'Cắn răng' vì giấc mơ nhà ở: An cư hay gánh nặng?
Giá bất động sản tăng cao không ngừng biến căn nhà, thay vì trở thành nơi an trú, đôi khi lại trở thành những nỗi lo vô hình, gánh nặng đối với nhiều người.
Người nghèo khó tiếp cận tài nguyên đất đai
Chúng ta thường nghe câu nói “An cư lạc nghiệp”, và việc sở hữu một căn nhà riêng luôn được coi là một biểu tượng của sự thành công và ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, giấc mơ an cư ấy đang trở thành bài toán rất khó, đặc biệt đối với giới trẻ và người lao động có thu nhập trung bình.
Nếu như cách đây 10 năm, có trong tay 1 tỷ đồng là bạn hoàn toàn có thể nghĩ đến việc sở hữu một căn hộ rộng rãi 2 phòng ngủ, đáp ứng cho cuộc sống gia đình ở thành thị. Thì nay, con số đó chỉ đủ để bạn mua một nửa căn hộ studio.
Giá bất động sản đã tăng chóng mặt trong khi đó, thu nhập của phần đa người dân lại tăng chậm chạp, không theo kịp. Một số thống kê chỉ ra rằng, 60% là mức tăng trung bình của giá bất động sản trong 5 năm qua, bỏ xa mức tăng vỏn vẹn khoảng 6% về thu nhập ở cùng giai đoạn.
Sự phức tạp lớn dần lên khi tình trạng đầu cơ bất động sản diễn biến khó lường, đi kèm với những chính sách hỗ trợ nhà ở còn nhiều hạn chế, làm giấc mộng có nhà của người lao động bình dân hoặc các gia đình trẻ thêm xa vời. Để biến mong ước đó thành hiện thực, nhiều người buộc phải chấp nhận hy sinh những nhu cầu thiết yếu khác, đặt bản thân vào vòng xoáy vay nợ kéo dài.
Có nên đánh đổi chất lượng cuộc sống để lấy một căn nhà đắt đỏ
Có người chia sẻ trên các diễn đàn nhà đất về việc chấp nhận chi trả cho bữa sáng quá đỗi đạm bạc chỉ với vài chục nghìn đồng, dấy lên câu hỏi không dễ trả lời: Có nên đánh đổi chất lượng cuộc sống để lấy một căn nhà đắt đỏ giữa thời nay?
Có nhà, đồng nghĩa với việc không còn phải lo lắng với cuộc sống thuê trọ bất ổn định, và là tấm bằng chứng thực cho sự thành công trong mắt người khác. Tuy nhiên, cũng từ đó nhiều lo toan khác nảy sinh, như biến động thị trường, lãi suất, công việc... Những năm tháng dành dụm để chạm tay vào giấc mơ sở hữu nhà cửa, tưởng chừng là điểm kết thúc của chuỗi ngày bất an, lại mở ra một chương mới đầy áp lực.
Không ít người sau khi mua được nhà đã rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên” vì sự bất ổn của nền kinh tế. Một đợt khủng hoảng bất động sản hay lãi vay ngân hàng tăng vọt có thể biến căn nhà - vốn là biểu tượng của sự ổn định lại thành nguồn cơn của khủng hoảng tài chính cá nhân.
Tóm lại, không có câu trả lời thỏa đáng cho sự băn khoăn này. Có người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, nhưng có người chọn phương án an toàn hơn giữa bối cảnh đầy biến động như hiện nay, là tiếp tục đi thuê nhà. Kỳ thực, mua nhà hay thuê nhà đều có những ưu và nhược điểm riêng, chẳng có lựa chọn nào là toàn vẹn.
Quan trọng nhất, là phù hợp với điều kiện và mục tiêu của bản thân cũng như gia đình. Chẳng hạn, với số tiền khoảng 1-2 tỷ đồng, thay vì dồn toàn bộ và chọn đi vay để mua một căn hộ ưng ý, thì không ít người chọn cuộc sống đi thuê nhà, và thực hiện các mục tiêu khác trong cuộc sống, như giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe, đầu tư vào các kênh có khả năng sinh lời hay đơn giản là tận hưởng những khoảnh khắc bình yên. Đó là một lựa chọn đáng để cân nhắc.
Giá nhà, đất bị đẩy cao phi lý gây nhiều hệ lụy, vừa làm người dân khó tiếp cận nhà ở lẫn tăng chi phí đầu tư sản xuất, và quan trọng là người đầu tư chân chính khó tiếp cận tài nguyên đất đai.
Mặt khác, giá bất động sản tăng cao khiến giá trị tài sản đảm bảo tại các ngân hàng chắc chắn tăng theo. Và, khi giá bất động sản tăng quá nhanh, vượt xa giá trị thực, các ngân hàng cần cẩn trọng nguy cơ đối mặt với một số rủi ro lớn. Khi giá tài sản bị đẩy lên mức ảo, các khoản vay dựa trên giá trị này sẽ không bền vững.
Nếu thị trường đảo chiều, các khoản tín dụng này dễ trở thành nợ xấu, nguy cơ vỡ bong bóng tín dụng. Khi phần lớn dòng vốn ngân hàng bị “đóng băng” vào bất động sản, các ngành kinh tế khác sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, gây mất cân đối dòng tiền, tăng áp lực thanh khoản.