Cần thêm những chính sách về chế độ cho cán bộ Mặt trận cơ sở

Để đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục nỗ lực vươn lên, khẳng định bản lĩnh, năng lực, trách nhiệm trong hệ thống chính trị, cán bộ Mặt trận cơ sở mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ khó khăn, có thêm chính sách về chế độ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Mặt trận ở cơ sở.

Trong Hội nghị biểu dương cán bộ Mặt trận (giai đoạn 2029 - 2024) tỉnh Hòa Bình diễn ra vào sáng 31/7, sự nỗ lực, vất vả của các cán bộ Mặt trận đã được ghi nhận, biểu dương trên mọi mặt, góp phần lớn xây dựng, hình thành, phát huy sức mạnh khối Đại Đoàn Kết dân tộc.

Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với cán bộ Mặt trận cơ sở.

Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với cán bộ Mặt trận cơ sở.

Bên cạnh những con số trực quan, hiệu quả trong công tác Mặt trận của người cán bộ, còn đó những trăn trở, mong muốn được các cấp, ngành có những giải pháp, chế độ để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác Mặt trận ở cơ sở.

Là một trong hàng trăm cán bộ tiêu biểu, được biểu dương, ông Nguyễn Ngọc Thủy, Chủ tịch MTTQ huyện Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đã có những chia sẻ về thành quả, hiệu quả trong công tác Mặt trận huyện Kim Bôi trong bài phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Thủy, vai trò của cán bộ Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thi đua thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh ở địa phương là vô cùng quan trọng.

Nhiệm kỳ 2019 – 2024, đối với hệ thống mặt trận là một nhiệm kỳ đặc biệt, với nhiều sự kiện nổi bật, sự tham gia của MTTQ có vai trò ý nghĩa to lớn góp phần tạo nên thành công của nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đó là sự kiện chính trị quan trọng, thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Trong điều kiện chung của toàn tỉnh Hòa Bình còn gặp nhiều khó khăn, vừa thực hiện mục tiêu kép: về phát triển kinh tế xã hội và khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; vừa thực hiện sắp sếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết 830 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong bối cảnh tình hình an ninh trật tự, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, với sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt, sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, dịch Covi-19 đã được khống chế, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, tạo động lực, niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy sức mạnh Đại Đoàn Kết toàn dân thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn.

Góp chung vào những thành quả đạt được của tỉnh, trong năm 2023, huyện Kim Bôi đã thực hiện hiệu quả, có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kinh tế từng bước phục hồi.

Kim Bôi có 17/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 14,7%; văn hóa xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12,28%, hộ cận nghèo còn 10,04%; 6 xã đạt chuẩn Nông thôn mới,...

Trong thành công chung đó, có vai trò và sự đóng góp quan trọng của MTTQ, cán bộ MTTQ từ huyện đến cơ sở thông qua các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thiết thực; đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để đoàn kết, tập hợp, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, tôn giáo, đoàn viên, hội viên,…

Theo ông Thủy, đại dịch Covid-19 diễn ra, được khống chế, qua đó cũng để lại những hình ảnh đẹp của những cán bộ không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy của dịch bệnh, ngày đêm gắn bó với phong trào, huy động nguồn lực ủng hộ tuyến đầu chống dịch, các khu cách ly, hết lòng tận tụy với nhân dân.

Nói về những đóng góp, tầm quan trọng trong công tác của người cán bộ Mặt trận, ông Thủy cho biết, huyện Kim Bôi cũng là một trong những điểm sáng của tỉnh Hòa Bình với nhiều các dự án, công trình tiểu biểu. Công tác Mặt trận đã có nhiều đóng góp, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ đối với các dự án trên địa bàn như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng chiều dài 16,4 km, đi qua 6 xã, đã vận động kiểm đếm đất nông nghiệp 813/814 hộ đạt 99,88%; nhà ở và công trình trên đất 197/198 hộ đạt 99,49%; kiểm đếm xong 166 ngôi mộ đạt 100%, hỗ trợ đền bù, di dời mồ mả đạt 94,6%;... được nhân dân đồng tình ủng hộ, đảm bảo tiến độ đề ra.

Tuy nhiên, trên thực tiễn công tác Mặt trận ở Kim Bôi còn nhiều khó khăn, bất cập. Hoạt động Mặt trận cấp cơ sở có nơi chất lượng chưa cao. Năng lực, trình độ, trách nhiệm, tâm huyết của một số cán bộ còn hạn chế. Chế độ, chính sách đối với cán bộ Mặt trận ở cơ sở tuy đã được quan tâm nhưng còn thấp, nhiều cán bộ còn phải làm nhiều việc để có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình, nên chưa toàn tâm toàn ý cho công việc. Đó là những vấn đề mà những người làm công tác Mặt trận đang trăn trở, mong muốn được các cấp, ngành quan tâm hơn nữa về những chế độ, chính sách.

Đông A

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/can-them-nhung-chinh-sach-ve-che-do-cho-can-bo-mat-tran-co-so-10286951.html
Zalo