Cần tận dụng cơ hội xu hướng tiêu dùng cuối năm

Mùa Tết Nguyên đán luôn là thời điểm 'vàng' của ngành bán lẻ, song cũng là thời điểm đòi hỏi sự nhạy bén và thích ứng cao với những thay đổi không ngừng của thị trường.

Thời gian qua, thị trường đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho biết, các mùa cao điểm mua sắm trong năm qua cho thấy thị trường bán lẻ ngày càng khó đoán, xu hướng tiêu dùng chuyển đổi nhanh chóng, đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc cạnh tranh thị phần. Để đạt được kỳ vọng doanh số trong mùa Tết 2025, các doanh nghiệp phải bám sát thị trường và không ngừng đổi mới. Bên cạnh việc cải thiện chất lượng và giá cả sản phẩm, doanh nghiệp cần chú trọng các giải pháp khuyến mãi và giao nhận.

Hiện tại, xu hướng nổi bật của Tết 2025 là sự gia tăng yêu cầu về sự tiện lợi và đơn giản. Người tiêu dùng ưu tiên những sản phẩm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, và chi phí. Đồng thời, nhóm sản phẩm chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất cũng được quan tâm nhiều hơn. Trong mùa mua sắm Tết 2025, người tiêu dùng sẽ tiếp tục ưu tiên các sản phẩm thiết yếu và hữu ích như đồ gia dụng, dụng cụ nấu ăn, sản phẩm chăm sóc cá nhân và thực phẩm, đồ uống... Quy định nghiêm ngặt sẽ khiến các sản phẩm rượu bia giảm sút trong giỏ hàng Tết, dù chúng vẫn chiếm tỷ trọng lớn.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Khối kinh doanh của Kantar Việt Nam, trong mùa mua sắm Tết 2025 này, người tiêu dùng sẽ ưu tiên các sản phẩm thiết thực và có chi phí hợp lý như dầu ăn, gia vị và các thực phẩm tốt cho sức khỏe như hạt, sữa chua, yến…

Doanh nghiệp nắm bắt từng giai đoạn của thị trường mới có thể trụ vững trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc

Doanh nghiệp nắm bắt từng giai đoạn của thị trường mới có thể trụ vững trước sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc

Hơn thế, chuyên gia thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) nhận định, năm 2025, bắt đầu từ dịp Tết sắp tới, xu hướng mua sắm giải trí (shoppertainment) sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Shein... sẽ phát triển mạnh hình thức miễn phí vận chuyển (freeship). Hiện người tiêu dùng có xu hướng sẽ hủy đơn mua hàng nếu không có các mã miễn phí hay giảm phí vận chuyển. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến Shopee, Lazada lỗ nặng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt này.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần phát triển những sản phẩm vừa mang ý nghĩa truyền thống, vừa đáp ứng tiêu chí hiện đại, phù hợp với lối sống hướng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Việc hiểu rõ quá trình mua sắm Tết của người tiêu dùng trên cả kênh online và offline là yếu tố then chốt. Điều này cho phép thương hiệu tiếp cận khách hàng đúng thời điểm, từ giai đoạn mua sắm sớm cho đến những ngày cận Tết.

Nhìn chung, những năm gần đây người dân đã dần đơn giản hóa trong việc lựa chọn sản phẩm và chuyển hướng từ những buổi tụ họp đông đúc sang các hoạt động gia đình, cá nhân có ý nghĩa hơn. Vì vậy doanh nghiệp cần nắm bắt được điều này để phát triển các sản phẩm phù hợp.

Các chuyên gia cũng lưu ý hiện nay, nhiều doanh nghiệp còn mông lung trong việc xác định cách thức người tiêu dùng biết đến sản phẩm là thông qua thương hiệu hay độ nổi tiếng của các KOL, KOC quảng bá. Cùng với đó, nếu đưa ra khuyến mại quá lớn, doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều rủi ro và khiến thị trường bị xáo trộn giá cả.

Bà Vũ Kim Hạnh cho rằng, cùng với thay đổi xu hướng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với sức ép lớn khi vừa phải giảm giá, vừa phải đầu tư mạnh vào các dịch vụ miễn phí vận chuyển để giữ chân khách hàng.

Minh Lâm

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/can-tan-dung-co-hoi-xu-huong-tieu-dung-cuoi-nam-159321.html
Zalo