Cần thêm nguồn lực phòng, chống HIV/AIDS

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau nỗ lực triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về mặt xã hội và chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV đã được triển khai rộng rãi trên địa bàn.

Bác sĩ Trần Hiến Khóa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, chia sẻ: “Trong thời gian qua, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhận được sự quan tâm và sự hỗ trợ nhiều mặt từ kỹ thuật, thực hiện chương trình, đào tạo giúp nâng cao chất lượng cho nhân viên y tế, đến cung cấp sinh phẩm, các xét nghiệm cần thiết để phục vụ công tác phát hiện và điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Ðặc biệt là miễn phí toàn bộ các dịch vụ xét nghiệm, khám và điều trị PrEP cho khách hàng tại 2 phòng khám PrEP trên địa bàn tỉnh”.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh phát hiện 4.641 trường hợp nhiễm HIV, số điều trị ARV là 2.739 trường hợp; tử vong 686 trường hợp. Ðơn vị đã và đang nhận được sự hỗ trợ từ 3 dự án liên quan đến hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, gồm: Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS (Dự án Quỹ Toàn cầu); Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (Dự án EPIC) và Quỹ Chăm sóc sức khỏe Hoa Kỳ (Dự án AHF).

Bác sĩ phòng khám PrEP (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn, khám sàng lọc cho khách hàng tham gia điều trị PrEP.

Bác sĩ phòng khám PrEP (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) tư vấn, khám sàng lọc cho khách hàng tham gia điều trị PrEP.

“Có thể nói, các dự án đã đóng góp rất lớn vào công tác phòng, chống HIV/AIDS của cả nước nói chung, đã và đang là nguồn lực chính hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS tại tỉnh, bởi nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước chưa đủ để chi trả cho lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS. Hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí của các dự án tài trợ”, Bác sĩ Trần Hiến Khóa cho biết.

Ðược biết, các dự án này hỗ trợ hầu hết các dịch vụ cho bệnh nhân nhiễm HIV và khách hàng có nguy cơ nhiễm HIV, như xét nghiệm HIV, đo tải lượng vi-rút HIV, CD4 (đây là 2 xét nghiệm quan trọng nhất để đánh giá kết quả điều trị ARV cho bệnh nhân HIV); các xét nghiệm phục vụ công tác điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP), như: HIV, HbsAg, AntiHCV, Creatinine; chi trả kinh phí hoạt động cho nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng (CBO) trong hoạt động tìm ca nhiễm HIV mới và khách hàng có nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ PrEP. Ðặc biệt là cung cấp thuốc PrEP miễn phí cho bệnh nhân. Ðây là nguồn cung cấp thuốc PrEP duy nhất đến thời điểm hiện tại bệnh nhân được thụ hưởng.

“Nhờ vào những dự án này, tỉnh đã có thể cung cấp hầu hết các dịch vụ cho bệnh nhân HIV, cụ thể như lượng thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV tại các phòng OPC, thuốc PrEP tại 2 phòng khám PrEP CDC và Trung tâm Y tế TP Cà Mau luôn được dự trù và cung cấp đầy đủ; các xét nghiệm phục vụ công tác điều trị HIV và dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) luôn được dự án hỗ trợ đầy đủ. Ngoài ra, các xét nghiệm nhiễm HIV mới cũng được dự án đầu tư cho CDC tỉnh thực hiện, qua đó, giúp đánh giá được bệnh nhân nhiễm HIV mới hay đã nhiễm lâu", Bác sĩ Trần Hiến Khóa cho hay.

Tuy nhiên, vừa qua, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã có thông tin chính thức, Chương trình PrEP miễn phí (dự phòng trước phơi nhiễm HIV) sẽ tạm dừng. Ðiều đó dự báo sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống HIV/AIDS của địa phương.

Ðược biết, ngày 7/2/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Ðồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Long An, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên và Tiền Giang về việc tạm dừng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS thuộc các dự án do Hoa Kỳ tài trợ. Riêng đối với tỉnh Cà Mau, hiện vẫn chưa nhận được thông tin về việc tạm dừng hoạt động điều trị PrEP từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS; nguồn thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP) tại tỉnh đang được hỗ trợ bởi Dự án Quỹ Toàn cầu.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc Prep cho khách hàng.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc Prep cho khách hàng.

Bác sĩ Trần Hiến Khóa bày tỏ lo lắng: “Trước tình hình các dự án hỗ trợ về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đang ngày càng giảm, có thể đứng trước nguy cơ không còn dự án hỗ trợ về hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới. Ðây là một trong những thách thức lớn của ngành y tế cả nước cũng như của ngành y tế Cà Mau trong bối cảnh dịch HIV đang diễn biến phức tạp, vẫn còn lây nhiễm rất cao trong cộng đồng, đặc biệt là nhóm MSM trong khi nguồn ngân sách Nhà nước đến thời điểm hiện tại vẫn chưa đủ để hỗ trợ các dự án".

"Vì thế, thời gian tới, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ tham mưu Sở Y tế và UBND tỉnh để có những chiến lược mới cũng như nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS phù hợp trong bối cảnh hiện nay”, Bác sĩ Trần Hiến Khóa thông tin./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-them-nguon-luc-phong-chong-hiv-aids-a37268.html
Zalo