Cần sớm lập bảo tàng tương xứng với tầm vóc và cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sáng 26/12/2024, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức Hội thảo Khoa học 'Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Nhà quân sự thiên tài, nhà văn hóa lớn'.
Trong cuộc đời làm báo gần 40 năm của tôi ở báo Quân đội nhân dân, tôi không thể nào quên những ngày cả Tòa soạn chúng tôi tập trung làm những số báo đặc biệt về Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi Người qua đời đầu tháng 10 năm 2013, cách đây hơn 11 năm. Tin bài từ khắp nơi trong cả nước và từ nước ngoài gửi về Tòa soạn bày tỏ tình cảm xúc động, tiếc thương vô hạn, lòng kính trọng, sự khâm phục, ngưỡng mộ tài năng, nhân cách, đạo đức trong sáng của nhà quân sự tài ba Võ Nguyên Giáp, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, vị Đại tướng đầu tiên và là người được suy tôn là Anh cả của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam. Từ các vị tướng đến người chiến sĩ và người dân bình thường đều có chung đánh giá: Với hơn 103 tuổi đời và hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Tên tuổi Đại tướng gắn liền với sự ra đời, chiến đấu, trưởng thành của QĐND Việt Nam Anh hùng; với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong những ngày đau thương ấy, tôi luôn đau đáu suy nghĩ, Đại tướng đã về với Bác Hồ, với “thế giới Người Hiền” rồi nhưng đâu có phải vì tinh tú trên bầu trời ấy đã vụt tắt? Không, nhất định không ! Ngôi sao Võ Nguyên Giáp sẽ sáng mãi và càng ngày càng tỏa sáng. Đại tướngVõ Nguyên Giáp sẽ không chỉ là bậc vĩ nhân của quá khứ, ông mãi mãi là một nhân vật tiêu biểu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh và ông sẽ tỏa sáng mãi mãi trong tương lai, ông sẽ mãi mãi trường tồn cùng đất nước và dân tộc.
Trong những ngày đó, khi chứng kiến những tình cảm đặc biệt chưa từng có mà toàn quân và toàn dân ta cũng như bạn bè khắp nơi trên thế giới dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi chứng kiến những dòng người xếp hàng như vô tận đến dâng hương tưởng nhớ Đại tướng tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) nơi gia đình ông sinh sống nhiều năm, tại Nhà tang lễ quốc gia (5 Trần Thánh Tông-Hà Nội), cũng như tại quê hương ông ở Lệ Thủy (Quảng Bình)… tôi đã suy nghĩ nhất định sẽ phải có một Bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong tương lai gần nhất để đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc hơn, tường tận hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự xuất sắc, một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Đại tướng đã đi xa cách nay hơn 10 năm, nhưng tình cảm mà nhân dân, cán bộ chiến sĩ LLVT và bạn bè quốc tế dành cho ông vẫn vẹn nguyên. Nơi ông yên nghỉ tại Vũng Chùa-Đảo Yến nơi quê hương Quảng Bình không lúc nào thưa vắng người dân từ các nơi đổ về dâng hương tưởng nhớ. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng thực sự đã trở thành một di sản tinh thần vô giá không chỉ của dân tộc Việt Nam mà còn của toàn nhân loại. Việc gìn giữ, lưu truyền đến muôn đời sau những tư liệu, kỷ vật, tác phẩm về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp xuất sắc của Đại tướng đối với đất nước, dân tộc và kho tàng tri thức quân sự thế giới là trách nhiệm của thế hệ chúng ta hôm nay.
Hơn 10 năm qua tôi luôn suy nghĩ về điều này và tôi biết rằng nhiều người cũng đã nêu vấn đề này trên các diễn đàn khác nhau nhưng ý tưởng vẫn chỉ là ý tưởng. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 – 22-12-2024) và 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (1989-2024), tôi thấy vấn đề này càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Đặc biệt, những ngày qua, khi chứng kiến sự kiện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam mới được khánh thành và mở cửa đón người xem luôn ở trong tình trạng quá tải, tôi lại càng thấy sự quan tâm của nhân dân, cán bộ chiến sĩ LLVT và đặc biệt là thế hệ trẻ đối với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Họ đến để tri ân các thế hệ cha anh không tiếc sức mình, đổ máu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc. Họ đến để học tập, nghiên cứu và bồi đắp lòng tự hào về nghệ thuật quân sự Việt Nam, trí thông minh, sáng tạo của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giữ nước, dám đánh, biết đánh và đánh thắng những kẻ thù hung ác tàn bạo, luôn ở thế mạnh hơn về vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật. Và tôi luôn mong ước, cùng với việc ra đời một Bảo tàng lịch sử quân sự-một công trình văn hóa quy mô lớn và hiện đại được Nhà nước đầu tư xây dựng, sẽ sớm có một bảo tàng chuyên đề về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân thế hệ hôm nay và những thế hệ tiếp sau có thể hiểu rõ hơn về một trong những vị chỉ huy tài ba, vị Tổng tư lệnh được suy tôn là Anh Cả của Quân đội ta.
