Triển khai Dự án 'Điểm đến sinh thái tài năng' tại Việt Nam

Ngày 6.5, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đã có buổi tiếp và làm việc với ông Edgar Doerig - Trưởng Đại diện Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF).

Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của OIF

Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của OIF

Ông Edgar Doerig, Trưởng Đại diện Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của OIF cảm ơn Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu dành thời gian tiếp và làm việc với đoàn.

Văn phòng đã có mặt tại Việt Nam hơn 30 năm, có nhiệm vụ triển khai các chính sách, hoạt động của OIF tại châu Á - Thái Bình Dương, góp phần thúc đẩy hợp tác về giáo dục, văn hóa, phát triển bền vững cũng như tăng cường giá trị của ngôn ngữ Pháp trong khu vực.

Hiện nay, OIF cũng đang hợp tác với nhiều trường đại học tại Việt Nam để đào tạo các sinh viên ngành Du lịch ngôn ngữ Pháp, từ đó bổ sung nguồn nhân phục vụ khách du lịch nói tiếng Pháp.

Về Dự án “Điểm đến sinh thái tài năng”, ông Edgar Doerig cho biết, đây là một trong những dự án OIF triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028.

Hướng đến mục tiêu tạo việc làm, tạo thu nhập cho thanh niên, phụ nữ và cộng đồng nông thôn, ngoại ô bằng cách nâng cao chuyên môn thông qua các hoạt động giáo dục, đào tạo, Dự án cũng hỗ trợ phát triển và quảng bá các dịch vụ du lịch bền vững. Thông qua đó thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa.

Dự án này trước tiên sẽ được thí điểm tại 4 nước bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Comoros và Cabo Verde, sau đó sẽ được mở rộng sang các quốc gia khác, thông qua tham vấn chặt chẽ với các bên liên quan.

Trong giai đoạn thí điểm tại Việt Nam, hai bên sẽ cùng nghiên cứu lựa chọn một địa điểm để thành lập trung tâm triển khai Dự án, đây sẽ là nơi có nhiều khách du lịch nói tiếng Pháp cũng như tập trung cộng đồng Pháp ngữ.

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu

Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu

Bà Adjara Diouf, Điều phối viên của Dự án “Điểm đến sinh thái tài năng” cho biết, Dự án tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Giáo dục, đào tạo nghề, chuyên môn hóa và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến du lịch; Phát triển, quảng bá và khai thác các sản phẩm du lịch bền vững; Xây dựng và duy trì mạng lưới đối tác năng động dành riêng cho du lịch bền vững.

Dự án tập trung vào việc đào tạo, phát triển khả năng kinh doanh, lữ hành, nhà hàng, khách sạn cũng như phát triển bền vững thông qua tạo việc làm và nâng cao năng lực làm việc đối với thanh niên, phụ nữ.

Dự án cũng được nghiên cứu thực hiện bởi nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, chuyên môn cao của các bên liên quan trong cộng đồng Pháp ngữ.

Để nâng cao hình ảnh và thúc đẩy quảng bá việc triển khai các hoạt động của sáng kiến thí điểm, OIF dự kiến thành lập các trung tâm “Điểm đến sinh thái tài năng” (DET) tại các văn phòng xúc tiến du lịch, các cơ sở du lịch tại các địa phương.

Các trung tâm này được thiết kế như không gian cộng đồng đa chức năng và đa phương dành riêng cho du lịch bền vững, qua đó giới thiệu, cung cấp thông tin về các điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn và thúc đẩy ngôn ngữ Pháp.

Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương của OIF mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam về Dự án cũng như sự hỗ trợ trong việc nghiên cứu, đánh giá về các hồ sơ đăng ký tham gia để Dự án đạt được mục tiêu, kết quả tốt đẹp.

Toàn cảnh buổi làm việc

Toàn cảnh buổi làm việc

Chào mừng đoàn công tác Văn phòng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF đến làm việc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu đánh giá: “Thời gian qua, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ đã tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của cộng đồng nói tiếng Pháp cũng như cho ngành Du lịch”.

Đánh giá cao các sáng kiến của OIF, Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu kỳ vọng, Dự án “Điểm đến sinh thái tài năng” sẽ mở ra cơ hội việc làm, nâng cao năng lực du lịch, đặc biệt là đối với thanh niên, phụ nữ và cộng đồng địa phương, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa bản địa, thúc đẩy các hoạt động du lịch bền vững”.

Dự án thành công cũng sẽ là cơ hội để tiếp tục nhân rộng mô hình để các địa phương học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cùng phát triển.

Cộng đồng Pháp ngữ (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ - Organisation internationale de la Francophonie - OIF) hiện có tổng cộng 93 thành viên, bao gồm 56 quốc gia và chính phủ thành viên chính thức, 5 thành viên liên kết và 32 quan sát viên

Cộng đồng Pháp ngữ (Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ - Organisation internationale de la Francophonie - OIF) hiện có tổng cộng 93 thành viên, bao gồm 56 quốc gia và chính phủ thành viên chính thức, 5 thành viên liên kết và 32 quan sát viên

Lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cũng đề nghị cần hình thành mạng lưới các quốc gia tham gia Dự án kết nối rộng khắp để cùng nhau giới thiệu, quảng bá du lịch, hướng đến thị trường khách du lịch nói tiếng Pháp.

Phó Cục trưởng Hà Văn Siêu khẳng định: “Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ với OIF trong Dự án này”.

Ông Hà Văn Siêu đề nghị hai bên trong thời gian tới sẽ có những trao đổi cụ thể hơn về nội dung thực hiện cũng như lựa chọn địa điểm để đặt trung tâm triển khai Dự án.

Thông qua Dự án, 2 bên mong muốn sẽ góp phần bảo tồn di sản thiên nhiên và văn hóa, thúc đẩy du lịch, lữ hành và lưu trú có trách nhiệm, tạo ra các giá trị thiết thực, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

TRUNG SƠN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/trien-khai-du-an-diem-den-sinh-thai-tai-nang-tai-viet-nam-131226.html
Zalo