TP.HCM còn hơn 32.000 tỷ đồng đầu tư công bị tắc

10 tháng đầu năm, TP.HCM chỉ giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 22% kế hoạch. Sở KHĐT TP cho biết vẫn còn 32.000 tỷ đồng đang bị vướng tại khâu giải phóng mặt bằng.

 Giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM vẫn còn chậm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Giải ngân vốn đầu tư công ở TP.HCM vẫn còn chậm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 diễn ra sáng 31/10, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định TP vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay là 7-7,5%.

Do đó, các đại biểu cần thảo luận kỹ về các giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu này, đặc biệt là đẩy mạnh công tác giải ngân đầu tư công.

Ông Dũng nhấn mạnh lĩnh vực này đã được thảo luận rất nhiều. Lãnh đạo TP cũng đã trực tiếp xuống từng dự án để lắng nghe khó khăn, vướng mắc của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức cũng đưa ra giải pháp cụ thể, có quyết tâm, có lộ trình, song tỷ lệ giải ngân chưa đạt như mong muốn.

Giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 22% sau 10 tháng

Phát biểu tại phiên họp, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Phạm Trung Kiên cho biết đến nay, TP đã giải ngân hơn 17.200 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 21,8% kế hoạch được giao, thấp hơn mục tiêu 29% đặt ra hồi đầu năm.

Theo ông, nguyên nhân chính là TP.HCM đã bổ sung nguồn vốn đầu tư công trung hạn lớn theo Nghị quyết 98 từ giữa năm 2023, khiến nhiều dự án chỉ mới hoàn thành các thủ tục đầu tư mà chưa đến giai đoạn giải ngân. Dự kiến, các dự án sẽ đẩy mạnh tiến độ vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, ông cho biết một số dự án cũng gặp vướng mắc do thay đổi các quy định pháp luật như Luật Đất đai và Luật Đấu thầu, dẫn đến việc điều chỉnh kế hoạch, hồ sơ mời thầu và chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

"Hiện TP.HCM có khoảng 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công vướng mắc tại khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng, điển hình là các dự án lớn như Rạch Xuyên Tâm và Bờ Bắc Kênh Đôi", đại diện Sở KHĐT cho biết.

Phân tích rõ hơn về các dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Võ Trung Trực cho biết năm 2024, TP.HCM có 176 dự án thuộc nhóm này.

Trước tháng 9, tổng vốn đầu tư dự kiến dành cho các dự án chỉ hơn 21.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức đầu tư, bao gồm các khoản hỗ trợ thêm cho các hộ dân bị ảnh hưởng, nâng tổng vốn lên hơn 32.000 tỷ đồng.

Ông Trực cũng giải thích để chuẩn bị cho Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực, TP đã tạm dừng một số dự án bởi Luật mới có những quy định tác động lớn đến việc hỗ trợ người dân

Do đó, sau khi Luật áp dụng, TP.HCM và các cơ quan liên quan sẽ đẩy mạnh giải ngân hơn 32.000 tỷ đồng cho nhóm dự án này vào tháng 11-12, với mục tiêu đến cuối kỳ giải ngân đạt hơn 96% kế hoạch.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn một số dự án lớn, như công trình chống ngập do triều cường và metro số 1, cần xin ý kiến từ cơ quan Trung ương, nên đã làm chậm tiến độ giải ngân. Các dự án này chiếm khoảng 10.000 tỷ đồng vốn đầu tư công.

TP hiện cũng còn có khoảng 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chậm giải ngân vì các dự án cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000 hoặc 1/500. Đối với nhóm dự án này, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phân chia từng nhóm và phối hợp các quận, huyện, TP Thủ Đức để thúc đẩy.

Khẩn trương đẩy mạnh đầu tư công

Đối với các dự án mới khởi công, ông Phạm Trung Kiên cho biết các đơn vị đang bám sát tiến độ hoàn thiện thủ tục về môi trường và phê duyệt dự án. Đối với hồ sơ doanh nghiệp nộp qua phần mềm, các cơ quan phải xử lý ngay và cập nhật tiến độ hàng ngày.

Để thúc đẩy việc giải ngân vốn, Sở KHĐT TP.HCM còn khuyến nghị áp dụng song song các thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy phép môi trường.

Ông cũng đề nghị các chủ đầu tư chậm trễ do chủ quan nên bị xử lý trách nhiệm, đồng thời Sở đề xuất UBND TP tăng cường kiểm tra và giám sát vốn, đặc biệt đối với các dự án có quy mô lớn, nhằm đảm bảo công tác giải ngân diễn ra suôn sẻ.

Kết luận buổi họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh các báo cáo từ các đơn vị lên UBND luôn đi kèm lộ trình chi tiết và đặt ra mục tiêu đạt 95% giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, những dự báo này thường xuyên thay đổi hàng tháng và có sự chênh lệch với thực tế.

"Ví dụ, dù mục tiêu giải ngân trong tháng 10 là 29%, nhưng chỉ đạt 22%. Như vậy, để đạt mức 33% vào tháng 11, số vốn cần giải ngân phải đạt 29.000 tỷ đồng. Nếu không hoàn thành đúng tiến độ, áp lực sẽ càng gia tăng vào các tháng sau", ông nói.

 Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại phiên họp sáng 31/10. Ảnh: Trungtambaochi.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tại phiên họp sáng 31/10. Ảnh: Trungtambaochi.

Theo đó, ông Dũng yêu cầu Sở KHĐT rà soát kỹ từng con số, làm rõ trách nhiệm các đơn vị đăng ký nhưng không đạt mục tiêu. Đồng thời, cần động viên những đơn vị dù không đăng ký nhưng lại đạt chỉ tiêu.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh các đơn vị cần cập nhật tiến độ kịp thời, tiếp tục rà soát và đẩy nhanh tiến độ các dự án được giao, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giải ngân công.

Mới đây, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch thi đua cao điểm 60 ngày đêm “Quyết tâm tăng tốc, năng suất gấp đôi” phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024.

Kế hoạch này yêu cầu các đơn vị tập trung tháo gỡ vướng mắc, quyết tâm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, phấn đấu thực hiện đạt tỷ lệ 95% theo kế hoạch và theo cam kết của các đơn vị.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/tphcm-con-hon-32000-ty-dong-dau-tu-cong-bi-tac-post1507795.html
Zalo