Tài năng và đức độ của người “Anh Cả” của QĐND Việt Nam, theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, trong bài viết về Đại tướng nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Người, thể hiện trên nhiều mặt, nhưng tập trung nhất và rõ nhất trên một số dấu ấn nổi bật sau:
1. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức, giáo dục, rèn luyện, xây dựng QĐND Việt Nam không ngừng lớn mạnh.
2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một nhà quân sự tài năng xuất chúng, là vị tướng mưu lược, quyết đoán.
3. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người góp phần quan trọng phát triển lý luận quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đây là một đóng góp quan trọng phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam, được thế giới, đặc biệt là các nước đang đấu tranh giải phóng dân tộc rất quan tâm.
4. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhà lãnh đạo, nhà chính trị tài giỏi, mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Quân đội, của Đảng, Nhà nước, nhân dân và với bạn bè quốc tế.
Đúng như đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã đánh giá: “Với sự hội tụ đầy đủ các tiêu chí: Người tổ chức, xây dựng quân đội; người chỉ huy đánh trận giỏi; nhà lý luận quân sự xuất sắc; nhà lãnh đạo chính trị tài ba, mẫu mực... Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân hết lòng kính trọng suy tôn là “Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ quân đội mến phục suy tôn là “Người Anh Cả” của QĐND Việt Nam, xứng đáng là “Tư lệnh của các tư lệnh, Chính ủy của các chính ủy, Tướng của các tướng và Thầy của các bậc thầy quân sự”.”
Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ hôm nay và mai sau có trách nhiệm tôn vinh và tri ân những cống hiến to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, đất nước, dân tộc, Quân đội ta và phong trào cách mạng thế giới; thông qua đó góp phần tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam.
Với tư cách là Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân tôi may mắn được nhiều lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời, cũng như được trân trọng mời Đại tướng tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao, các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa do báo Quân đội nhân dân tổ chức. Mỗi lần có mặt tại Nhà riêng của Đại tướng tại 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) được xem những tư liệu, hiện vật, kỷ vật mà cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các chính khách, bạn bè quốc tế …tặng Đại tướng bày trong phòng khách, tôi luôn đặt câu hỏi: Vì sao không có một bảo tàng để lưu giữ những di sản vật thể và phi vật thể về Đại tướng, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ?
Tôi được biết, sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời năm 2013,Thượng tướng Nguyễn Văn Được, nguyên Chủ tịch Hội CCB Việt Nam cũng đã đề nghị Mặt trận Tổ quốc kiến nghị với Đảng và Nhà nước sớm quy hoạch ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, làm Bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là niềm mong mỏi của người dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế để có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc hơn về một con người vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
PGS-TS Nguyễn Văn Huy (nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) cũng đã từng nêu ý kiến: "Nên có một bảo tàng để lưu giữ những di sản vật thể và phi vật thể về Đại tướng, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây là việc hệ trọng. Cuộc đời của bác Võ Nguyên Giáp là một di sản lớn, bản thân cuộc đời ấy đã là một chất liệu tuyệt vời để có thể làm nên một bảo tàng. Bảo tàng Võ Nguyên Giáp không cần to tát, hoành tráng - điều mà lâu nay những người làm bảo tàng vẫn thích mà chỉ nên bình dị thôi".
Theo ông Huy, bảo tàng này ở ngay trên tòa nhà và khuôn viên của mảnh đất 30 Hoàng Diệu - nơi Đại tướng sống và làm việc 60 năm, từng tiếp nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế là hợp lý. Nơi đây, từng cành cây ngọn cỏ, từng viên sỏi hay chỉ là tia nắng ban mai cũng gắn liền với vị tướng bình dị. Chỉ cần đến địa chỉ này thôi, chưa cần xem nội dung, lòng người đã xốn xang xúc động lắm rồi. PGS-TS Nguyễn Văn Huy cho biết ở nhiều nước có những bảo tàng chỉ nho nhỏ thôi nhưng người ta biết cách trưng bày, biết kể câu chuyện, người xem vẫn đến đông và khi xem xong họ vô cùng xúc động.
