhân quốc tế, như Pháp, Nhật Bản hay IAEA để đào tạo và chuyển giao kiến thức, công nghệ.

Về tính minh bạch, đại biểu cho rằng, yêu cầu công khai các đánh giá an toàn, quy trình cấp phép và kế hoạch ứng phó khẩn cấp để xây dựng lòng tin của người dân và các cộng đồng có thể bị ảnh hưởng và tuân thủ các hiệp ước quốc tế, như Công ước về an toàn hạt nhân (2010).

Cũng theo đại biểu, cần ưu tiên an toàn trong địa điểm và công nghệ. Đại biểu đề xuất yêu cầu đánh giá rủi ro địa chất và môi trường toàn diện cho địa điểm nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và các địa điểm dự phòng tiềm năng trước khi đưa ra phê duyệt cuối cùng. Theo đó, cần lưu ý về rủi ro địa chất.

“Các nghiên cứu đã xác định các đường đứt gãy gần các địa điểm Phước Định và Vĩnh Hải của Ninh Thuận, gây ra nguy cơ động đất và sóng thần. Dự thảo Luật nên yêu cầu cập nhật các nghiên cứu địa chấn và kế hoạch giảm thiểu rủi ro, với các điều khoản để di dời dự án nếu rủi ro được coi là không thể chấp nhận được”, đại biểu đề xuất.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật nên bắt buộc phân tích chi phí – lợi ích độc lập và kiểm toán tài chính thường xuyên để ngăn chặn các vấn đề khó khăn tài chính và vượt ngân sách. Về đa dạng nguồn vốn, tận dụng các thỏa thuận tài chính quốc tế và cho phép tỉnh Ninh Thuận giữ lại tối đa 70% doanh thu dự án để hỗ trợ phát triển địa phương, căn cứ theo các nghị quyết và phê duyệt của Quốc hội.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng, cần phát triển lực lượng lao động và hợp tác quốc tế. Theo đó, cần tích hợp chiến lược quốc gia về phát triển lực lượng lao động hạt nhân vào dự thảo Luật, bao gồm các chương trình đại học, trung tâm nghiên cứu và quan hệ đối tác đào tạo quốc tế; tăng cường các thỏa thuận hợp tác hạt nhân với các nước như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Dự thảo Luật nên tài trợ cho các chương trình khoa học hạt nhân tại các tổ chức như Đại học Bách khoa Hà Nội và ủy quyền học bổng cho đào tạo ở nước ngoài.

Nhìn từ bài học hậu Fukushima (Nhật Bản), đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, dự thảo Luật cần yêu cầu lập kế hoạch kịch bản xấu nhất và các cuộc diễn tập an toàn thường xuyên, với sự tham gia của cộng đồng địa phương và các đối tác ASEAN.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bổ sung, việc thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân là mô hình mới ở nước ta. Do vậy, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế khi thành lập cơ quan này.

Cũng theo đại biểu Phạm Văn Hòa, xã hội hóa trong năng lượng nguyên tử là cần thiết để huy động nguồn lực xã hội, cùng với nguồn lực của Nhà nước. Song, vì đây là lĩnh vực rất quan trọng, có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nếu sự cố xảy ra. Theo đại biểu, việc xây dựng nhà máy là đầu tư công, nhưng vận hành có thể xã hội hóa, song phải gắn liền với công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn.

Ngoài ra, theo đại biểu, hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phóng xạ cần phải rất thận trọng. Đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần rà soát, bảo đảm các quy định phù hợp với Luật Địa chất và khoáng sản 2024.

Thanh Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-thiet-lap-co-quan-quan-ly-doc-lap-ve-an-toan-hat-nhan-10371530.html
Zalo