Cần tạo thêm điều kiện cho các hợp tác xã dịch vụ môi trường

Trong những năm qua, số lượng hợp tác xã (HTX) trên lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Đồng Nai đã từng bước phát triển cả về quy mô và loại hình. Nhiều HTX dịch vụ môi trường đã được thành lập, nhiều mô hình thí điểm về quản lý và xử lý môi trường thành công góp phần thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường của địa phương.

Đối với các hợp tác xã dịch vụ môi trường, việc đầu tư vốn vào nâng cấp chất lượng vận chuyển, thu gom rác thải vẫn đang là điều khó khăn. Ảnh:V.Gia

Đối với các hợp tác xã dịch vụ môi trường, việc đầu tư vốn vào nâng cấp chất lượng vận chuyển, thu gom rác thải vẫn đang là điều khó khăn. Ảnh:V.Gia

Tuy nhiên, thực tế hoạt động của các HTX trong lĩnh vực này vẫn rất khó khăn. Là ngành nghề đặc thù nhưng chưa có những cơ chế hỗ trợ. Bên cạnh đó, thiếu nguồn lực để đầu tư phương tiện vận chuyển rác thải, phân loại và xử lý cũng là khó khăn mà các HTX cần được hỗ trợ tháo gỡ.

Còn nhiều khó khăn

HTX Môi trường Nếp Sống Mới chịu trách nhiệm thu gom rác thải sinh hoạt khu vực phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa và lân cận trên địa bàn thành phố Biên Hòa. Khó khăn của đơn vị là ngoài thu gom rác thải sinh hoạt do người dân tập kết ra khu vực quy định, thì việc thu gom rác ở các khu vực lòng, lề đường chiếm một thời lượng lớn công việc. Rác công cộng ngày càng xuất hiện nhiều nên lao động của đơn vị phải dành thời gian để xử lý (dành một ngày trong tuần) nhưng vấn đề này lại chưa có kinh phí hỗ trợ dù phát sinh nhiều và đơn vị phải tự bỏ chi phí ra. “Chúng tôi muốn các cơ quan ban, ngành có giải pháp đối với những hộ dân, cơ sở kinh doanh không đăng ký thu gom rác thải nhưng lại có tình trạng mang rác bỏ ra lòng lề đường” - bà Hồ Thị Nhi, Giám đốc HTX, chia sẻ.

Bên cạnh đó, khó khăn của HTX này là phải sử dụng các phương tiện ba gác, xe tự chế để vào thu gom rác tại những ngõ hẻm nhỏ, những nơi phương tiện chở rác lớn, quy chuẩn không vào được. Tuy nhiên, khi những phương tiện này trung chuyển rác thải ra bãi tập kết, phân loại rác thì lại gặp khó khăn do quy định về giao thông, không được phép lưu thông. Do địa điểm tập kết gần với khu vực thu gom và việc vận chuyển rác là đặc thù nên HTX mong muốn có giải pháp, quy định đặc thù để những phương tiện này được lưu thông trên cơ sở đảm bảo nghiêm ngặt vấn đề an toàn.

Tương tự, HTX Thương mại và dịch vụ Phú Lợi (huyện Định Quán) đang thu gom chất thải sinh hoạt tại 5 xã của huyện Định Quán và thu gom cho cả thị trấn Tân Phú (huyện Tân Phú). Những năm gần đây, hoạt động của HTX chủ yếu duy trì việc làm cho công nhân và trả nợ tiền vay đầu tư xe.

Theo ông Phan Thanh Hùng, Giám đốc HTX, lương công nhân môi trường cao hơn các ngành nghề khác nhưng nhiều người không muốn làm vì độc hại, nguy hiểm. Bên cạnh đó, còn phải tái đầu tư xe vì xe vận chuyển rác hao mòn rất nhanh. Đồng thời, điều kiện để vay vốn đầu tư xe chuyên dùng rất khó nên cũng rất chật vật trong việc duy trì hoạt động, tạo việc làm cho các thành viên, người lao động.

Cần tạo điều kiện vốn vay để phát triển

Theo Liên minh HTX Đồng Nai, toàn tỉnh có 56 HTX về môi trường; trong đó có 53 HTX đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký gần 294 tỷ đồng, 459 thành viên, 608 lao động; 3 HTX ngừng hoạt động.

Hoạt động của các HTX chủ yếu là thu gom, vận chuyển rác thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp không nguy hại kết hợp với kinh doanh phế liệu các loại. Các HTX môi trường giải quyết nhiều việc làm cho lao động không có tay nghề. Tuy nhiên, năng lực quản lý và quy mô còn hạn chế nên một số HTX còn gặp khó khăn khi tham gia đấu thầu, thu gom, vận chuyển rác.

Tại Đồng Nai có Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh, theo quy định, các doanh nghiệp, HTX có các dự án liên quan đến bảo vệ, cải tạo môi trường sẽ được vay vốn ưu đãi từ quỹ. Cụ thể là vận chuyển và xử lý chất thải; phòng ngừa và cảnh báo sự cố môi trường; di dời cơ sở sản xuất, chăn nuôi đi nơi khác theo chỉ đạo của tỉnh; sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; tái chế chất thải… được vay vốn từ Quỹ Bảo vệ môi trường tỉnh. Số tiền vay tối đa là 70% giá trị dự án được duyệt, lãi suất bằng 50% lãi suất Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại thời điểm vay. Hiện có gần 100 dự án đã được vay vốn từ quỹ.

Ngoài ra, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Đồng Nai cũng dành nguồn vốn cho các đơn vị vay để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, do các quy định liên quan, việc vay vốn từ các quỹ không dễ dàng. Điều này đòi hỏi các HTX phần lớn phải tự đi lên từ năng lực nội sinh và sự nhạy bén của mình.

“Lâu nay, việc phân loại rác tại nguồn từ người dân hiệu quả vẫn chưa cao. Chúng tôi muốn đầu tư hệ thống phân loại tại khu vực tập kết của đơn vị. Điều này vừa tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần bảo vệ môi trường đô thị. Thế nhưng, chỉ bằng nguồn vốn của HTX thì chưa đủ, phải có thêm vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Vì thế, HTX rất mong có chính sách hỗ trợ để chúng tôi có thể thực hiện được mong muốn của mình” - Giám đốc HTX Môi trường Nếp Sống Mới Hồ Thị Nhi cho biết thêm.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/can-tao-them-dieu-kien-cho-cac-hop-tac-xa-dich-vu-moi-truong-5896f3a/
Zalo