Bộ trưởng Nội vụ: Số lãnh đạo xã sau sáp nhập có thể sẽ quá nhiều, phải làm kiêm nhiệm

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, sau khi sáp nhập xã, nếu thiết kế tổ chức bộ máy cấp xã thành các phòng chuyên môn thì lãnh đạo quá nhiều, do đó lãnh đạo phải kiêm nhiệm…

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại phiên họp

Sáng nay, 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự thảo phân định rõ thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp.

Về tổ chức chính quyền địa phương, đối với chính quyền địa phương cấp tỉnh: Cơ bản giữ như quy định hiện hành, chỉ tăng số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh cho phù hợp với việc sáp nhập các ĐVHC cấp tỉnh.

Đối với chính quyền địa phương cấp xã: Quy định về cơ cấu tổ chức của HĐND và UBND cấp xã (xã, phường, đặc khu): HĐND cấp xã có 2 Ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội; UBND cấp xã được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác hoặc bố trí các chức danh công chức chuyên môn để tham mưu, giúp UBND cấp xã quản lý ngành, lĩnh vực trên địa bàn phù hợp với quy mô của ĐVHC cấp xã (mới) theo quy định của Chính phủ.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, cấp xã sắp tới sau sắp xếp có nhiều loại, như TP Phú Quốc cũng thành đặc khu, có xã lớn hơn cả huyện. Vì thế, nếu không phân cấp cho phòng trực thuộc và trung tâm hành chính công làm việc cụ thể thì có thể dẫn đến khó khăn.

Do đó, ông Định gợi ý, dự thảo nên nghiên cứu quy định “có thể” trong phân cấp để đảm bảo linh hoạt, phù hợp với thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên thảo luận

Với quy định về tổ chức bộ máy, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, nếu ở các xã tổ chức thành các phòng chuyên môn, rồi có trưởng, phó phòng trong khi biên chế của xã dự kiến chỉ khoảng 32 người thì có hợp lý hay không?

Báo cáo giải trình thêm tại phiên họp về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, nếu theo dự kiến thì số lãnh đạo cấp xã chiếm tỷ lệ trên 1/3. Chẳng hạn xã tổ chức thành 7 phòng thì thuần túy có 14 lãnh đạo phòng, chưa kể lãnh đạo bên đảng, chính quyền, cộng lại sẽ rất nhiều.

“Đây là cấp chính quyền hoàn chỉnh nên phải có bộ máy. Do đó, nên vận dụng theo hướng linh hoạt, tức địa phương căn cứ quy mô phát triển, dân số… để có thể bố trí cơ quan chuyên môn và tương đương, hoặc theo vị trí việc làm. Chính phủ sẽ phải hướng dẫn chi tiết” – Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đồng thời nhấn mạnh, nếu thiết kế tổ chức bộ máy thì lãnh đạo phải kiêm nhiệm, mục tiêu là phục vụ, chứ nhiều lãnh đạo quá khó đáp ứng mục tiêu khẩn trương, cấp bách, phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp.

Tiến Hưng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-truong-noi-vu-so-lanh-dao-xa-sau-sap-nhap-co-the-se-qua-nhieu-phai-lam-kiem-nhiem-post610304.antd
Zalo