Theo PGS- TS Nguyễn Văn Huy, hiện cả nước có 135 bảo tàng nhưng đa phần những bảo tàng đó tính hiệu quả không cao. Nếu có cơ hội làm bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo ông, phải tổ chức được một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm giúp cho nội dung bên trong bảo tàng thật hay, kể được những câu chuyện thú vị, đặc sắc nhất nhưng thật đời thường về vị Đại tướng của nhân dân.
Cũng theo ông Huy, "Chắc chắn cần tranh thủ sự tư vấn của các chuyên gia của nước ngoài thiết kế nội thất về mặt không gian, ánh sáng, đồ họa. Muốn làm một bảo tàng chất lượng cao phải có một sự đầu tư thỏa đáng nhưng không có nghĩa là hoành tráng. Cái gì bình dị cũng dễ gần và xúc động người xem"
Đại tá Nguyễn Duy Thiệu, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ cũng cho rằng việc lập bảo tàng Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là ước vọng của toàn dân, toàn quân mà là việc làm vô cùng quan trọng. Chúng ta đã có nhiều danh tướng tài ba với chiến công hiển hách như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… nhưng tài liệu về những con người tài ba này lại còn rất ít do sự thăng trầm của lịch sử cũng như sự tàn phá của chiến tranh. Có những binh thư, kiệt tác quân sự của các bậc tiền bối rất quý giá nhưng chúng ta đã không giữ lại được.
Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, may mắn thay, tư liệu, hiện vật đang lưu giữ về Người còn rất nhiều. Khối lượng trước tác Đại tướng để lại thật đồ sộ và có giá trị nhiều mặt, về nhiều lĩnh vực: quân sự, chính trị, văn hóa, khoa học, nghệ thuật…. Nhiều hồi ký và các tác phẩm về nghệ thuật quân sự của Đại tướng đã được dịch ra các ngôn ngữ khác nhau và phổ biến rộng rãi trên thế giới. Việc thành lập bảo tàng Võ Nguyên Giáp và cùng với đó là một trung tâm nghiên cứu về con người, sự nghiệp, đặc biệt là tài năng quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ là một “địa chỉ đỏ”, một thiết chế văn hóa và một trung tâm nghiên cứu để lớp lớp con cháu chúng ta và bạn bè quốc tế có thể đến để học tập và nghiên cứu.
Việc thành lập một Bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không phải chỉ là câu chuyện để nói về quá khứ hào hùng của đất nước và dân tộc, nói về thời đã qua. Đây chính là sự chuẩn bị của chúng ta cho tương lai, là ý thức chủ động bồi dưỡng, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự hào và tự tôn dân tộc, hun đúc ý chí và nuôi dưỡng khát vọng vươn tới cho thế hệ trẻ, những người kế tiếp chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước mãi mãi trường tồn và phát triển. “Việt Nam-Hồ Chí Minh-Võ Nguyên Giáp”- những danh từ riêng kiêu hãnh được hô vang bằng nhiều ngôn ngữ trên hành tinh trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21 sẽ còn vang vọng mãi. Câu chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ một thầy giáo dạy môn lịch sử trở thành một trong những nhà quân sự lỗi lạc nhất trong lịch sử Việt Nam và là vị tướng lừng danh trong lịch sử quân sự thế giới phải được kể một cách hấp dẫn, thuyết phục với hàng triệu, hàng triệu người xem trong nước và quốc tế. Để làm điều này, tôi nghĩ nhất định phải có một bảo tàng tương xứng với tầm vóc của ông. Đây là cách thiết thực để chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau tri ân công lao, đóng góp của ông đối với đất nước và dân tộc, phấn đấu học tập noi gương ông và các vị cách mạng tiền bối-những học trò xuất sắc nhất, tiêu biểu nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong lúc này, Tổng bí thư Tô Lâm đang phát động toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống lãng phí. Chậm trễ trong việc thành lập bảo tàng về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi nghĩ là chúng ta cũng đang lãng phí một tài nguyên tinh thần vô giá, một giá trị lịch sử độc đáo, hiếm có-đó là di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho đất nước và dân tộc.