Cần quy định về nhà máy điện hạt nhân thiết kế trong nước
PGS.TS. Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt NamDự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang thiếu loại hình nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu do tổ chức trong nước thiết kế. Nếu không có quy định cho loại hình này thì lúc cần sẽ phải đề nghị Quốc hội ban hành một cơ chế đặc biệt. Luật cần dự đoán được nhu cầu thực tế để không bỏ sót các loại hình hoạt động mà không có quy định điều chỉnh.
Bổ sung chính sách về Cơ quan pháp quy hạt nhân
Tại bản Dự thảo số 5.1 của Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), gọi tắt là Dự thảo, vẫn còn một số nội dung cần làm rõ.
Đối với chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, Dự thảo cần bổ sung một chính sách về Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia. Đây là một cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm để bảo vệ con người, tài sản và môi trường khỏi các tác hại không mong muốn của bức xạ. Vì vậy, phải có chính sách quy định Chính phủ phải thành lập Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia, có thẩm quyền được pháp luật giao và được bảo đảm đầy đủ nhân lực, tài lực và năng lực hỗ trợ kỹ thuật nội tại để thực hiện các trách nhiệm quản lý pháp quy hạt nhân đối với mọi hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phù hợp với Nguyên tắc an toàn cơ bản số 2 của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và quy định của Công ước quốc tế về an toàn hạt nhân.
Bên cạnh đó, cần có quy định về Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia và các chức năng pháp quy của cơ quan này trong Luật phù hợp với hướng dẫn Luật Năng lượng nguyên tử mẫu (Luật mẫu) của IAEA. Các chức năng pháp quy của cơ quan này bao gồm: xây dựng các quy định pháp quy, cấp phép, thanh tra và thẩm định, xử lý vi phạm và cưỡng chế thi hành, thông tin đại chúng và phối hợp hoạt động với các cơ quan quản lý nhà nước khác trong quản lý pháp quy hạt nhân.
Dự thảo Luật mới quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân tại Khoản 2 Điều 7. Để phù hợp với hướng dẫn của IAEA thì nên quy định Điều 7 về Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia với các nhiệm vụ như đã quy định ở Khoản 2 Điều 7. Trên cơ sở đó, ở các quy định về cấp phép cho dự án điện hạt nhân trong Dự thảo sẽ quy định trách nhiệm của Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia như hướng dẫn trong Luật mẫu của IAEA.

Nguồn: ITN
Định nghĩa cơ sở bức xạ tại Điều 17 cần chỉnh sửa để không bỏ sót các loại hình cơ sở bức xạ. Theo đó, chỉ nên ghi 2 loại hình chiếu xạ thuộc về cơ sở bức xạ là cơ sở chiếu xạ sử dụng máy gia tốc và cơ sở chiếu xạ sử dụng nguồn phóng xạ. Không nên định nghĩa cơ sở bức xạ theo mục đích chiếu xạ. Trong Dự thảo nêu 4 loại hình chiếu xạ gồm xạ trị, khử trùng, đột biến, biến tính vật liệu; tuy nhiên đang thiếu chiếu xạ thanh trùng, chiếu xạ kiểm dịch…
Yêu cầu về bảo đảm an toàn bức xạ, an toàn và an ninh hạt nhân tại Điều 29 chưa đầy đủ, thiếu yêu cầu trong lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo thiết bị hạt nhân, cơ sở hạt nhân. Do đó, Dự thảo cần phải bổ sung nội dung này.
Quy định cụ thể, minh bạch về cấp phép
Liên quan các giai đoạn cấp phép của dự án điện hạt nhân, theo hướng dẫn của IAEA (xem Chương 6 của Luật mẫu quy định về an toàn cơ sở hạt nhân), Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia chịu trách nhiệm về cấp phép theo 6 giai đoạn của dự án điện hạt nhân, bao gồm: phê duyệt địa điểm; phê duyệt thiết kế; kiểm soát việc chế tạo và cấp phép xây dựng; vận hành thử; vận hành và tháo dỡ. Trong quá trình cấp phép nếu có vấn đề liên quan đến các cơ quan quản lý nhà nước khác như môi trường, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy… thì Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia sẽ phối hợp hay tham vấn với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan trước khi ban hành giấy phép. Khi đó, đầu mối quản lý trực tiếp dự án điện hạt nhân chỉ có Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia theo thông lệ quốc tế.
