Các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Giang thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn
Ngày 19/2, HĐND các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên và Bắc Giang tổ chức Kỳ họp và thông qua nghị quyết thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh.
Thành lập 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Thái Bình

Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại kỳ họp. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN
Tại kỳ họp khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, HĐND tỉnh Thái Bình đã thông qua Nghị quyết thành lập 5 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất 10 sở thuộc UBND tỉnh.
Cụ thể thành lập: Sở Tài chính tỉnh Thái Bình trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh và Sở Tài chính; Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải; Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Nội vụ và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
HĐND tỉnh Thái Bình thông qua Nghị quyết Quy định về chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý của tỉnh.
Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động nghỉ việc (nghỉ hưu trước tuổi và nghỉ thôi việc) trong các cơ quan, đơn vị thực hiện hợp nhất, sáp nhập, thành lập, kết thúc hoạt động; các tổ chức hành chính, đơn vị hợp nhất, sát nhập, thành lập, giải thể thuộc các cơ quan, đơn vị sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong, ngoài chính sách, chế độ của Chính phủ quy định thì được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh với 3 mức.
Cụ thể: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, nghỉ thôi việc có đơn tự nguyện và nộp hồ sơ từ ngày 20/2 đến hết ngày 20/3/2025 được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh một lần bằng 30% mức trợ cấp theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về "chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị". Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có đơn tự nguyện và nộp hồ sơ từ ngày 21/3 đến hết ngày 31/5/2025 được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh một lần bằng 20% mức trợ cấp; từ ngày 1/6/2025 đến hết ngày 20/2/2026 được hưởng chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh một lần bằng 10% mức trợ cấp theo Nghị định số 178. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ ngoài thời gian quy định trên thì không được hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ thêm của tỉnh.
Các đại biểu tập trung xem xét, thảo luận và biểu quyết thông qua các nghị quyết về: Phê duyệt danh mục dự án phải chuyển mục đích sử dụng đất mà có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh Thái Bình; danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2025…
UBND tỉnh Thái Nguyên có 13 cơ quan chuyên môn sau khi sáp nhập

Quang cảnh Kỳ họp. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
HĐND tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Kỳ họp thứ 25 (chuyên đề) thông qua một số nghị quyết quan trọng.
HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Cụ thể: Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính thành Sở Tài chính tỉnh Thái Nguyên; Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ và Sở Thông tin và Truyền thông thành Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Tài nguyên và Môi trường thành Sở Nông nghiệp và Môi trường; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ thành Sở Nội vụ. Đồng thời, sáp nhập Sở Ngoại vụ vào Văn phòng UBND tỉnh Thái Nguyên; thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tôn giáo từ Sở Nội vụ. Sau khi thành lập, sáp nhập, tổ chức lại, UBND tỉnh Thái Nguyên có 13 cơ quan chuyên môn. Các sở mới được hợp nhất, thành lập sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/3/2025.
Ông Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đề nghị, các cơ quan của HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương ngay sau Kỳ họp bám sát nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh ủy để hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, ban hành các quy định về tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của các cơ quan chuyên môn sau thực hiện sắp xếp theo quy định của pháp luật, đảm bảo các cơ quan, đơn vị kịp thời triển khai nhiệm vụ theo mô hình tổ chức mới, hoạt động ngay, liên tục, hiệu lực, hiệu quả, không có khoảng trống pháp lý. Đồng thời làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Các sở, ngành, địa phương rà soát, bố trí trụ sở, tài chính, tài sản, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí...
Các đại biểu đã thông qua Nghị quyết Điều chỉnh giao biên chế công chức hành chính, biên chế sự nghiệp năm 2025...
Bắc Giang: Giảm 6 cơ quan, 26 phòng chuyên môn

Chủ trì Kỳ họp. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN
HĐND tỉnh Bắc Giang khóa XIX nhiệm kỳ 2021 - 2026 tổ chức Kỳ họp thứ 25 (chuyên đề); 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thành lập, tổ chức lại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bắc Giang
Bắc Giang thành lập 6 cơ quan mới trên cơ sở hợp nhất 12 cơ quan hiện nay. Cụ thể, thành lập Sở Tài chính trên cơ sở hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư; thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư trước khi hợp nhất. Sau sắp xếp, Sở Tài chính có 11 phòng, 1 đơn vị sự nghiệp công lập, giảm 5 phòng.
Thành lập Sở Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng; đồng thời, chuyển nhiệm vụ về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Sở Giao thông vận tải sang Công an tỉnh. Sau sắp xếp, Sở Xây dựng có 10 phòng, 6 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 4 phòng, 2 đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập.
Thành lập Sở Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về giảm nghèo từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Sau sắp xếp, Sở có 8 phòng, 5 chi cục, 8 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 5 phòng, 1 chi cục, 5 đơn vị đơn vị sự nghiệp công lập.
Thành lập Sở Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ; đồng thời, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về báo chí, xuất bản sang Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về an toàn, an ninh thông tin mạng từ Sở Thông tin và Truyền thông sang Công an tỉnh. Sau sắp xếp, Sở có 6 phòng, 1 chi cục, 2 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 3 phòng.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN
Thành lập Sở Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Sở Nội vụ và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ về lao động, tiền lương; việc làm; người có công; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ sang Sở Dân tộc và Tôn giáo; chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sang cơ quan khác. Sau sắp xếp, Sở có 9 phòng, 3 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 5 phòng.
Thành lập Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất Sở Ngoại vụ và Văn phòng UBND tỉnh. Sau sắp xếp có 9 phòng; giảm 2 phòng, 2 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, Bắc Giang thành lập Sở Dân tộc và Tôn giáo, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban Dân tộc, tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ. Sau sắp xếp, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh có 4 phòng chuyên môn và tương đương.
Tỉnh điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của 6 cơ quan gồm: Sở Y tế; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Công thương; Sở Tư pháp; Sở Giáo dục và Đào tạo; Thanh tra tỉnh...
Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.