Quy định về cấp phép trong Dự thảo trong từng giai đoạn nên giống với hướng dẫn Luật mẫu của IAEA. Theo đó, trong mỗi giai đoạn cấp phép cần có 3 khoản với các quy định cụ thể.
Khoản 1: trách nhiệm của Cơ quan pháp quy hạt nhân (cơ quan cấp giấy phép), gồm thẩm định, đánh giá và thanh tra để có thể cấp giấy phép theo từng giai đoạn; kiểm soát liên tục; thay đổi giấy phép và thu hồi giấy phép. Khoản 2: trách nhiệm của chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân, gồm chuẩn bị các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép; quản lý an toàn; thẩm tra an toàn; các vấn đề liên quan khác. Khoản 3: điều kiện để được cấp phép. Dự án điện hạt nhân là dự án với tổng mức đầu tư rất lớn nên cần có quy định hết sức rõ ràng, cụ thể và minh bạch về cấp phép. Mọi sự chậm trễ trong thủ tục cấp phép do sự không rõ ràng, cụ thể, công khai, minh bạch sẽ làm tăng chi phí đầu tư cho dự án do lãi vay ngân hàng. Ngoài ra, việc chậm đưa nhà máy vào vận hành lại làm tổn hại về kinh tế cũng rất lớn (mỗi tổ máy 1000MW một ngày sẽ tạo ra 24 triệu kwh điện/ngày).
Vì vậy, các quy định về cấp phép trong Dự thảo phải hết sức rõ ràng và cụ thể. Các quy định trong Dự thảo chưa thực hiện đúng yêu cầu nêu trên theo hướng dẫn của IAEA. Giấy phép hoạt động điện lực của nhà máy điện hạt nhân nên quy định riêng, không nằm trong điều về cấp phép vận hành.
Một điểm đáng chú ý nữa là Dự thảo cần có quy định rõ về phê duyệt thiết kế cho 2 loại hình hoạt động. Một là, đối với nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu mà chúng ta nhập khẩu: quy định về thẩm định và phê duyệt chấp nhận áp dụng thiết kế do đối tác nước ngoài xuất khẩu cho Việt Nam đã được Cơ quan pháp quy hạt nhân của đối tác nước ngoài thẩm định và phê duyệt, có tính tới các điều kiện đặc thù của Việt Nam theo thông lệ quốc tế. Tham khảo Luật Năng lượng nguyên tử của một số nước nhập khẩu công nghệ điện hạt nhân ở nước ngoài.
Hai là, đối với nhà máy điện hạt nhân và lò nghiên cứu do tổ chức trong nước thiết kế: Hiện Dự thảo đang thiếu loại hình này. Nếu không có quy định cho loại hình này thì lúc cần lại phải xin phép Quốc hội một cơ chế đặc biệt, như vậy là không nên. Luật Năng lượng nguyên tử cần phải dự đoán được nhu cầu thực tế để không bỏ sót các loại hình hoạt động mà không có quy định điều chỉnh.
Ngoài ra, trách nhiệm của chủ đầu tư/tổ chức vận hành nhà máy điện hạt nhân chưa được quy định đầy đủ trong các giai đoạn cấp phép, chưa phù hợp với hướng dẫn của IAEA. Chủ đầu tư/tổ chức vận hành phải chuẩn bị các loại hồ sơ và năng lực liên quan đáp ứng yêu cầu cho việc cấp phép theo giai đoạn để có cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ. Tuy nhiên, các giai đoạn cấp phép trong Dự thảo chỉ yêu cầu chủ đầu tư/tổ chức vận hành chuẩn bị Báo cáo phân tích an toàn trình cho Cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia - như vậy là chưa đủ.
Theo hướng dẫn của IAEA, Báo cáo phân tích an toàn (SAR) chỉ có ở trong giai đoạn cấp phép xây dựng, cấp phép vận hành thử và cấp phép vận hành. Trong giai đoạn phê duyệt địa điểm và phê duyệt thiết kế có yêu cầu hồ sơ riêng theo quy định, không có báo cáo phân tích an toàn. Do đó, cần chỉnh sửa lại nội dung này để có cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết về hồ sơ.